09/09/2021
Quỳ Châu là một trong 4 huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân, những năm gần đây, Quỳ Châu luôn chú trọng công tác môi trường, mỹ quan thị trấn, thị tứ và các bản làng, từng bước xây dựng môi trường sống Xanh - Sạch - Đẹp. Đặc biệt, việc triển khai mô hình mỗi nhà một thùng rác đã mang lại hiệu quả cao, góp phần naag cao ý thức của người dân trong công tác BVMT, giúp địa phương hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Mô hình bắt đầu tại thị trấn Tân Lạc - Nơi có hơn 1.200 hộ dân sinh sống thì có tới hơn 1.000 thùng chứa rác được đặt trên các tuyến đường và trong các khu dân cư. Chính quyền thị trấn Tân Lạc luôn coi trọng vấn đề BVMT, xem đây là một trong những tiêu chí hàng đầu cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Từ những nỗ lực của chính quyền và ý thức của người dân được nâng cao nên toàn bộ các Khối của thị trấn Tân Lạc luôn sạch sẽ, đường sá cũng ngày càng trở nên thoáng đãng, sạch đẹp, không khí trong lành.
Trước những hiệu quả của mô hình đặt thùng rác tại các tuyến đường, ngõ khối và các hộ gia đình ở thị trấn Tân Lạc, chính quyền các xã lân cận đã mạnh dạn đề xuất UBND huyện và phòng TN&MT Quỳ Châu quan tâm hỗ trợ từ các nguồn lực để triển khai, học tập mô hình nêu trên.
Hàng nghìn thùng đựng rác đặt tại các tuyến đường và khu dân cư ở huyện Quỳ Châu
Theo đó, vào đầu năm 2017, Dự án “Phát triển nông thôn đa lĩnh vực” do Vương quốc Bỉ tài trợ đã tiến hành tài trợ thêm cho thị trấn Tân Lạc 500 thùng đựng rác. Tiếp đó, xã Châu Tiến được hỗ trợ 100 thùng chứa rác, xã Châu Bình cũng nhận được sự hỗ trợ từ Vương quốc Bỉ 100 thùng đựng rác. Nhận thấy hiệu quả từ các thùng đựng rác do Vương quốc Bỉ tài trợ, xã Châu Tiến đã huy động nguồn lực xã hội hóa từ dân và các nguồn khác để lắp đặt thêm 650 thùng rác tại các bản như Hoa Tiến 1, Hoa Tiến 2, Bản Minh Tiến, Bản Lầu…
Ông Lô Thanh Sơn - Trưởng Phòng TN&MT huyện Quỳ Châu, cho biết, trước đây do người dân chưa có ý thức cũng như chưa có điều kiện để xây dựng hay đặt thùng đựng rác nên rác thải được đổ bưa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Bắt đầu từ năm 2017, theo Dự án “Phát triển nông thôn đa lĩnh vực” do Vương quốc Bỉ đã tài trợ các thùng rác để đặt tại các tuyến đường và các hộ gia đình, họ hỗ trợ theo từng đợt. Mới đây họ lại hỗ trợ hơn 1.000 thùng rác các loại cho toàn huyện. Hiện, toàn thị trấn có khoảng 1 nghìn thùng rác loại này phân bố trên 6 khối, gồm Khối 1, 2, 3, 4, Khối Tân Hương và Khối Hoa Hải.
Cũng theo ông Sơn, trong mấy năm trở lại đây, mỗi năm huyện trích thêm khoảng 1 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp môi trường để hỗ trợ các xã mua thêm thùng rác, xây lò đốt rác thải tại chỗ cho người dân. Ngoài ra, một số xã cũng thu phí xử lý rác theo quy định và được người dân rất đồng tình ủng hộ.
Nhờ sự nỗ lực của chính quyền các cấp và sự đồng thuận của người dân nên lượng rác thải bị đổ bừa bãi hầu như không còn, môi trường tại thị trấn, các trung tâm xã, các bản làng của huyện vùng cao này đang trở nên sạch sẽ, thoáng mát. Đây là một trong những mô hình tốt, cách làm hay mà không chỉ các huyện vùng cao mà các huyện đồng bằng cũng cần học hỏi, nhân rộng.
Phương Tâm