08/03/2022
UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án “Hậu Giang xanh” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, trong năm 2022, tỉnh Hậu Giang sẽ đầu tư hơn 17 tỉ đồng để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án “Hậu Giang xanh” như phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; giảm số hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tự phát trên sông, kênh, rạch, không phù hợp quy hoạch; thu gom, chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho đơn vị chức năng xử lý.
Cụ thể, UBND tỉnh Hậu Giang đề ra mục tiêu, trong năm 2022, phấn đấu 15% hộ gia đình ở nội ô đô thị thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 15% lượng rác sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT; tổ chức rà soát, củng cố, thành lập mới Tổ vệ sinh môi trường ở ấp, khu vực tại các địa phương đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Cùng với đó, phấn đấu giảm 40% trong tổng số hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tự phát trên sông, kênh, rạch, không phù hợp quy hoạch và không để phát sinh thêm trường hợp mới chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không phù hợp quy hoạch; ít nhất 40% hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp quy hoạch thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu BVMT; ít nhất 30% khối lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh được thu gom, chuyển giao cho đơn vị chức năng xử lý.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, bảo vệ cảnh quan môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh; rà soát, củng cố, thành lập Tổ vệ sinh môi trường tại các ấp, khu vực đảm bảo hoạt động hiệu quả. Đồng thời, triển khai thực hiện dự án đầu tư xe thu gom rác thải, thùng chứa rác thải, xây dựng bể chứa rác thải, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hộ gia đình thực hiện các biện pháp xử lý chất thải trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp; xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về BVMT trong thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; tổ chức thu gom, chuyển giao xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
UBND tỉnh giao Sở TN&MT chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các sở, ban ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; tổng hợp, báo cáo và tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Hậu Giang xanh” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; tổ chức in ấn và chuyển giao các tài liệu tuyên truyền về BVMT và biến đổi khí hậu cho các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố để tổ chức tuyên truyền.
Hồng Nhung