Banner trang chủ

Phát động mô hình phân loại rác thải tại nguồn cho khu vực nông thôn tỉnh Long An

08/09/2023

    Theo Điều 75, Luật bBVMT năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)  phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn (CTR) có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH… Bao bì này là cơ sở quản lý việc phân loại và thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

    Theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, hộ gia đình, cán nhân không phân loại CTRSH và không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Nghị định cũng quy định các mức xử phạt cụ thể đối với một số hành vi vi phạm các quy định về BVMT nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư: Phạt tiền từ 100.000 - 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối.

    Cũng như các địa phương khác, cùng với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội là sự gia tăng lượng lớn CTR cần xử lý trên địa bàn tỉnh Long An, nhất là CTRSH, chất thải nhựa ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Phần lớn CTRSH trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại hộ gia đình, do đó, việc nghiên cứu giải pháp giảm lượng rác thải cần xử lý, giảm chi phí xử lý rác thải và tận dụng tối đa rác để tái chế, tái sử dụng là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

    Những năm gần đây, công tác quản lý rác thải luôn được tỉnh quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như Chỉ thị số 09/CT-UBND, ngày 16/8/2018 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý CTR trên địa bàn tỉnh Long An; Kế hoạch số 3558/KH-UBND ngày 14/11/2021 của UBND tỉnh về quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý CTR trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 - 2025... Đồng thời, Nghị quyết số 05-NQ/ĐH ngày 16/10/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra chỉ tiêu thu gom,xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 ở khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt 95%. Mặt khác, theo Luật BVMT năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022), CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn; các chủ nguồn thải không phân loại rác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, vì vậy, việc phân loại chất thải tại nguồn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần được khẩn trương thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

    Mới đây, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) thông qua Dự án “Quản lý rác thải ở đồng bằng sông Cửu Long” (Dự án) đã phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Long An, UBND huyện Vĩnh Hưng tổ chức “Phát động mô hình phân loại rác tại nguồn cho khu vực nông thôn huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

    Thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) thải đã được tỉnh Long An quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, với sự hỗ trợ đồng hành của Dự án Quản lý rác thải ở đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng Đề án Quản lý CTRSH cho tỉnh Long An và thực hiện các hoạt động thí điểm từ năm 2018. Sau đó triển khai thí điểm ở khu vực đô thị, cụ thể là ở phường 3, TP. Tân An với quy mô 4.800 hộ từ năm 2020, đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

    Cụ thể, rác thải trên địa bàn đã được phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý riêng. Hơn 85% người dân ủng hộ và tham gia tích cực, góp phần giảm 30% - 40% lượng rác thải mang đi đốt/chôn lấp (rác hữu cơ được tách ra khỏi rác hỗn hợp để làm phân hữu cơ), qua đó nâng cao nhận thức của người dân về quản lý và thải bỏ rác thải, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí xử lý cho địa phương.

    Từ thành công của mô hình cho khu vực đô thị, Dự án tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Long An thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn và sản xuất phân hữu cơ cho khu vực nông thôn cho khoảng 3.450 hộ gia đình trên toàn thị trấn Vĩnh Hưng và một phần xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng. Theo kế hoạch, các hộ gia đình, nhà trọ, cơ sở sản xuất, trường học, nhà hàng, quán ăn… sẽ phân loại rác thành 3 loại: Rác thải thực phẩm; rác thải có khả năng tái chế, tái sử dụng và rác còn lại. Sau khi được phân loại, rác sẽ được thu gom, vận chuyển riêng về Nhà máy xử lý rác thải Vĩnh Hưng để sản xuất phân hữu cơ hoặc xử lý riêng theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình giảm nhựa, WWF-Việt Nam tặng thùng rác cho địa phương

    Cũng theo kế hoạch thí điểm, WWF-Việt Nam thông qua Dự án “Quản lý rác thải ở đồng bằng sông Cửu Long” sẽ hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ cho việc thí điểm bao gồm 3.450 thùng rác hộ gia đình; 200 thùng ủ compost hộ gia đình; 3 thùng ủ compost cộng đồng, công suất 3.000 lít kèm theo nhà bảo vệ và đường điện vận hành, 157 thùng rác công cộng; 16 xe đẩy tay; 2 xe tải thu gom rác và 1 dây chuyền sản xuất phân hữu cơ, công suất 5 tấn/ngày.

    Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình giảm nhựa, WWF-Việt Nam, việc triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn tại huyện Vĩnh Hưng là một trong những bước tiến quan trọng trong hành trình BVMT trên địa bàn, cũng như gia tăng vòng đời của các vật liệu có giá trị tái chế cao như nhựa. Với sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của tất cả mọi người, Mô hình thí điểm sẽ đạt được thành công, tạo cơ sở nhân rộng cho các khu vực nông thôn khác của tỉnh Long An nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung, hướng đến mục tiêu không còn rác nhựa trong thiên nhiên ở tương lai không xa.

    Ông Võ Văn Bảo, đại diện lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Hưng cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, địa phương đang đối mặt với vấn đề CTRSH với tổng khối lượng phát sinh hiện nay khoảng 22,5 tấn/ngày. Hiện trên địa bàn huyện có Nhà máy xử lý rác để phục vụ xử lý CTRSH, tuy nhiên, thời gian qua việc phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện thường xuyên nên phần lớn rác được tập hợp tất cả về Nhà máy, gây quá tải cho việc xử lý. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn khu vực nông thôn, cụ thể là tại thị trấn Vĩnh Hưng và xã Thái Trị là cơ hội để địa phương khẳng định quyết tâm trong việc quản lý chất thải, đặc biệt là tái chế, thu hồi năng lượng từ rác thải, phấn đấu đến cuối năm 2023 hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thị trấn Vĩnh Hưng và xã Thái Trị trước khi nhân rộng trong toàn huyện.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn