05/05/2022
Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang được thành lập theo Quyết định số 102/2002/QĐ-TTg ngày 30/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Nơi đây được biết đến là trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) bậc nhất của Việt Nam và lưu giữ nhiều nguồn gen rất có giá trị cho công tác bảo tồn. VQG nằm trong vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn ĐDSH cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn.
Cảnh sắc thiên nhiên tại VQG Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh)
VQG Vũ Quang được giới bảo tồn thế giới biết đến khi nơi đây phát hiện và công bố 2 loài thú mới cho khoa học vào đầu những năm thập niên 90, đó là Sao la hay còn gọi là “Kỳ lân châu á” (Pseudoryx nghetinhensis) và Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), đây là những phát hiện gây chấn động giới bảo tồn Quốc tế và việc khám phá ra các loài mới cho khoa học này là một sự kiện có ý nghĩa toàn cầu trong lịch sử sinh học. Liên tiếp trong những năm của thập niên chín mươi, các nhà khoa học lại tìm ra ở các khe suối trên vùng rừng Vũ Quang hùng vĩ thêm 5 loài Cá mới cho khoa học, bao gồm: Cá Lá giang (Parazacco vuquangensis), Cá Chuồn sông (Crossocheilus benasivuha), Cá Bướm (Pararhodeus philantropus), Cá Đong chấm sọc (Puntius equalitus), Cá Chiên thác bẹt (Oreoglanis libertis) và 3 loài Tảo: Diphyscium tamasii, Cololejeunea vuquangensis và Cheilolejeunea streimannii. Các loài mới nêu trên đều là đặc hữu (edemic) cho vùng Trung Trường Sơn, nhưng được phát hiện, mô tả và công bố loài mới đầu tiên ở các sinh cảnh của rừng Vũ Quang. Khu vực này có duyên với việc phát hiện loài mới đến mức các chuyên gia và nhà báo nước ngoài từng nói rằng: “Vũ Quang là mỏ loài mới của Việt Nam!”. Có lẽ cách ví von này không hề “nhân cách hóa” vì, ngoài “Cái duyên” phát hiện ra loài mới, vùng núi VQG Vũ Quang là một khu vực có mức độ ĐDSH rất cao và còn tiềm ẩn giá trị khoa học và thực tiễn rất lớn, chưa được khám phá.
Giá trị ĐDSH tại Vườn Quốc gia Vũ Quang
VQG Vũ Quang có giá trị sinh học lớn, bởi đây là một trong những nơi cư trú cuối cùng của một số loài có ý nghĩa quan trọng cho công tác bảo tồn, và cũng bởi mức độ ĐDSH rất cao. Tại VQG Vũ Quang có có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong số đó có những loài sinh vật đặc trưng, quý hiếm như: Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), Thỏ vằn trường sơn (Nesolagus timinski), Cầy vằn (Migalus owstoni), Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), Vượn đen má trắng (Hylobates leucogenys), Gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis), Rắn lục sừng (Trimeresurus cornutus), Ếch cây sần bắc bộ (Theloderma corticale)...
Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước thì đa dạng khu hệ động, thực vật tại VQG Vũ Quang không hề thua kém bất cứ khu vực nào trên cùng lãnh thổ. Về hệ thực vật ở VQG Vũ Quang đã xác định được 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 202 họ, trong số này có tới 131 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục IUCN (2017) và Nghị định số 06/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Khu hệ động vật của VQG Vũ Quang còn đáng được chú ý hơn, các nghiên cứu đã ghi nhận ở đây có sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài Chim, 58 loài Bò sát, 31 loài Lưỡng cư, 88 loài Cá xương, 316 loài Bướm, 73 loài Kiến và 28 loài Nhện. Trong đó, có 46 loài Thú, 21 loài Chim, 20 loài Bò sát, 2 loài Lưỡng cư và 1 loài Cá xương nằm trong Danh lục IUCN (2017) và Sách Đỏ Việt Nam (SĐVN, 2007) cần được ưu tiên bảo tồn. Việc phát hiện và công bố hàng loạt các loài mới cho thế giới trong thời gian qua như: Chà Ran tuyến (Homalium glandulosum) (2016), Trà hoa vàng Vũ Quang (Camellia vuquangensis), Trà hoa vàng Hà Tĩnh (Camellia hatinhensis) (2018), Dẻ Vũ Quang (Lithocarpus vuquangensis) (2018), Gừng Vũ Quang (Zingiber vuquangense) (2019), Tân bời lời Vũ Quang (Neolitsea vuquangense) (2019) đã khẳng định cho sự giàu có, độc đáo và tiềm ẩn về đa dạng sinh học nơi đây. Khu vực này không chỉ ở mức độ quốc gia mà còn trên phạm vi toàn cầu về tầm quan trọng cho công tác bảo tồn.
Những nghiên cứu phát hiện khoa học có giá trị về ĐDSH nổi bật trong năm 2021
Việc phát hiện các loài sinh vật mới cho khoa học không còn xa lạ đối với các nhà nghiên khi nhắc tới rừng VQG Vũ Quang, chỉ trong năm 2021, tại đây các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đã liên tiếp phát hiện và công bố 4 loài mới cho thế giới.
