29/11/2022
Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng, đưa Hải Dương trở thành một trong 5 địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM. Đóng góp vào thành công chung đó, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã huy động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia BVMT. Từ hiệu quả của công tác tuyên truyền, nhiều cách làm mới, mô hình hay, sáng tạo được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần tạo môi trường sống trong lành, cảnh quan Xanh - Sạch - Đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Diện mạo nông thôn ngày càng sạch đẹp
Thực hiện Chương trình, giai đoạn 2011 - 2021, tỉnh Hải Dương đã huy động hơn 58.383 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương chiếm 2,61%; ngân sách địa phương từ cấp tỉnh đến xã chiếm 17,5%; vốn huy động trong nhân dân chiếm 9,35%, còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn doanh nghiệp, tín dụng… tạo đòn bẩy để địa phương thực hiện hiệu quả các tiêu chí, diện mạo làng quê có sự đổi thay căn bản, rõ nét; sản xuất nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, năng suất tăng cao, chất lượng hàng hóa sông sản đảm bảo an toàn; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 178/178 xã đạt chuẩn NTM; 12/12 đơn vị cấp huyện về đích hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 43 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu... Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng hoàn thiện, 100% đường trục chính, liên thôn, nội đồng, hệ thống thủy lợi được cứng hóa; 1.187 km đường giao thông nông thôn được nâng cấp, tu bổ, xây mới, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa và đảm bảo liên kết vùng; 100% trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; 70% trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ I trở lên; 100% thôn, xóm có nhà văn hóa; hàng năm bình xét 91,6% số hộ đạt Danh hiệu gia đình văn hóa; 96,8% hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định; thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2020 đạt hơn 58 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động đạt trên 96%; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 chỉ còn 0,79%; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đặc biệt, hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh tiêu chuẩn hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, nhất là liên kết giữa doanh nghiệp - Hợp tác xã - Người dân. Riêng năm 2021, tuy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt tăng trưởng 6,9% (đứng thứ 2 toàn quốc), với nhiều khâu đột phá; thu nhập người dân nông thôn tăng nhanh, ước đạt 56,530 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,36%; 100% hộ dân được sử dụng nước sạch; không có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn. Để ghi nhận và biểu dương nỗ lực của địa phương, ngày 16/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 358/QĐ-TTg công nhận Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020.
Xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn đã hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu
Xây dựng NTM là công cuộc có điểm khởi đầu những không có điểm kết thúc, thực hiện để đạt chuẩn đã khó, duy trì các tiêu chí sau khi được công nhận lại càng khó hơn, đòi hỏi sự tham gia tích cực, liên tục của người dân. Để mỗi miền quê đều sạch đẹp, đảm bảo môi trường sống trong lành, cần một biện pháp mang tính bền bỉ, lâu dài, do đó, trên cơ sở kết quả đã đạt được, giai đoạn 2021 - 2025, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các xã xây dựng NTM nâng cao. Đặc biệt, ngày 11/5/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1290/KH-UBND thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đến năm 2025 có trên 80% xã đạt chuẩn NTM nâng cao (107 xã); ít nhất trên 20% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (dự kiến 36 xã); 4 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 44,4%); giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 210 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người từ 76 - 80 triệu đồng/năm... Đối với 4 xã đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm sau khi rà soát, 100% số xã đạt các chỉ tiêu, tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới xây dựng NTM thông minh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Về đô thị hóa nông thôn, theo Kế hoạch, những xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu có đủ điều kiện nâng cấp lên đô thị và nằm trong Chương trình phát triển đô thị thì tiếp tục xây dựng xã NTM gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa theo quy định, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 27/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Dự kiến tổng vốn huy động nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 27.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh, Trung ương (nếu có) khoảng 447,15 tỷ đồng (chiếm 1,66%); ngân sách địa phương cấp huyện 900 tỷ đồng (chiếm 3,33%); địa phương cấp xã (từ ngân sách và nguồn vốn khác) 1.500 tỷ đồng (chiếm 5,56%); vốn lồng ghép khoảng 2.000 tỷ đồng (chiếm 7,41%); vốn tín dụng (Dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025) là 20.000 tỷ đồng (chiếm 74,07%); vốn doanh nghiệp 1.000 tỷ đồng (chiếm 3,70%); huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng khoảng 1.072,9 tỷ đồng (chiếm 4,27%).
Để đạt được mục tiêu đề ra, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hải Dương sẽ sâu sát, cương quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện Chương trình; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn; đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động; thường xuyên tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thời gian tới; huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) và gắn xây dựng NTM với quá trình đô thị hóa theo hướng bền vững; phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng NTM nâng cao; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện... Đối với tiêu chí 17 về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên phát động phong trào vệ sinh môi trường tại các xã, phường, thôn, xóm, khu dân cư; tăng cường trồng cây xanh, hoa ven đường khu vực công cộng, công sở, tạo cảnh quan Xanh - Sạch - Đẹp, xây dựng cả khu vực nông thôn và đô thị của địa phương trở thành đô thị xanh, thông minh, có bản sắc riêng.
