16/10/2023
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tài nguyên nước là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trung bình mỗi người cần uống từ 2 - 4 lít nước/ngày và để làm ra số lương thực cần dùng cho mỗi con người trong mỗi ngày phải mất từ 2.000 - 5.000 lít nước. Vì vậy, chủ đề của Ngày Lương thực Thế giới năm 2023 là về vai trò của nước trong cuộc sống, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng, ổn định xã hội và hòa bình cho thế giới. Gìn giữ nước chính là trọng tâm để các quốc gia trên thế giới đạt những mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới đang đối mặt tình trạng khô hạn ở mức nghiêm trọng, làm xáo trộn các hoạt động kinh tế và ảnh hưởng cuộc sống mưu sinh của người dân. Báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) cho thấy, khoảng 50% dân số toàn cầu đối mặt tình trạng thiếu nước và tình hình này sẽ ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu.
Chính phủ các nước đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải bảo đảm việc tiếp cận nước công bằng cho mọi người dân, cũng như bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. Hàng loạt khu vực tại châu Mỹ đang loay hoay giải bài toán khan hiếm nguồn nước cho sản xuất lương thực và sinh hoạt. Tháng 9/2023, Chính phủ Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 544 khu vực trong vòng 60 ngày nhằm ứng phó nguy cơ thiếu nước. Người dân Uruguay chật vật tìm nước uống khi phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 70 năm. Panama cũng tìm kiếm nguồn cung cấp nước mới cho kênh đào Panama, trong bối cảnh tuyến đường hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới cho vận tải hàng hóa và lương thực phải áp dụng lệnh giới hạn tàu thuyền qua lại, do tình trạng hạn hán kéo dài khiến lượng nước lưu thông thấp dưới mức cho phép.
Trong khi đó, tình trạng khan hiếm nước đã ảnh hưởng đến 11% dân số Liên minh châu Âu (EU). Hầu khắp lãnh thổ Cộng hòa Séc và Litva đã trải qua hạn hán trong tháng 7 vừa qua. Tình trạng thiếu nước ảnh hưởng nặng nề đến các trang trại cây trái ở Tây Ban Nha, khiến sản lượng sụt giảm đáng kể. Khan hiếm nước có khả năng gây suy thoái đối với nền kinh tế châu Á. Ấn Độ và Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tại khu vực Nam Á, hơn 74% dân số phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng, trong khi ở Trung Đông và Bắc Phi con số này là 83%.
Bản đồ dự báo phân bổ nước của WRI nhấn mạnh nguy cơ đối với an ninh lương thực, khi 60% số cây trồng cần tưới tiêu đang bị đe dọa bởi tình trạng căng thẳng về nước ở mức “cực kỳ cao”, nhiều hồ chứa nước ngọt, sông suối trên thế giới đang dần cạn kiệt, nguồn nước ngầm đang suy giảm ở tốc độ rất nhanh.
Viện Đại học nước, môi trường và sức khỏe của Liên hợp quốc cảnh báo, 2/3 dân số trên thế giới sẽ đối mặt nguy cơ mất an ninh về nước sau năm 2030 nếu không có các biện pháp quyết liệt ngay từ bây giờ. Tiếp cận nguồn nước sạch là một trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn khoảng 2 tỷ người sử dụng nước không an toàn và 2,4 tỷ người sống ở các quốc gia căng thẳng về nước.
Cả khối lượng và chất lượng nước đều đang suy giảm nhanh chóng do việc quản lý kém, khai thác nước ngầm quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu trong hàng thập kỷ qua. Sự cạnh tranh để giành nguồn tài nguyên vô giá này ngày càng gia tăng.
