18/11/2020
Phú Yên nổi tiếng là nơi có hoa vàng trên cỏ xanh với các bãi biển trù phú, hiền hòa cũng đang chịu sự xâm lấn của rác thải nhựa (RTN). Tại các danh thắng nổi tiếng của tỉnh như Hòn Yến, Cù Lao Mái Nhà… rác thải xuất hiện tràn ngập gây bức xúc cho người dân và khách du lịch. Để giảm thiểu RTN, vừa qua, tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) triển khai các mô hình thực hành “không RTN”. Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm GreenHub về những hiệu quả bước đầu của mô hình đã lan tỏa đến cộng đồng, góp phần chung tay BVMT Phú Yên.
Bà Trần Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm GreenHub
PV. Xin bà cho biết ý nghĩa và mục tiêu khi xây dựng Chương trình không rác thải ở các tỉnh ven biển, trong đó chọn thực hiện thí điểm mô hình thực hành “không RTN” ở Phú Yên?
Bà Trần Thị Hoa: RTN đang hủy hoại cuộc sống và gây ô nhiễm với tốc độ chưa từng thấy. RTN không có biên giới, nó trôi qua các vùng biển, các con sông và đồng bằng, ảnh hưởng đến những địa phương ven biển. Chương trình không RTN được GreenHub xây dựng tại một số tỉnh ven biển của nước ta nằm trong khuôn khổ Dự án Không rác thải (tài trợ bởi Plastic Solution Fund, điều phối bởi Pacific Environment) thực hiện bởi Liên minh Không rác thải Việt Nam (VZWA), với mục tiêu “Không rác thải” tại 5 khu vực thí điểm tại Việt Nam.
Sau khi tiến hành khảo sát về thực trạng RTN ở Phú Yên vào tháng 4/2019, GreenHub đã lựa chọn tỉnh Phú Yên tham gia vào Chương trình này. Phú Yên là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, cách TP. Hồ Chí Minh 560 km. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2018, dân số tỉnh Phú Yên là 899,400 người với tỷ lệ phụ nữ chiếm tới gần 50% tổng dân số. Phú Yên có đường bờ biển dài 189 km với các vịnh, bãi biển, đầm nước và đầm phá ven biển. Nhiều khu vực của Phú Yên còn nguyên sơ, động và thực vật phong phú, đa dạng, không bị ảnh hưởng bởi con người và ô nhiễm môi trường. Những vẻ đẹp thuần khiết này làm cho Phú Yên trở thành một điểm đến hấp dẫn, đặc biệt với du khách trong nước và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhưng tỉnh cũng đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường. Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT tỉnh, mỗi ngày, Phú Yên thải ra môi trường 510 tấn rác, trong đó RTN chiếm 18,31% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và có xu hướng ngày càng tăng. Nhiều nhất là túi ni lông, ống hút nhựa (chiếm đến 60% lượng RTN). Hầu hết, trong đó là nhựa có chất lượng kém, khó phân hủy và không thể tái chế (chiếm khoảng 80%). Trong đó, hai đô thị là Tuy Hòa và Sông Cầu đã thải tới 40% lượng rác của toàn tỉnh với lần lượt là 130 tấn và 65 tấn. Tuy nhiên, chỉ 76% lượng rác thải được thu gom và chỉ một phần được xử lý đúng cách, không gây nguy hại tới môi trường. Lượng rác còn lại được đổ, chất đống tại các bãi rác để đốt hoặc chôn lấp, gây tác hại lớn tới môi trường.
Quan trọng hơn, trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội tới 2020, tầm nhìn 2030 của HĐND tỉnh đã xác định du lịch là ngành công nghiệp then chốt trong phát triển kinh tế tỉnh, tuy nhiên đi cùng với đó là sự gia tăng rác thải từ khách du lịch và các dịch vụ đi kèm. Trước thực trạng trên, tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp vừa phát triển kinh tế, vừa tăng cường bảo tồn thiên nhiên và BVMT. Qua các buổi họp giữa GreenHub với tỉnh Phú Yên, lãnh đạo tỉnh cũng đưa ra nhận định về những khó khăn tiềm tàng và cần phải triển khai những chính sách quản lý rác thải nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững trong tương lai.
