18/02/2021
Bằng sự nhiệt huyết của mình, trong 3 năm vừa qua, Giang Thị Kim Cúc đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho việc BVMT bằng những chiến dịch dọn dẹp các bãi biển với hàng nghìn lượt người tham gia, qua đó truyền cảm hứng về một lối sống xanh, sạch đến giới trẻ và người dân ở những nơi mà Cúc đã đặt chân đến.
Từ dọn sạch dòng suối quê hương
Sinh ra ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước nhưng có quãng thời gian dài Cúc sống xa quê hương. Năm 2018, sau một thời gian đồng hành cùng một tổ chức BVMT quốc tế, trong một lần về quê, Cúc thấy dòng suối chảy qua chợ Lộc Ninh bị ô nhiễm trầm trọng. Quyết tâm lấy lại vẻ trong sạch của dòng suối, Cúc vận động các bạn trẻ và người dân xung quanh chung tay dọn rác, khơi thông dòng chảy. Sau mấy ngày đánh vật với bùn rác, dòng suối được hồi sinh. Để nâng cao ý thức BVMT, Cúc lại cùng các bạn vẽ những khẩu hiệu, hoa lá xinh tươi dọc bờ kè đá.
Giang Thị Kim Cúc thuyết trình về BVMT cho người dân, các bạn trẻ ở huyện Ninh Hải tại sự kiện “Tâm tình cùng đất mẹ”
Kể lại lần đầu dọn rác trên quê hương, Cúc vẫn nhớ như in về những cái nhìn e ngại của người dân khi thấy một bà mẹ đơn thân lội bì bõm dưới dòng nước không lấy gì gọi là sạch sẽ, miệng thì hò hét, động viên các bạn trẻ vớt hàng tấn bùn rác lên bờ. “Thấy em và các bạn thanh niên hăng say dọn dẹp, nhiều người dân xung quanh cũng xắn tay làm chung. Sau ngày đầu tiên, hàng trăm kilogram rác được thu gom, nước con suối xanh dần, ai cũng vui. Qua ngày thứ hai, chẳng ai dặn ai, mọi người tiếp tục trục vớt rác, có người còn tỉ mẩn nhặt từng cọng rác nhỏ rồi cho vào bao”, Cúc sôi nổi kể lại.
Thành công bước đầu với “chiến tích” làm sạch dòng suối Lộc Ninh, Cúc tiếp tục lên ý tưởng nhặt rác ở các địa danh nổi tiếng. Vốn là doanh nhân kinh doanh bất động sản và du thuyền, Cúc biết nhiều bãi biển đang bị người dân và du khách xả rác bừa bãi nên chọn những nơi này để hành động. “Mình ra tay nhặt rác ở các bãi biển đông người, chắc chắn sẽ khiến người dân, du khách xung quanh chú ý. Đó là điều mình mong muốn nhất, bởi lực lượng của mình không thể dọn sạch cả bãi biển, nhưng nếu ai cũng chung tay thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều” - Cúc chia sẻ.
Sau một thời gian lên kế hoạch, Cúc bắt đầu bằng chiến dịch dọn rác một bãi làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Được các bạn đoàn viên thanh niên, sinh viên chung tay, hàng kilomet bãi biển được dọn sạch, hàng tấn rác tập kết lên bờ, trả lại sự sạch, đẹp cho bãi biển. Nhằm tuyên truyền ý thức chung tay BVMT biển, Cúc lại cùng các bạn mua sơn, cọ để vẽ những bức bích họa lên bờ kè bãi biển, bởi Cúc biết rằng nếu chỉ dọn rác thôi là chưa đủ mà phải tuyên truyền để người dân, du khách không vứt rác ở những nơi sạch, đẹp thì chiến dịch mới được gọi là thành công.