Nhiều báo cáo cho thấy những quốc gia là điểm nóng về nguồn nước cũng chính là nơi thường có số người bị suy dinh dưỡng nhiều nhất; hơn 80% lượng nước được thải ra môi trường không được xử lý hoặc tái sử dụng. Gần 1 tỷ tấn thực phẩm (17%) tổng số thực phẩm có sẵn cho người tiêu dùng trên toàn thế giới bị vứt bỏ mỗi năm, dẫn đến lãng phí các nguồn tài nguyên quý giá, chẳng hạn như nước, được sử dụng để sản xuất ra chúng.
Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc chia sẻ, với khoảng 70% tổng lượng nước ngọt được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, chúng ta cần thay đổi, tối ưu hóa cách sản xuất lương thực, thực phẩm. Đây là nhiệm vụ cấp bách, nếu không sớm hành động sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nước sạch không phải là nguồn tài nguyên vô tận và con người không thể xem thường vai trò của nước trong đời sống. Trong hai thập kỷ qua, Trái đất đã mất khoảng 1/5 lượng nước ngọt sẵn có, và đối với một số cộng đồng, thực tế tình trạng còn tồi tệ hơn nhiều. Trên thực tế, ở một số vùng đã mất 1/3 lượng nước ngọt sẵn có, nếu không hành động ngay, toàn thế giới sẽ mất 1/3 lượng nước ngọt sẵn có vào năm 2050, do sự gia tăng dân số.
Việc tăng trưởng dân số nhanh chóng, đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển kinh tế và khủng hoảng khí hậu đều gây thiệt hại cho tài nguyên nước. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm nước, khai thác quá mức và thiếu sự phối hợp trong quản lý đa lĩnh vực, điều này tạo ra những thách thức chồng chéo. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán, lũ lụt gia tăng đang đe doạ hệ sinh thái, gây ra những hậu quả lường cho an ninh lương thực toàn cầu. Nông hộ nhỏ, người nghèo, phụ nữ, thanh niên, người dân bản địa, người di cư và người tị nạn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Để giải quyết những thách thức này, phải đảm bảo đủ nước cho nông nghiệp, đồng thời, điều hòa nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế khác, nhất là khi tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. Chính phủ các nước cần thúc đẩy, bảo đảm khả năng tiếp cận nước sạch và an toàn thông qua quản lý nguồn tiêu thụ nước, định giá hợp lý, xây dựng chính sách, biện pháp đo lường, vận động các bên liên quan cùng tham gia. Con người cần chung tay phát triển tài nguyên nước và đất, qua đó đảm bảo an sinh xã hội mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái Trái đất.
FAO hiện đã và đang nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên. Chẳng hạn ở vùng Sahel, FAO đang cung cấp kỹ thuật cơ giới hóa cho nông dân để cải thiện cơ sở hạ tầng nước, hỗ trợ phụ nữ nông thôn và các hộ gia đình tiếp cận nước sạch. Ngoài ra, diện tích đất được tưới tiêu cung cấp 40% lương thực trên toàn cầu, song chỉ 20% đất trồng trọt sử dụng hệ thống thủy lợi. Con số này cho thấy tiềm năng này vẫn chưa được khai thác.
Bên cạnh đó, FAO đang phát triển bản đồ tưới tiêu toàn cầu, xác định những địa phương cần sử dụng hệ thống thủy lợi, đồng thời tổ chức cũng mong muốn được hợp tác với các quốc gia để tiếp tục mở rộng dự án. Các cơ chế tài chính và đầu tư thích hợp ở quy mô lớn cũng là chìa khóa để xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng nước. Bên cạnh đó, các giải pháp ứng phó, chống chịu cũng quan trọng không kém. Các quốc gia cần ưu tiên xây dựng hạ tầng xanh để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thủy sản, cũng như nâng cao chất lượng nước và bảo vệ đa dạng sinh học. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho người nông dân và cảnh quan nông thôn. Ví dụ, ở Sri Lanka và Zambia, FAO đang thí điểm các cánh đồng lúa đa chức năng để vừa nuôi cá, tôm, vừa sản xuất lúa gạo.
Đức Anh