02/10/2021
Ngày 15/9/2021 trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển UNESCO tổ chức tại Nigeria, hai khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) của Việt Nam đã được công nhận là “Khu DTSQ thế giới”. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam - Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh Quyển (MAB) Việt Nam về việc quản lý bền vững các khu DTSQ và định hướng phát triển mạng lưới khu DTSQ trong thời gian tới.
PV: Thưa GS, để hai khu DTSQ Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận và Cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai của Việt Nam được công nhận là “Khu DTSQ thế giới” chúng ta phải đáp ứng những tiêu chí gì?
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí: Hai khu DTSQ của Việt Nam cũng như 714 khu DTSQ của 129 quốc gia hiện nay được thế giới công nhận phải thỏa mãn 7 tiêu chí để trở thành khu DTSQ thế giới (Theo quy định của Điều 4, Khung Pháp lý của Mạng lưới toàn cầu các khu DTSQ thế giới được thông qua tại Đại hội đồng UNESCO năm 1995 đó là: (1) Khu vực đề cử có đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh vật chính, bao gồm cả những khu vực phát triển có các mức độ tác động khác nhau (gradiation) của con người; (2) Khu vực đề cử có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) cao; (3) Khu DTSQ đó có thể thực hiện phát triển theo hướng bền vững ở cấp độ vùng; (4) Khu DTSQ có diện tích thích hợp để đáp ứng được ba chức năng của khu DTSQ ; (5) Khu vực đó có đủ những phân vùng thích hợp để thực hiện 3 chức năng của khu DTSQ thông qua: (a) vùng lõi có diện tích đủ lớn, được thiết lập bởi pháp luật, hoặc một vùng được dành riêng cho việc bảo tồn lâu dài; (b) vùng đệm được xác định rõ ràng, bao quanh hoặc kết nối với (các) vùng lõi, nơi dành cho các hoạt động hài hòa với bảo tồn; (c) vùng chuyển tiếp dành cho việc khuyến khích và tạo ra các hoạt động quản lý và sử dụng tài nguyên bền vững; (6) Có bố trí các cơ cấu quản lý để huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan, giữa chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và khối tư nhân để thiết kế và thực hiện các chức năng của khu DTSQ; (7) Cơ chế thực hiện việc quản lý và bảo tồn được UNESCO chấp nhận, bao gồm: (a) các cơ chế quản lý các hoạt động và khai thác của con người tại vùng đệm; (b) có một chính sách hoặc kế hoạch quản lý cho toàn khu DTSQ; (c) có một cơ chế hoặc đội ngũ quản lý được thành lập để thực hiện chính sách hoặc kế hoạch đó; (d) có các chương trình nghiên cứu, quan trắc, giáo dục và đào tạo.
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển
Việt Nam - Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh Quyển (MAB) Việt Nam
Việc được công nhận là KDTSQ thế giới đã tạo nhiều cơ hội để chúng ta được tiếp cận, áp dụng các sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững kinh tế - xã hội (KT-XH).
Các khu DTSQ tại Việt Nam không chỉ là danh hiệu được UNESCO công nhận mà đang dần trở thành mô hình phát triển KT-XH bền vững của địa phương. Đây là nơi gắn kết giữa con người và thiên nhiên, nơi có thể áp dụng những kiến thức tích luỹ được trong quá trình nghiên cứu vào việc bảo tồn và phát triển của xã hội hiện tại và tương lai.
PV: Có thể nói, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã được UNESCO công nhận tổng cộng 11 khu DTSQ, trở thành quốc gia có số lượng khu DTSQ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Vậy GS có những đánh giá như thế nào sau hơn 20 năm Việt Nam tham gia mạng lưới các khu DTSQ của UNESCO?
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí: Cách đây hơn 20 năm, Việt Nam có khu DTSQ đầu tiên là rừng ngập mặn Cần Giờ. Cho đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 11 khu DTSQ đã được công nhận, với tổng diện tích hơn 4,1 triệu ha, chiếm khoảng 12,1% diện tích cả nước. Đây là nơi sinh sống của hơn 2,3 triệu người và cũng là những khu vực có giá trị tài nguyên thiên nhiên, ĐDSH vô cùng phong phú.
Nhìn nhận lại quá trình hình thành và phát triển mạng lưới các khu DTSQ thế giới tại Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua, các khu DTSQ có ý nghĩa quan trọng, thể hiện việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Việc phát triển mạng lưới các khu DTSQ cũng phù hợp với xu hướng đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam với UNESCO trong các lĩnh vực về di sản, công viên địa chất toàn cầu và DTSQ, hướng tới phát triển bền vững.