Những mô hình xanh của HND
Góp phần vào thành công chung của địa phương, các cấp HND trong tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, nhất là tiêu chí số 17 về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, các cấp HND luôn chú trọng hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Trung ương về BVMT như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT”; Luật BVMT; Luật Đa dạng sinh học; Luật Tài nguyên nước; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 2/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về “Tăng cường công tác BVMT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030”; vận động hội viên, nông dân hưởng ứng các sự kiện lớn về môi trường như: Giờ Trái đất, Ngày Trái đất (22/4), Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn; hưởng ứng phong trào Chống rác thải nhựa, nói không với túi ni lông, sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần; tăng cường thu gom, phân loại, xử lý rác thải (XLRT) và bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng quy định; tận dụng rác hữu cơ, rơm rạ sau thu hoạch, phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân compost; sử dụng đúng, hiệu quả phân bón, thuốc BVTV; xử lý chất thải chăn nuôi, môi trường ao nuôi thủy sản đảm bảo vệ sinh; định hướng tư duy phát triển kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, BVMT nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, từ năm 2020, HND tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng Chuyên mục “Nhịp cầu nhà nông” với nội dung nông dân chung tay hành động vì môi trường, tích cực tham gia hưởng ứng Phong trào “BVMT Xanh - Sạch - Đẹp” và thu gom, dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón tại các hộ gia đình...
Người dân huyện Kim Thành tích cực tham gia Mô hình “Nông dân thu gom, phân loại, XLRT hữu cơ tại hộ gia đình”
Cùng với đó, các cấp Hội xây dựng, duy trì, nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo về BVMT tại cộng đồng, điển hình như mô hình “Nông dân thu gom, phân loại, XLRT hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”. Từ năm 2020 đến nay, HND tỉnh đã chỉ đạo, lựa chọn, xây dựng 13 mô hình tại 13 xã, phường, thị trấn, gồm: Hồng Phong (Ninh Giang); Đoàn Thượng, thị trấn Gia Lộc (Gia Lộc); Hiệp Sơn (Kinh Môn); Liên Hòa (Kim Thành); Ngọc Liên (Cẩm Giàng), Thúc Kháng, Hùng Thắng, Thái Dương (Bình Giang); Phượng Kỳ (Tứ Kỳ); Tân Dân (Chí Linh); Minh Tân (Nam Sách); Hồng Phong (Thanh Miện). Mỗi mô hình đều có quyết định thành lập, quy chế, kế hoạch hoạt động cụ thể theo tháng, quý, năm; thành lập Ban Chỉ đạo gồm 5 người và các thành viên thực hiện mô hình. HND tỉnh hỗ trợ các mô hình 635 thùng composit xử lý rác hữu cơ thành phân bón dung tích 120 - 160 lít/thùng; 1.320 kg men vi sinh ủ rác hữu cơ; 320 đôi găng tay cao su; 270 xẻng mini. Đồng thời tổ chức 25 lớp tập huấn nâng cao kiến thức BVMT cho 2.057 cán bộ Hội, trong đó có 13 lớp tại 13 cơ sở xây dựng mô hình; 12 lớp tại 12 cơ sở trên địa bàn 12/12 huyện, thị xã, thành phố.
Ngoài ra còn phải kể đến một số mô hình như: “Xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân hữu cơ”; “Chi, tổ HND nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn”. Trong đó, HND tỉnh trực tiếp xây dựng 7 mô hình điểm Chi, tổ HND nghề nghiệp - Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, với tổng quy mô 33 ha, thu hút sự tham gia của 140 hộ gia đình, gồm: Táo an toàn phường Cộng Hòa (Chí Linh); Gạo Bắc Thơm số 7 an toàn xã Lê Hồng (Thanh Miện); Bưởi an toàn xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang); Bí xanh an toàn xã Đồng Lạc (Nam Sách). Đặc biệt là 3 mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP gồm: Cà chua VietGAP xã Nhân Huệ (Chí Linh); cam VietGAP xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện); ổi VietGAP xã Thanh Xuân (Thanh Hà). Trong triển khai thực hiện, các cấp hội luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho hội viên nông dân về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; không đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường; sử dụng đúng, hiệu quả và tiến hành thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV đúng quy định… Thông qua đó, từng bước nâng cao ý thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với BVMT, phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Mặt khác, căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của HND tỉnh, HND các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động xây dựng nhiều mô hình nông dân tham gia BVMT tại 100% cơ sở Hội. Đến nay, toàn tỉnh có 527 mô hình “Chi HND tham gia BVMT Xanh - Sạch - Đẹp”; 81 mô hình “Cánh đồng không rác thải”; 15 mô hình “Nông dân thu gom, phân loại, XLRT tại hộ gia đình thành phân bón hữu cơ”. Tiêu biểu như HND huyện Gia Lộc với Phong trào nông dân tham gia trồng cây làm hàng rào xanh tại các bãi rác tập trung; HND huyện Thanh Miện với Phong trào làm hàng rào xanh tại các khu chuyển đổi, trồng và chăm sóc cây hoa tại khu vực trục chính đường nông thôn; HND thị xã Kinh Môn với Phong trào dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh vào Ngày Chủ nhật xanh hàng tuần; HND huyện Nam Sách có Phong trào nông dân nói không với đốt rơm rạ sau thu hoạch, thu gom bao bì thuốc BVTV đúng quy định; HND các huyện, thị xã, thành phố: Ninh Giang, Hải Dương, Bình Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kim Thành với mô hình “Cánh đồng không rác thải”… Không những thế, các cấp HND còn tích cực tham gia Hội thi “Nông dân tìm hiểu kiến thức, pháp luật về BVMT”, thông qua hình thức sân khấu hóa, từ năm 2020 đến nay, mỗi năm, HND tỉnh đều lựa chọn 4 huyện, thành phố, thị xã tham gia Hội thi cấp tỉnh. Đây được xem là hoạt động ý nghĩa, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng về BVMT.
Như vậy, với sự nỗ lực và kết quả đạt được, minh chứng bằng những con số cụ thể, hành động thiết thực, HND các cấp tỉnh Hải Dương đã khẳng định được vai trò, vị thế trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, tạo cảnh quan, môi trường trong lành, sạch đẹp, tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Thu Hiền
Hội Nông dân Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2022)