Cúc chia sẻ rằng, qua những lần dọn dẹp các bãi biển như vậy, Cúc rút ra một điều là rác thải ở các bãi biển, khu công cộng vẫn chưa được thu gom triệt để, việc phân loại rác cũng chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, ý thức BVMT của người dân vẫn chưa được nâng cao. Chính vì vậy mà trong các sự kiện sau đó, Cúc và các bạn luôn dành một quỹ thời gian nhất định để tiếp cận đến thế hệ trẻ, nhất là các em học sinh để tuyên truyền về tầm quan trọng của việc BVMT sống xung quanh mình, bởi sau chiến dịch thì các em ở địa phương sẽ tiếp tục công việc mang lại rất nhiều ý nghĩa này.
Đến người sáng lập tổ chức Green Trips - Những hành trình xanh
Khi chúng tôi hỏi cơ duyên nào để Cúc sáng lập ra tổ chức Green Trips Việt Nam, Cúc nói rằng đó là một sự tình cờ nhưng cũng là ước mơ của Cúc và các bạn trong vấn đề chính quy hóa hoạt động của mình.
Cơ duyên là trong những lần đi đến các bãi biển, Cúc chứng kiến nhiều du khách nước ngoài đã tự giác nhặt rác trên bãi biển - dù đây không phải là quê hương của họ. Để chính quy hóa hoạt động của nhóm Green Trips, Cúc cho rằng nếu chỉ cá nhân đứng ra thì không thể nào làm được mà cần sự hỗ trợ của nhóm. “Có nhiều sự kiện Cúc phải huy động hàng trăm bạn từ TP. Hồ Chí Minh ra các tỉnh, đồng thời phải liên hệ với chính quyền địa phương để huy động thêm lực lượng, nên nhóm phải có một tên gọi chính thức, tôn chỉ hoạt động chính thức” - Cúc lý giải.
Các thành viên Green Trips Việt Nam cùng các chiến sĩ chung tay làm sạch bãi biển ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận
Tháng 12/2020 vừa qua, Cúc đã cùng hơn 3.000 người ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận tham gia dọn dẹp hàng chục kilomet bờ biển ở địa phương này trong sự kiện được gọi là “Tâm tình cùng đất mẹ”. Được sự phối hợp tích cực của chính quyền, nhân dân, các lực lượng vũ trang đóng tại huyện Ninh Hải, hàng chục tấn rác thải đã được tập kết, mang đi tiêu hủy, cải thiện đáng kể bộ mặt của các bãi biển, làng chài ở huyện duyên hải xinh đẹp này. Sau 2 ngày “chiến đấu” với rác, Cúc lại cùng đội của mình tiếp tục chia thành các nhóm nhỏ đến các trường học, làng chài để hướng dẫn, truyền lửa BVMT cho các em học sinh và các ngư phủ bằng các bài giảng sinh động, những kiến thức cơ bản về phân loại rác thải tại nguồn và nhiều mô hình “cá bống xin rác” để người dân có nơi bỏ rác thải, nhất là rác thải nhựa.
Sau gần 3 năm thực hiện những hành trình xanh, Cúc đã khơi gợi được ý thức BVMT của rất nhiều người, kèm theo đó là con số ấn tượng. Theo đó, phong trào Green Trips Việt Nam đã liên kết với phong trào Green Trips quốc tế đang hoạt động ở 11 quốc gia với hơn 30 nghìn tình nguyện viên tham gia các hoạt động BVMT, 35 triệu bao rác được thu gom, tuyên truyền giáo dục ý thức BVMT đến hàng triệu người. Riêng ở Việt Nam, Green Trips Việt Nam đã thực hiện hàng chục sự kiện nhặt rác, thu gom hơn 70 nghìn bao rác, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi sinh đến hàng vạn người.
Với những thành tích nổi bật của cá nhân Cúc và nhóm Green Trips, giữa tháng tháng 12/2020 - trước 2 ngày diễn ra Chiến dịch “Tâm tình cùng đất mẹ” ở Ninh Thuận - Giang Thị Kim Cúc được Bộ TN&MT, UBND tỉnh Phú Yên mời tham dự Hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện phong trào phòng chống rác thải nhựa. Tại đây, cá nhân Cúc và tổ chức Green Trips được đánh giá là có đóng góp tích cực vào phong trào phòng chống rác thải nhựa nói riêng, đóng góp tích cực vào công tác BVMT nói chung.
Trường Sơn
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2021)