Thời gian qua, tại các khu DTSQ đã có nhiều nỗ lực để triển khai các Chiến lược và Kế hoạch hành động LIMA của Chương trình Con người và sinh quyển, nhằm cải thiện sinh kế, bảo tồn ĐDSH, BVMT, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở tồn trọng, duy trì các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Những nỗ lực này đã đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, BVMT, ĐDSH cũng như các cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên.
Những kết quả từ việc phát triển và quản lý các khu DTSQ tại Việt Nam đã được thể hiện rõ nét. Đến nay, khu DTSQ thế giới tại Việt Nam không chỉ là danh hiệu được UNESCO công nhận mà đang dần trở thành mô hình phát triển KT-XH bền vững của địa phương. Các khu DTSQ không chỉ nhằm bảo tồn tự nhiên, ĐDSH mà còn là nơi gắn kết giữa con người và thiên nhiên, nơi có thể áp dụng những kiến thức tích luỹ được trong quá trình nghiên cứu vào việc bảo tồn và phát triển của xã hội hiện tại và tương lai.
Việt Nam đã tận dụng tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực của UNESCO để phát triển các khu DTSQTG trên các lĩnh vực như củng cố hành lang pháp lý, tăng cường năng lực quản lý, củng cố thể chế, bộ máy, nâng cao nhận thức, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; Xây dựng và mở rộng mạng lưới hoạt động của các Khu DTSQ của Việt Nam với các khu DTSQ trong khu vực và trên thế giới, cũng như mạng lưới giữa các chuyên gia trong lĩnh vực DTSQ…
Hoạt động du lịch trải nghiệm tại VQG Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận)
Đồng thời, Việt Nam cũng tham gia tích cực, đóng góp các sáng kiến, mô hình hoạt động…của Mạng lưới khu DTSQ thế giới. Hiện nay Việt Nam đang là thành viên của MAB-ICC quốc tế (nhiệm kỳ 2017-2021). Một số sáng kiến như như dán nhãn sinh quyển (khu DTSQ Cát Bà, Đồng Nai, Kiên Giang, Tây Nghệ An), áp dụng mô hình kinh tế xanh và cacbon thấp (Khu DTSQ Cù Lao Chàm), hạn chế rác thải và không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần... được UNESCO đánh giá cao.
PV: Theo GS Việt Nam cần làm gì để phát triển các khu DTSQ thế giới trong thời gian tới?
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí: Hầu hết các khu bảo tồn, DTSQ nằm ở các khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao, do vậy việc đạt được mục tiêu vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, các rào cản khác như thiếu khuôn khổ chung để thực hiện các giải pháp tích hợp trong phát triển bền vững; Việc tổ chức và điều phối sự tham gia của các bên liên quan tại các khu DTSQ còn chưa hiệu quả; Năng lực về lập kế hoạch, quy hoạch trên cơ sở tiếp cận cảnh quan chưa hiệu quả.
Do đó, công tác bảo tồn ĐDSH và phát triển mạng lưới khu DTSQ thế giới cần huy động sự tham gia của nhiều Bộ/ngành, nhất là các địa phương sở hữu khu DTSQ thế giới, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế; từ đó đóng góp vào việc bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm, bảo vệ ĐDSH của Việt Nam và Thế giới.
Đồng thời, các quốc gia cần thực hiện đúng Chiến lược của MAB 2015-2025 và Kế hoạch hành động Lima 2016-2025 để đạt được mục tiêu vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế.
PV: Hiện nay, Bộ TN&MT đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhân dịp này GS có ý kiến đề xuất gì về nội dung này?
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí: Bộ TN&MT đang tổ chức lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến 2030 và tầm nhìn 2025, xin đề nghị thực hiện tốt phương châm “bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn” trong tất cả các khu DTSQ đã được công nhận, cũng như chưa được công nhận. Bởi vì chúng ta không thể dừng phát triển để bảo tồn, cũng như dừng bảo tồn cho phát triển, do đó cần phát triển kinh tế dựa trên bảo tồn. Nơi nào bảo tồn danh tiếng, hiệu quả thì chính đó là thương hiệu để phát triển kinh tế. Hình ảnh vọoc Cát Bà, bò rừng Đồng Nai, ốc Cù Lao Chàm…đi vào tâm trí du khách - thông điệp bảo tồn trên nhãn các sản phẩm tăng thêm giá trị cho chuỗi hàng hóa trong sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn GS!
Phạm Đình (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2021)