Loài “Mộc hương Vũ Quang”: Trong chương trình phối hợp điều tra ĐDSH giữa VQG Vũ Quang và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vào giữa năm 2018, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một loài thực vật dây leo có cấu trúc hoa rất dị biệt, chưa từng được mô tả trước đó, được xác định thuộc chi Nam Mộc hương (Aristolochia) thuộc họ Mộc hương (Aristolochiaceae) nhưng chưa thể mô tả vì còn thiếu một số dẫn liệu quan trọng. Việc thu thập và bổ sung dẫn liệu cũng như hoàn chỉnh bản thảo được tiến hành trong giai đoạn đến năm 2021. Loài mới cho khoa học được đặt tên Aristolochia vuquangensis (Mộc hương Vũ Quang) được đăng tải trên Tạp chí khoa học Quốc tế chuyên nghành Phytotaxa 500 (1): 037-044 năm 2021.
Loài Mộc hương Vũ Quang (Aristolochia vuquangensis)
Loài “Nhái lùn Vũ Quang”: Đây là kết quả của chuyến hợp tác nghiên cứu giữa VQG Vũ Quang, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và các chuyên gia đến từ Nga, Đức và Trung Quốc.
Nhái lùn Vũ Quang (Vietnamophryne vuquangensis)
Loài “Nhái lùn Vũ Quang” mới được mô tả đã nâng tổng số loài trong giống Nhái lùn được biết hiện nay lên 4 loài. Cho đến nay, theo nghiên cứu, loài “Nhái lùn Vũ Quang” chỉ mới ghi nhận tại VQG Vũ Quang mà chưa phát hiện thấy ở bất kỳ khu vực nào khác. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí khoa học chuyên ngành Revue suisse de Zoologie (số ra tháng 3/2021) có nhan đề "Một loài nhái Vietnamophryne mới từ Việt Nam”.
Loài “Chắp danhkyii”: Là kết quả của sự phối hợp trong công tác nghiên cứu khoa học giữa VQG Vũ Quang, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam và các chuyên gia đến từ Nhật Bản. Theo kết quả nghiên cứu loài thực vật mới có tên khoa học là Beilschmiedia danhkyii thuộc họ thực vật Long Não (Lauraceae) một trong những họ rất đa dạng về thành phần loài tại Việt Nam cũng như tại VQG Vũ Quang với các giá trị về dược liệu và tinh dầu.
Chắp danhkyii (Beilschmiedia danhkyii)
Danh pháp loài Beilschmiedia danhkyii được đặt theo tên của ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc VQG Vũ Quang một cá nhân tâm huyết và có những đóng góp to lớn cho công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn ĐDSH tại VQG Vũ Quang trong thời gian qua, cũng như đã hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu trong việc thu thập và khám phá loài mới này.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, Loài “Chắp danhkyii” nằm trong diện tích của VQG Vũ Quang, với sinh cảnh rừng nguyên sinh thường xanh lá rộng phân bố tại độ cao từ 80 - 170 m so với mực nước biển. Phạm vi xuất hiện (EOO) là 0,059 km² và diện tích lấp đầy (AOO) là 8 km², dựa trên tiêu chí của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế IUCN (2021) loài được nhóm nghiên cứu đánh giá và đề xuất mức độ bảo tồn là cực kỳ nguy cấp (CR) C2a (ii). Nội dung và kết quả nghiên cứu của loài mới Beilschmiedia danhkyii được nhóm tác giả đăng tải trên Tạp chí Quốc tế Phytotaxa (Quý 3 số 527) tháng 12/021.
Loài “chuồn chuồn danhkyii”: Nghiên cứu phát hiện này được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu đến từ Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Kanagawa (Nhật Bản) và các cán bộ chuyên môn của VQG Vũ Quang.
Loài Chlorogomphus danhky và sinh cảnh sống ngoài tự nhiên
Loài mới này được phát hiện trên độ cao 1.500m so với mực nước biển tạo VQG Vũ Quang với khí hậu đặc trưng là ẩm ướt và nhiệt độ thấp quanh năm. Danh pháp của loài “Chlorogomphus danhky” được nhóm nghiên cứu thống nhất chọn đặt theo tên của ông Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc VQG Vũ Quang, bởi những đóng góp của ông cho sự phát triển của VQG và công tác bảo tồn ĐDSH tại đây trong suốt thời gian qua. Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí khoa học chuyên ngành Zootaxa năm 2021.
Với những giá trị về ĐDSH và tầm quan trọng cho công tác bảo tồn VQG Vũ Quang được Hiệp hội các Vườn di sản Đông Nam Á (ASEAN) công nhận là “Vườn di sản ASEAN” và đây cũng là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành TN&MT được Bộ trưởng Bộ TN&MT thông qua năm 2019. Vườn Di sản ASEAN là danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN với sự tham gia và ký kết của các Bộ trưởng Môi trường của ASEAN. Việc công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái không chỉ có đa dạng sinh học cao mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn ĐDSH của người dân các nước ASEAN.
VQG Vũ Quang hôm nay ngoài các nhiệm vụ và chức năng đã và đang thực hiện còn gánh vác trách nhiệm là một khu bảo tồn ĐDSH và hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN. Góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam ở tầm khu vực và châu lục.
ThS. Thái Cảnh Toàn
Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)