Theo đó, Chương trình “không RTN” được triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong 3 năm (2019 - 2021). với mục tiêu giảm 25% lượng RTN (tại các hộ gia đình, nhà hàng, khách sạn và khu vực du lịch được chọn), Chương trình sẽ thực hiện 2 mô hình thí điểm kiểm toán RTN. Phương pháp kiểm toán rác thải được áp dụng để thu thập thông tin về hiện trạng rác thải, loại và lượng rác, từ đó có những giải pháp thu gom, tái sử dụng, tái chế phù hợp. Dự án cũng đặt ra mục tiêu, vận động chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch hành động giảm RTN, tăng cường giáo dục môi trường thông qua Mô hình trường học không rác thải, cùng các chính sách thúc đẩy du lịch không rác thải.
PV. Với sự phối hợp của UBND tỉnh Phú Yên, các mô hình thực hành “không RTN” đã được triển khai và có kết quả bước đầu như thế nào, thưa bà?
Bà Trần Thị Hoa: GreenHub đã thí điểm thực hiện 2 mô hình kiểm toán RTN tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú và khách sạn KaYa trên địa bàn tỉnh Phú Yên từ năm 2019. Việc thực hiện kiểm toán rác thải trường học không chỉ đặt mục tiêu thu thập số liệu khoa học mà còn giáo dục học sinh nâng cao nhận thức BVMT. Chính vì vậy, các em học sinh được trực tiếp kiểm toán rác thải và xây dựng mô hình ủ phân compost.
Để thực hành kiểm toán RTN, các em học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú trực tiếp tiến hành kiểm toán rác thải của trường học, nơi các em học tập và sinh hoạt hàng ngày. Thông qua đó, các em không chỉ hiểu và thực hành phương pháp phân loại và kiểm toán, mà còn thấy được những con số thực tế về lượng rác do chính bản thân và các bạn học sinh đồng trang lứa đang ngày ngày thải ra môi trường. Sau khi thực hiện hoạt động kiểm toán rác thải tại trường, các em học sinh rất ngạc nhiên bởi chính lượng túi ni lông và rác nhựa 1 lần thải ra hàng ngày từ việc mua trà sữa, trà chanh. Ngay trong đợt kiểm toán, hầu hết các em học sinh đã có ý thức giảm sử dụng đồ dùng nhựa 1 lần, khiến cho tổng lượng rác thải ra giảm từ 233,95 kg (ngày 9/9) xuống còn 113,7 kg (ngày 17/9). Từ những nhận thức về giảm thiểu RTN, một câu lạc bộ về BVMT đã được thành lập tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Các thành viên câu lạc bộ tích cực trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động dọn rác bãi biển, đường phố quanh khu vực trường học, khu vực sinh sống. Các sáng kiến về tái chế, tái sử dụng RTN 1 lần cũng được các em đưa ra và ứng dụng tại trường học để trang trí phòng học, trồng rau, cây hoa, trang trí trong khuôn viên trường.
Tại Khách sạn KaYa, đơn vị tích cực và quyết liệt trong việc giảm rác thải nói chung và RTN nói riêng. Tại khu vực quầy bar của khách sạn đã hoàn toàn không sử dụng ống hút nhựa. Các đồ dùng nhựa 1 lần như hộp xốp, cốc nhựa 1 lần gần như không được cung cấp, trừ khi có khách yêu cầu. Ngoài ra, sau khi được tập huấn làm sản phẩm chất tẩy rửa sinh thái từ rác hữu cơ, các học viên đã học hỏi và sản xuất ra được 1 lượng không nhỏ sản phẩm sử dụng cho gần như toàn bộ công việc vệ sinh tại khách sạn, giúp khách sạn tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng/tháng cho chi phí mua các hóa chất tẩy rửa và giảm phát sinh RTN từ bao bì, vỏ chai…
PV. Bà có thể cho biết về kế hoạch thực hiện các hoạt động sắp tới của Chương trình “không RTN”?
