20/11/2020
Nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Thạch Thất là một vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, với chèo Canh Nậu, Đại Đồng; múa rối nước Chàng Sơn, Bình Phú; nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Mường… Đây cũng là một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) của TP. Hà Nội. Đầu tháng 5/2020, UBND TP. Hà Nội đã công nhận toàn bộ các xã của huyện Thạch Thất đều đạt chuẩn NTM, riêng xã Thạch Hòa nằm trong quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc, phát triển theo hướng đô thị nên không tham gia.
Nông thôn Thạch Thất khởi sắc từng ngày nhờ xây dựng NTM
Buổi làm việc của Đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU với lãnh đạo huyện Thạch Thất ngày 7/2/2020
Huyện Thạch Thất có 22 xã và 1 thị trấn. Số xã xây dựng NTM của huyện là 21 xã. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, toàn bộ các xã đều được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, năm 2013 có 6 xã (Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Phùng Xá, Hạ Bằng, Bình Yên), năm 2014 có 4 xã (Tân Xã, Cần Kiệm, Thạch Xá, Đồng Trúc), năm 2015 có 3 xã (Tiến Xuân, Yên Bình, Canh Nậu), năm 2016 có 2 xã (Yên Trung, Cẩm Yên), năm 2017 có 6 xã (Lại Thượng, Phú Kim, Kim Quan, Bình Phú, Hữu Bằng, Chàng Sơn) đạt chuẩn NTM. Về tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM, huyện Thạch Thất có 9/9 tiêu chí đạt chuẩn NTM (đạt 100%), không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Thạch Thất luôn phát triển và tăng trưởng ổn định, bình quân đạt 14,92%/năm, các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch TP. Hà Nội giao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị, dân chủ cơ sở được củng cố... Nếu năm 2010, cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng chiếm 66,6%; Thương mại - dịch vụ - du lịch 18%; Nông - Lâm - Thủy sản 15,4%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 13,1 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2020, cơ cấu lần lượt là 70,2%, 23,2% và 6,6%; Thu nhập bình quân đầu người tăng lên đạt 70 triệu đồng/người/năm. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và diện mạo các xã có nhiều thay đổi: 100% trục chính đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, dải nhựa; 100% trạm y tế các xã, thị trấn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 89,9% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 81% sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,58%.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra sản xuất tại xã Hương Ngải
Về thủy lợi, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất cho 100% diện tích sản xuất nông nghiệp và bảo đảm tiêu thoát nước trong khu dân cư. Hiện toàn huyện đã cứng hóa được trên 170 km kênh mương thủy lợi. Hệ thống điện cũng được quan tâm nâng cấp và cải tạo, từ năm 2011 đến nay đã đầu tư, nâng cấp 225 trạm biến áp và trên 510 km đường điện trung thế, hạ thế phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân với tổng mức đầu tư khoảng 670 tỷ đồng. Không chỉ vậy, các công trình trường học, nhà văn hóa, chợ nông thôn... được đầu tư khang trang, hiện đại. 100% các xã có nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, không có nhà tạm, dột nát, xuống cấp.
Cùng với đó, để nâng cao đời sống người dân, ngoài phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, Thạch Thất tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn để đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Toàn huyện có 121 mô hình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt; 314 ha từ đất trồng lúa, trồng màu chuyển sang trồng cây ăn quả, rau, hoa ở các xã Hương Ngải, Đại Đồng, Yên Bình... Hiện Thạch Thất có 1.074 ha cây ăn quả cho thu nhập từ 350 - 500 triệu đồng/ha/năm và 179 trang trại, mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ vậy, Thạch Thất cũng phát triển chăn nuôi theo hướng mô hình kinh tế trang trại, gia trại tập trung xa khu dân cư với tổng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 2 triệu con. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 144 trang trại chăn nuôi, mức đầu tư từ 500 triệu - 2 tỷ đồng, một số trang trại đầu tư tới 10 tỷ đồng. Các trang trại này mang lại doanh thu bình quân 300 triệu đồng/trang trại/năm, cá biệt có một số trang trại cho thu nhập tới 2,5 tỷ đồng/năm.
Không ngừng phấn đấu để đạt mục tiêu cao hơn
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được của huyện Thạch Thất, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội đã triển khai lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân. Đại đa số các hộ dân đều đồng tình, hài lòng với kết quả, quá trình tổ chức thực hiện xây dựng NTM của huyện Thạch Thất. Bên cạnh đó, đến hết ngày 13/7/2020, UBND TP. Hà Nội đã nhận được tất cả ý kiến tham gia, nhận xét của các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố, UBND các huyện, thị và nhân dân. Theo đó, các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn thành phố đều nhất trí đề nghị cấp thẩm quyền xét, công nhận huyện Thạch Thất đạt chuẩn NTM năm 2020. Đối chiếu với quy định tại Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định điều kiện, trình tự, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM; Địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, huyện Thạch Thất đủ điều kiện trình đề nghị Bộ NN&PTNT, Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định; trình Thủ tướng Chính phủ công nhận, công bố huyện đạt chuẩn NTM. Ngày 29/8/2020, Đoàn thẩm định NTM Trung ương đã về kiểm tra thực tế, đánh giá trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị huyện Thạch Thất đạt chuẩn NTM năm 2020. Đối chiếu các tiêu chí, Đoàn công tác thống nhất xác nhận huyện Thạch Thất hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM, đủ điều kiện để trình Chính phủ xem xét, công nhận huyện NTM năm 2020.
Đoàn công tác Trung ương thẩm định kết quả xây dựng NTM tại huyện Thạch Thất ngày 29/8/2020
Có thể nói, nhờ tiên phong, đi đầu trong xây dựng NTM, Thạch Thất đã tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp thông qua việc thực hiện tốt khâu dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện nhiều giải pháp phát huy thế mạnh các làng nghề, làng có nghề. Nhờ đó, thu nhập bình quân liên tục tăng nhanh, vấn đề việc làm của người dân địa phương cơ bản được giải quyết. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Thạch Thất sẽ tập trung nguồn lực cho xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững gắn với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; Xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, gắn với phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, làng nghề truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong giai đoạn 2020 - 2025. Đối với vấn đề môi trường, huyện sẽ tập trung kiện toàn và cải thiện hệ thống xử lý nước thải làng nghề, xử lý nước thải trong khu dân cư, cải tạo ao hồ và ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này…
Huyện Thạch Thất trên con đường xây dựng NTM
Hồng Cẩm
(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Thành phố Hà Nội)