Banner trang chủ

Hiệu quả từ mô hình đồng quản lý bảo tồn biển tại Tiểu khu Bãi Hương, Cù Lao Chàm

07/09/2022

    Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương (Tiểu khu Bãi Hương), xã đảo Tân Hiệp - TP. Hội An đã vinh dự là một trong ba cộng đồng trên cả nước được Bộ TN&MT trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh những tổ chức, cá nhân, cộng đồng có thành tích nổi bật, xuất sắc trong hoạt động BVMT.

    Đồng quản lý là một phương thức quản lý, trong đó nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm và chức năng quản lý với những người sử dụng nguồn lợi. Đây là một mô hình quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên dựa trên sự phối hợp giữa người dân và các cơ quan quản lý, hướng đến việc bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng địa phương, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Với mục tiêu và ý nghĩa đó, năm 2010, cộng đồng tại thôn Bãi Hương đã đồng thuận đăng ký và tự nguyên tham gia mô hình đồng quản lý nghề cá tại địa bàn nhằm giảm thiểu tác động xấu đến nguồn lợi thủy sản từ hoạt động khai thác hủy diệt, tận diệt và bảo vệ các hệ sinh thái đặc trưng tại đây (san hô, cỏ biển) trên hướng dẫn đồng quản lý nghề cá của Tổng cục Thủy sản. Đây được xem là động lực đầu tiên để minh chứng việc cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ quyền lực cho cộng đồng để quản lý hiệu quả hơn nguồn lợi thủy sản trên biển.

    Năm 2011, Ban Quản lý cộng đồng (BQL) Tiểu khu Bãi Hương được thành lập có sự thông qua của chính quyền địa phương. Hiện nay, BQL gồm có 16 thành viên (bao gồm Trưởng ban; Phó trưởng ban; Tổ giúp việc; và 03 tổ Tổ tuần tra, Tổ tự quản, Tổ truyền thông) để triển khai các hoạt động nhằm mục đích góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của tài nguyên thiên nhiên (TNTN) - nhân văn; BVMT, đa dạng sinh học (ĐDSH); khai thác hợp lý và phát huy các giá trị của Tiểu khu Bãi Hương; cải thiện và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư. Với nguyên tắc quản lý là bảo tồn và phát triển các TNTN, môi trường, ĐDSH, văn hóa - lịch sử được thực hiện theo nguyên tắc đồng quản lý, trong những năm qua, BQL Tiểu khu Bãi Hương đã tổ chức triển khai hàng loạt chương trình kế hoạch và đã đạt được một số thành tích nổi bật.

Trồng và phục hồi rạn san hô thay thế tại Bãi Hương tạo môi trường thuận lợi cho sinh vật biển phát triển

Bảo vệ và sử dụng hợp lý TNTN, bảo tồn ĐDSH

    Hàng năm, BQL Tiểu khu Bãi Hương đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn xã Tân Hiệp tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng 15 xã/phường ven biển của tỉnh Quảng Nam có hoTạt động khai thác thủy sản tại phạm vi Tiểu khu Bãi Hương; đồng thời vận động ngư dân địa phương bám biển, đa nghề, kiêm nghề theo từng mùa vụ để khai thác hợp lý trên cơ sở các quy định của chính quyền địa phương góp phần nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, BQL cũng đa dạng hóa các nội dung truyền thông về ĐDSH, nội quy, quy định trong Tiểu khu Bãi Hương bằng nhiều hình thức: họp, loa phát thanh, trực tiếp nhắc nhở trên biển các hành vi gây tác động xấu đến hệ sinh thái và ĐDSH tại phạm vi quản lý.

    Mặt khác, BQL cũng đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng có thẩm quyền tại địa phương duy trì tổ chức khoảng 100 lượt tuần tra kiểm soát, theo dõi các phương tiện khai thác thủy sản trên biển nhằm ngăn chặn, phát hiện đối với các loại hình khai thác thủy sản trái quy định của pháp luật, khai thác bất hợp pháp trong phạm vi Tiểu khu Bãi Hương (phát hiện 25 trường hợp và báo cáo kịp thời lực lượng có thẩm quyền can thiệp, xử lý theo quy định pháp luật hiện hành); Tham mưu các cấp quy định vùng khai thác thủy sản hợp lý, vùng hoạt động du lịch theo từng giai đoạn, từng mùa vụ để hài hòa giữa công tác bảo tồn và phát triển; Phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Tân Hiệp và BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức cho các hộ có nhu cầu khai thác thủy sản tại thôn Bãi Hương đăng ký khai thác, từ đó giám sát được cường lực, sản lượng, mùa vụ, chủng loại… thủy sản tại Tiểu khu Bãi Hương.

