24/04/2022
Nhằm xây dựng thói quen mới về quản lý rác thải có trách nhiệm trong xã hội, góp phần thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong các trường học, vừa qua Trường trung học (TH), trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) Thực nghiệm Khoa học Giáo dục đã tham gia Chương trình trải nghiệm giáo dục thực hành “không rác thải” tại trang trại HopFam (Hòa Bình). Đây là hoạt động trải nghiệm thực hành “không rác thải” từ trường học đến nông trại của Liên minh “Trường học không rác và hơn thế nữa - ZHub” do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) xây dựng. Thông qua Chương trình trải nghiệm, các giáo viên đã có thêm những kiến thức thực hiện vòng tuần hoàn sinh thái nhằm tái chế các sản phẩm trong nông trại, từ đó giáo dục cho các học sinh nhân cách, lối sống không rác thải, phát triển mô hình trường học xanh. Để tìm hiểu về các hoạt động này, phóng viên Tạp chí Môi trường đã trao đổi với bà Đoàn Thị Hải Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường TH, THCS & THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục về thực hành không rác trong trường học, nhằm mục tiêu giáo dục môi trường bền vững .
PV. Xin bà cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác triển khai các hoạt động BVMT của nhà trường trong thời gian qua?
Bà Đoàn Thị Hải Quỳnh: Giáo dục BVMT là một mục tiêu trong định hướng giáo dục vì sự phát triển bền vững của trường TH, THCS, THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục. Trong nhiều năm qua, trường đã đưa các nội dung về BVMT lồng ghép vào giờ học các bộ môn liên quan như giáo dục công dân, sinh học, địa lí, hóa học… Không chỉ học trên lớp, trong trường mà học sinh còn tham gia các giờ học thực địa tại Bảo tàng rừng, Bảo tàng tự nhiên, Trung tâm bảo hộ động vật...
Cùng với đó, các hoạt động trải nghiệm, các sinh hoạt tập thể cũng luôn dành một số chủ đề định kỳ hàng tháng với nhiều hình thức đa dạng như: Thử thách 7 ngày sống xanh, 21 ngày sống xanh, Thi thiết kế và trình diễn thời trang từ vật liệu tái chế, Thi chế tạo mô hình từ gạch sinh thái… Nhờ đó, cán bộ, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh không chỉ thay đổi nhận thức, thói quen giảm thiểu rác thải, thể hiện qua việc bỏ rác đúng chỗ, hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần cho cá nhân cũng như các hoạt động tập thể.
Nhằm mục tiêu giảm thiểu rác thải, nhận thấy tầm quan trọng của việc tích hợp giáo dục môi trường trong khuôn khổ giáo dục phổ thông, từ năm 2021, GreenHub đã cùng một số đơn vị xây dựng Liên minh “Trường học không rác và hơn thế nữa - ZHub”, hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức và thói quen hướng tới thực hành không rác thông qua giáo dục từ trường học. Theo đó, nhà trường được lựa chọn là trường đầu tiên thực hiện Chương trình, với một chuỗi hoạt động như: Xây dựng kế hoạch trường học không rác, thực hiện kiểm toán rác tại nhà và các buổi tập huấn về rác thải, thực hành không rác cho giáo viên, học sinh.
Triển khai Chương trình Zhub, GreenHub đã hỗ trợ nhà trường thùng rác đặt tại các khu vực lớp học và xây dựng khu vực phục hồi vật liệu (MRF) để thực hành hoạt động tái chế rác. Thông qua các buổi tập huấn không rác, GreenHub đã giúp nhà trường thay đổi nhận thức của giáo viên và học sinh, xây dựng thói quen mới về quản lý rác thải có trách nhiệm trong xã hội, góp phần thúc đẩy thực hiện KTTH trong các trường học. Học sinh được bắt đầu tiếp cận việc phân loại rác và thực hiện quy trình phân loại - xử lý rác thải. Trong thời gian tới, GreenHub và nhà trường sẽ đồng hành cùng học sinh thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành không rác.
