Banner trang chủ

Ngày Voi thế giới (12/8): Hãy cứu loài voi trước nguy cơ tuyệt chủng

13/08/2021

    Trong khoảng gần 40 năm trở lại đây, quần thể voi châu Phi đã suy giảm gần 70%, từ khoảng 1,3 triệu cá thể vào năm 1979 xuống còn hơn 400.000 cá thể vào năm 2016. Tại Việt Nam, số lượng voi suy giảm nhanh, hiện chỉ còn khoảng dưới 120 cá thể voi hoang dã ngoài tự nhiên.

    Theo nghiên cứu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), vào những năm 1990, ước tính số voi hoang dã của Việt Nam còn khoảng 1.500 - 2.000 cá thể. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chỉ còn dưới 120 cá thể voi hoang dã, phân bố trên 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước. Trong đó, chỉ có 3 sinh cảnh còn trên 10 cá thể voi là VQG Pù Mát và vùng phụ cận (tỉnh Nghệ An); VQG Cát Tiên, Khu BTNN và Văn hóa Đồng Nai, Công ty Lâm nghiệp TNHHMTV La Ngà (tỉnh Đồng Nai) và VQG Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk). 

    Nguyên nhân dẫn đến tình trạng loài voi đến bờ vực tuyệt chủng là do môi trường sống của voi ngày càng bị thu hẹp; nạn buôn bán và tiêu thụ ngà voi bất hợp pháp tại Việt Nam và một số nước châu Á ngày càng gia tăng... Tại Việt Nam, đã có 105,72 tấn ngà voi bị bắt giữ (từ năm 2004 đến tháng 4/2019); 15.779 cá thể bị giết hại. Theo bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo ngà voi là vi phạm pháp luật Việt Nam, bị phạt tiền tới 15 tỷ đồng hoặc phạt tù tới 15 năm.

Tại Việt Nam, hiện chỉ còn dưới 120 cá thể voi hoang dã ngoài tự nhiên

    Tháng 11/2016, Việt Nam lần đầu tiên tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi và hàng trăm kg sừng tê giác tại Hà Nội. Đây là một bước tiến tích cực thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xử lý các tang vật là ngà voi và sừng tê giác thu giữ được từ các vụ vận chuyển và buôn bán trái phép. Sau sự kiện này, đầu năm 2017, cơ quan chức năng thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã tiêu hủy 43 chiếc ngà voi - sau khi Tòa án nhân dân thành phố Lào Cai ra quyết định tiêu hủy tang vật. Đến tháng 9/2019, Việt Nam đã tiêu hủy 82kg ngà voi. Việc tiêu hủy ngà voi không chỉ là bước đi đúng đắn, thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với các vi phạm về voi mà còn góp phần vào “tuyên ngôn chung” bảo vệ loài voi của hàng chục quốc gia trên thế giới.

    Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong nỗ lực bảo tồn loài voi. Chương trình hành động bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 1996 -1998 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1204/NN-LN-QĐ ngày 16/7/1996 của Bộ NN&PTNT. Theo đó, mục tiêu của chương trình là bảo tồn voi tại các vùng trọng điểm tỉnh Đắk Lắk thông qua các hoạt động như rà soát lại hệ thống rừng đặc dụng, xây dựng mới các khu bảo tồn thiên nhiên, tăng cường đầu tư, trợ giúp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho nơi sống của voi; xây dựng, bổ sung những quy định pháp luật nhằm ngăn chặn việc săn bắt, mua bán động vật hoang dã và các sản phẩm liên quan; chỉ đạo các địa phương giải quyết cụ thể những vụ xung đột voi với người; tuyên truyền bảo tồn voi trên phương tiện thông tin đại chúng…

    Nối tiếp là kế hoạch hành động khẩn trương bảo tồn voi đến năm 2010 theo Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 16/05/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 5 năm triển khai thực hiện, kế hoạch này cũng thu được một số kết quả, trong đó có việc xây dựng hoàn thiện Dự án bảo tồn voi tại các tỉnh có số lượng quần thể voi lớn nhất là Đắk Lắk, Đồng Nai và Nghệ An; đồng thời thành lập Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk nhằm hỗ trợ công tác chăm sóc, hỗ trợ sinh sản cho đàn voi. 

    Đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 29/7/2012 về Phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam. Tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020” tại Quyết định số 763/ QĐ-TTg, với tổng kinh phí khái toán 278 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ. Đến nay, đã có 316.000 ha rừng và đất lâm nghiệp được quy hoạch ổn định làm vùng sinh cảnh cho voi; mở rộng vùng sinh cảnh của voi thêm 18.997,08 ha tại tỉnh Quảng Nam và thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tại Quảng Nam. Bên cạnh có đã có 11 tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ cùng đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong quá trình thực hiện Đề án bảo tồn voi Việt Nam. Hoạt động săn bắt động vật rừng, khai thác lâm sản tại các vùng có voi phân bố được kiểm soát chặt chẽ góp phần tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn voi hoang dã; nhận thức của người dân sống trong vùng hoạt động của voi được nâng cao.

    Bảo tồn voi là vấn đề được Việt Nam quan tâm, thể hiện qua các chương trình, đề án, kế hoạch hành động bảo tồn voi từ rất sớm. Tuy nhiên, để giữ vững được những kết quả đạt được, đồng thời ngăn chặn được sự suy giảm của loài voi, vấn đề cấp bách hiện nay, Việt Nam cần bảo tồn sinh cảnh của voi nhằm bảo tồn và phát triển số lượng cá thể voi hoang dã hiện có; ngăn chặn các hành vi săn bắn, giết hại voi trái pháp luật thông qua việc đẩy mạnh thực thi pháp luật, xử lý thích đáng các hành vi săn bắt, buôn bán các sản phẩm và dẫn xuất của voi; đồng thời huy động nguồn lực để thực hiện bảo tồn loài voi một cách bài bản, đồng bộ, có hiệu quả và bền vững.

Nam Việt

Ý kiến của bạn