Bà Trần Thị Hoa: Chương trình đang chuẩn bị bước vào năm thứ 3 cũng như là năm cuối của Dự án. Trong năm tới, GreenHub dự kiến sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp từ nguồn “tài nguyên rác” cũng như phối kết hợp với chính quyền địa phương xây dựng chính sách nhằm quản lý và giảm thiểu rác thải, đặc biệt là RTN. Cụ thể, GreenHub sẽ phối hợp với các Sở, ban/ngành địa phương xây dựng bộ tiêu chí và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh du lịch “xanh” (khách sạn, nhà hàng) nhằm giảm thiểu chất thải nói chung và RTN nói riêng. Dự kiến trong thời gian tới, Hội nghị bàn tròn sẽ được đồng tổ chức bởi chính quyền địa phương, GreenHub và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) giữa các doanh nghiệp du lịch tại Phú Yên. Tại đây, kết quả về số liệu qua các đợt kiểm toán rác thải tại 15 khách sạn, nhà hàng (TP.Tuy Hòa) và tại 30 khách sạn (Đông Hòa, Tuy An, Sông Cầu) sẽ được chia sẻ tới các đơn vị tham gia. Mục đích của Hội nghị này là cùng trao đổi về hiện trạng rác thải và RTN tại Phú Yên, thảo luận về những khó khăn, thuận lợi trong việc hướng đến mục tiêu kinh doanh du lịch xanh và đưa ra được những phương án phù hợp để giải quyết, hiện thực hóa mục tiêu trên.Một số doanh nghiệp sẽ được lựa chọn để thực hiện thí điểm về cam kết giảm thiểu phát thải rác nói chung và rác nhựa nói riêng.
Tiếp theo, các hoạt động truyền thông về vấn đề ô nhiễm RTN cũng được GreenHub chú trọng thực hiện trong năm cuối cùng của Dự án. GreenHub dự kiến kết hợp với các trường học lồng ghép giáo dục vào truyền thông về vấn đề này. Đồng thời, triển khai tập huấn cho giáo viên ở một số trường học các kiến thức về RTN và vấn đề ô nhiễm RTN để có thể lồng ghép vào các môn học, đưa vào hoạt động ngoại khóa hay giờ sinh hoạt chung của trường.
Các chuyên gia của GreenHub hướng dẫn các em học sinh ở Phú Yên thực hành kiểm toán RTN
PV. Sau khi Chương trình kết thúc, theo bà cần có những giải pháp gì để những sáng kiến và mô hình giảm thiểu RTN sẽ được nhân rộng và ứng dụng hiệu quả vào cuộc sống cũng như thực tế của các địa phương?
Bà Trần Thị Hoa: Có một hiện trạng thực tế tại các địa phương là sau khi những dự án kết thúc, các hoạt động thường sẽ dần bị thiếu sự quan tâm, giảm tính hiệu quả và cuối cùng là “chết yểu”. Để những các sáng kiến, mô hình, hoạt động về giảm thiểu RTN vẫn sẽ được duy trì, nhân rộng và ứng dụng hiệu quả vào cuộc sống thực tế của các địa phương thì trong khi thời gian diễn ra dự án, những người thực hiện phải cho người dân, doanh nghiệp địa phương thấy được giá trị của tất cả những sáng kiến, mô hình, hoạt động đó mang lại, mà đôi khi giá trị ở đây phải là “tiền tươi thóc thật”.
Đối với người dân địa phương, cần phải để họ nhìn thấy được tác hại của vấn đề ô nhiễm RTN đến sức khỏe và thu nhập của chính bản thân họ. Đối với các doanh nghiệp, ngoài việc cung cấp thông tin giúp họ hiểu về trách nhiệm với xã hội và môi trường, đồng thời phải thấy các lợi ích kinh tế khi thực hiện việc giảm RTN. Tuy nhiên, một yếu tố tiên quyết là sự vào cuộc của chính quyền, cần phải có hướng dẫn và chế tài phù hợp, cơ chế giám sát và các hoạt động vinh danh/hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, để từ những mô hình thí điểm quy mô nhỏ của dự án có thể nhân rộng và duy trì.
Việc hỗ trợ, đảm bảo về tính bền vững cho đầu ra của những mô hình, sáng kiến khởi nghiệp từ nguồn “tài nguyên rác”, xây dựng thị trường cho các sản phẩm này cũng sẽ mang lại hiệu quả lâu dài cho các hoạt động về giảm thiểu RTN. Ngoài ra, việc tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh cũng rất quan trọng trong việc duy trì những hoạt động về giảm thiểu rác thải nhựa. Đây là đối tượng dễ tiếp cận, dễ truyền cảm hứng, nhiệt tình, và là thế hệ tương lai, kế thừa tất cả những điều tốt đẹp này. “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, để có thể duy trì được chặng đường giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa này, việc thúc đẩy truyền thông, giáo dục là không thể thiếu.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nhật Minh (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2020)