Chủ trang trại HopFam (Hòa Bình) Bùi Thanh Hoàng thuyết trình về vòng tuần hoàn sinh thái
PV. Nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức và thói quen thực hành xanh thông qua giáo dục “Không rác thải” từ trường học đến nông trại, vừa qua các giáo viên trường đã được trải nghiệm trực tiếp ở Trang trại HopFarm Hòa Bình, từ hoạt động trên, bà có thể chia sẻ về những kiến thức BVMT qua các hoạt động trải nghiệm này?
Bà Đoàn Thị Hải Quỳnh: HopFarm (Hòa Bình) là một hệ sinh thái nông trại xanh. Với tình yêu đặc biệt dành cho cây bưởi Diễn, trên quy mô 8ha, anh Bùi Thanh Hoàng chủ trang trại đã trồng 2.500 gốc bưởi. Những sản phẩm từ quả bưởi, vỏ và cùi được các công nhân nông trại trưng cất thành tinh dầu, tép bưởi ngâm với đường phèn làm nước ép, các bã còn lại tái chế thành nước rửa bát hữu cơ. Ngoài ra, trang trại còn nuôi bò và lợn, với hệ thống hầm biogas được xây dựng để xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón và khí đốt. Để có thức ăn cho bò, cánh đồng cỏ voi được trồng và cắt xén định kỳ. Xen kẽ với các gốc bưởi, cỏ tranh được cắt, phơi khô để lợp mái nhà đã thu hút đàn dơi về làm tổ, phân dơi bón cho đất những dưỡng chất nuôi cây. Trong buổi trải nghiệm, các giáo viên được tập huấn về vòng tuần hoàn sinh thái nông trại và kỹ năng trồng trọt, tham gia cùng công nhân của nông trại trồng cây và cắt cỏ voi, ủ phân sinh học…
Có thể nói, buổi trải nghiệm đã giúp các giáo viên tiếp thu được nhiều kiến thức về BVMT, từ đó truyền tải cho các học sinh cách thức giảm hoàn toàn rác hữu cơ ở trang trại khi cỏ được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, chế thuốc trừ sâu sinh học, tạo lớp áo giữ ẩm cho đất nền; chất thải từ chăn nuôi được xử lý làm phân bón…; Quy trình xử lý và sử dụng nước tuần hoàn trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt; Lợi ích của mô hình KTTH đối với cá nhân, cộng đồng trong BVMT.
|
|
Các giáo viên tham gia trồng cây và cắt cỏ tại buổi trải nghiệm ở trang trại HopFam Hòa Bình
PV. Bà có những kiến nghị, đề xuất nào để tiếp tục nâng cao nhận thức và duy trì lâu dài thói quen thực hành không rác, hình thành một lối sống xanh cho các em học sinh thông qua giáo dục từ trường học?
Bà Đoàn Thị Hải Quỳnh: Việc tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh cũng rất quan trọng trong việc duy trì những hoạt động về giảm thiểu rác thải nhựa và thực hiện KTTH trong trường học. Đây là đối tượng dễ tiếp cận, dễ truyền cảm hứng, nhiệt tình, và là thế hệ tương lai, kế thừa tất cả những điều tốt đẹp này. “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, để có thể duy trì được chặng đường giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải, việc thúc đẩy truyền thông, giáo dục là không thể thiếu.
Nhằm nâng cao nhận thức, hình thành và duy trì thói quen “không rác thải”, cách tốt nhất vẫn là thông qua các bài học, thực hành thường xuyên. Điều đó sẽ có được nếu hiểu biết về rác, cách hành xử “không rác thải” được đưa vào chương trình giáo dục của nhà trường. Đây cũng là cách tiếp cận, để các em học sinh và cộng đồng thực hiện các quy định, chính sách pháp luật về BVMT.
Bên cạnh đó, những quy định của các cấp chính quyền đối với yêu cầu phân loại rác trước khi thu gom ở các khu dân cư sẽ giúp đồng bộ các ứng xử “không rác thải” của học sinh cả ở nhà và ở trường…
PV. Trân trọng cảm ơn bà!
Châu Loan (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)