Bảo tồn các hệ sinh thái biển

    Để bảo tồn các hệ sinh thái biển, BQL Tiểu khu Bãi Hương đã đề xuất các đơn vị liên quan (Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An; các tổ chức phi chính phủ) tổ chức đào tạo kỹ thuật lặn biển; tập huấn kỹ năng giám sát - phục hồi hệ sinh thái rạn san hô. Từ năm 2019 đến nay, BQL đã phục hồi được 4000 m2 rạn san hô và xây dựng 04 vườn ươm san hô cứng tại đây. Kết quả độ phủ san hô sống tại các vùng rạn trong tiểu khu Bãi Hương có xu hướng tăng và khi so sánh bảng xếp hạng sức khỏe rạn san hô do Chou và cs (1996) nghiên cứu đề xuất cho thấy tình trạng sức khỏe rạn san hô ở Tiểu khu Bãi Hương đang ở mức độ tốt. Qua đây có thể thấy công tác quản lý của BQL Tiểu khu đã bảo vệ tốt hệ sinh thái rạn san hô là giữ gìn tốt bãi đẻ, tạo môi trường thuận lợi cho sinh vật biển phát triển.

Tổ chức thực hiện chiến dịch không dùng túi ni lông và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

    BQL Tiểu khu Bãi Hương thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra phát hiện đối với người dân, du khách… sử dụng túi ni lông tại địa bàn thôn. Từ năm 2018 đến nay, BQL thực hiện mô hình “Cuộc họp không sử dụng chai nước nhựa dùng 1 lần”. Đồng thời, phối hợp với Ban Dân chính và nhân dân thôn Bãi Hương duy trì định kỳ tổ chức dọn vệ sinh vào thứ 6 tuần cuối cùng của tháng; qua đó góp phần nâng cao đời sốngsống và ý thức cộng đồng về BVMT. BQL cũng phối hợp với Chi đoàn Thành niên, Chi hội Phụ nữ của thôn tổ chức giám sát và kiểm toán rác thải nhựa đại dương định kỳ 2 lần/năm; số liệu sau giám sát sẽ là cơ sở để BQL đề xuất nhiều giải pháp để giảm thiểu rác thải nhựa trên biển hiệu quả hơn. Thông qua việc giữ gìn tốt cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái; hình ảnh Tiểu khu Đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương được du khách biết đến ngày càng nhiều, đặc biệt là du khách nước ngoài. Số lượng du khách đến tham quan và lưu trú tại Tiểu khu góp phần tăng thu nhập cho người dân tại đây. Từ năm 2017 đến nay, đã có hơn 162.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan tại Bãi Hương.

    Bên cạnh việc lan tỏa ý nghĩa của công tác bảo tồn đến với cộng đồng, Tiểu khu Bãi Hương còn là mô hình điển hình trên cả nước về thực hiện đồng quản lý với việc ban hành quy chế quản lý Tiểu khu Bãi Hương, đạt được sự đồng thuận của người dân, nhờ đó người dân tích cực tham gia vào các hoạt động tại địa phương hơn, cơ cấu tổ chức ngày càng được hoàn thiện, năng lực của người dân ngày càng được nâng cao, thu hút nhiều tổ chức đến đầu tư, môi trường và nguồn lợi của Tiểu khu ngày càng được giữ gìn, bảo vệ, quang cảnh sạch đẹp tạo điều kiện thu hút du khách đến tham quan ngày càng đông. Từ đó, thu nhập người dân được nâng cao đáng kể, đời sống được cải thiện. Hoạt động khai thác thuỷ sản trong phạm vi Tiểu khu đã được kiểm soát chặt chẽ từ số lượng phương tiện cho đến công suất tàu thuyền, chủng loại ngư cụ, kích thước mắt lưới, đối tượng khai thác… thông qua việc Ban quản lý cộng đồng đã tổ chức cho người dân thôn Bãi Hương đăng ký khai thác thuỷ sản. Với nhiều thành tích đạt được, Tiểu khu Bãi Hương đã nhiều lần được mời tham dự các buổi hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về thực hành đồng quản lý với các địa phương khác tại Việt Nam như: các xã/phường Ghềnh Ráng, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Quy Nhơn, Bình Định; khu bảo vệ biển Rạn Trào, Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Đặc biệt là các buổi hội thảo tham vấn quốc gia về đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

    Có thể nói, đồng quản lý là một mô hình quản lý không mới trên thế giới và tại Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy, để vận hành có hiệu quả, thu hút và phát huy sức mạnh của cộng đồng trong công tác quản lý là điều không dễ dàng.Tiểu khu Bãi Hương là đơn vị đầu tiên trên cả nước được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam trao quyền quản lý và sử dụng mặt nước biển với khoảng 19,05 km2. Vừa vận hành mô hình đồng quản lý, vừa tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động trên địa bàn, Ban quản lý cộng đồng Tiểu khu gặp không ít khó khăn nhưng với những nỗ lực không ngừng của Ban quản lý Cộng đồng và các bên liên quan, nguồn lợi và hệ sinh thái ở Tiểu khu được bảo vệ, ý thức người dân được nâng cao, đời sống được cải thiện. Điều này đã khẳng định hơn nữa tính hiệu quả của mô hình trong phương thức quản lý tài nguyên, gắn vai trò, trách nhiệm của người dân vào nguồn tài nguyên tại địa phương, sử dụng hợp lý, hướng đến sự phát triển bền vững.

Nguyễn Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2022)

 

Ý kiến của bạn