19/11/2020
Nhằm đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ BVMT, phòng ngừa và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm do chất thải từ các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung, UBND tỉnh Hậu Giang đã triển khai Chương trình hành động BVMT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt 96%; 50% trong tổng số hộ gia đình ở đô thị thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; 50% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở khu vực nông thôn được phân loại, thu gom, xử lý tập trung; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; 100% dự án đầu tư mới phù hợp với quy hoạch phải có hệ thống xử lý chất thải và công trình BVMT hoàn thiện; 50% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Công tác BVMT ở Hậu Giang được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia
Để thực hiện được các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các Sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về BVMT; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cơ sở sản xuất phát sinh nguồn thải lớn; bảo vệ, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hợp lý, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cùng với đó, các ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang hoàn thiện mạng lưới quan trắc nhằm kịp thời giám sát diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; vận hành hiệu quả và khai thác dữ liệu các trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành điều tra, đánh giá sức chịu tải của sông chính trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và tham mưu ban hành hạn ngạch xả nước thải vào sông để tăng cường công tác quản lý; triển khai các giải pháp để bảo tồn, phát triển bền vững các hệ sinh thái, các loài sinh vật và tài nguyên di truyền; kiểm soát, quản lý đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học trên cạn, các vùng đa dạng sinh học đất ngập nước và khu vực có tính đa dạng sinh học cao.
Hồng Nhung