21/07/2022
Nhằm ghi nhận, tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp thiết thực cho công tác thông tin, tuyên truyền về giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương cũng như phổ biến, khuyến khích các doanh nghiệp, người tiêu dùng thực hiện trách nhiệm trong giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) đại dương theo quy định của Luật BVMT, đồng thời góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 theo Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/7/2022, tại Hà Nội, Báo điện tử VTC News đã chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Dự án về giảm thiểu RTN đại dương tại Việt Nam, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam), Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP - Việt Nam) tổ chức Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” lần thứ 2 với chủ đề “Hành động vì đại dương không RTN”.
Hàng năm, có khoảng 8 triệu tấn RTN đổ ra biển, tương đương cứ mỗi phút lại có một xe tải chở đầy rác đổ ra biển. Trên toàn cầu, lượng RTN rắn phát sinh hàng năm tương đương với hơn 520 nghỉn tỉ ống hút nhựa, đủ để quấn quanh Trái đất khoảng 2,8 triệu lần, nếu không có hành động khẩn cấp và hiệu quả, dự đoán tới năm 2050, chúng ta sẽ có nhiều nhựa hơn là cá trong các đại dương. Việt Nam là một trong số những nước thải lượng lớn rác nhựa ra đại dương. Các nguồn thải rác nhựa đến từ đất liền được xem là nguồn thải chính và ở quy mô rộng hơn các nguồn thải ngoài đại dương. Cụ thể, có đến 80% RTN xuất phát từ đất liền, từ những hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người, 20% còn lại xuất phát từ hoạt động nghề cá, nuôi trồng thủy sản, tàu bè trên biển. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch cùng với gia tăng dân số làm lượng rác thải hàng ngày không được xử lý xả ra môi trường ngày một nhiều thêm, gây tác hại nghiêm trọng tới môi trường các khu vực ven biển và hải đảo, đặc biệt là làm suy giảm các hệ sinh thái cỏ biển và san hô trong các khu bảo tồn. Ngoài ra, các sản phẩm làm từ nhựa đã và đang trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Nhựa được sử dụng để làm bao bì, túi, cốc, quần áo, đồ chơi, đồ gia dụng, các sản phẩm công nghiệp, thậm chí vật liệu xây dựng. Việc sản xuất và tiêu thụ nhựa gia tăng trong khi tỷ lệ tái chế thấp dẫn đến tăng lượng RTN rò rỉ ra đại dương.
Ông Lưu Anh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và hải đảo
Việt Nam - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án “Giảm thiểu RTN tại Việt Nam” phát biểu
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Lưu Anh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án “Giảm thiểu RTN tại Việt Nam” cho biết, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 3,7 triệu tấn RTN (trong đó chỉ có 10 đến 15% lượng RTN này được thu gom để tái chế) và khoảng 730.000 tấn RTN rò rỉ ra biển. Nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong một nỗ lực chung nhằm ngăn chặn ô nhiễm nhựa đại dương, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương đã phối hợp cùng với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều giải pháp thông qua các dự án, các chương trình hành động cụ thể. Một trong những giải pháp mũi nhọn là tuyên truyền, thay đổi nhận thức, giúp người dân hiểu hơn về tác hại của RTN và ô nhiễm nhựa đại dương, đồng thời phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về vấn đề này, trong đó, báo chí là phương tiện truyền thông, tuyên truyền chủ lực, vai trò báo chí có tính dẫn dắt, định hướng ý thức cho người dân.
Toàn cảnh Lễ phát động
Ông Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News chia sẻ, Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” lần thứ nhất được tổ chức năm 2021 đã tạo được tiếng vang, gây ấn tượng mạnh đối với cộng đồng báo chí, thu hút đông đảo phóng viên, biên tập viên trên cả nước tham gia, với nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm cao của các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước cũng như tổ chức quốc tế trong vấn đề BVMT nói chung, giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương nói riêng. Vì vậy, tiếp nối thành công đã đạt được, Giải báo chí lần này được tổ chức với quy mô lớn hơn, hạng mục giải thưởng đa dạng hơn, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của báo chí với vị trí là phương tiện truyền thông chủ lực trong xã hội, trong công tác truyền thông giảm ô nhiễm RTN đại dương. Sự kiện cũng giúp nâng cao nhận thức về giảm thiểu RTN đại dương của cộng đồng về việc quản lý RTN, qua đó để người dân và doanh nghiệp nhận thức rõ hơn những tác động tiêu cực của việc quản lý chất thải không đúng cách với sức khỏe con người và môi trường.
Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” năm 2022 chính thức phát động vào ngày 20/7/2022 và nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 30/9/2022 Đối tượng dự thi: Tất cả công dân Việt Nam gồm nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên có tác phẩm báo chí viết về đề tài RTN đại dương đăng tải các trang báo điện tử, tạp chí điện tử do cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Tác giả, số lượng tác phẩm tham dự: Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả chỉ được chọn hai tác phẩm phù hợp với quy định của giải để tham dự. Nếu tác giả đã có hai tác phẩm riêng của mình, đồng thời tham gia nhóm tác giả sáng tác tác phẩm khác thì được chọn thêm tối đa 1 tác phẩm khác. Mỗi nhóm tác giả tối đa năm người. Tác giả có tác phẩm tham dự giải không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, không vi phạm Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật. Các tác phẩm dự thi thuộc thể loại tin, phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bài phản ánh, xã luận, bình luận, chuyên luận, phỏng vấn, bút ký báo chí (những tác phẩm đã đạt giải quốc gia không tham dự giải). Tiêu chí bình chọn: Những tác phẩm báo chí bằng tiếng Việt được đăng và phát trên các báo điện tử và tạp chí điện tử, cổng thông tin điện tử trong khoảng thời gian từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 30/9/2022. Nếu tác phẩm được đăng và phát nhiều kỳ, ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm được đăng, phát trong khoảng thời gian nêu trên. Cơ cấu giải thưởng: Gồm 1 giải Nhất trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải Nhì, mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải Ba, mỗi giá trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng; 2 giải phụ, mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng. Thời gian nhận tác phẩm, xét chọn và trao giải: Hạn cuối cùng nhận tác phẩm ngày 30/9/2022. Thời gian xét chọn và chấm giải: Từ ngày 1 - 20/10/2022. Lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 25/10/2022. Lập hồ sơ dự giải: Mỗi tác phẩm tham dự giải phải sao, chụp 2 bộ tác phẩm và gửi kèm 2 bộ hồ sơ theo mẫu của ban tổ chức giải. Mỗi tác phẩm gửi kèm thông tin về tác giả bao gồm họ và tên, bút danh, chức danh hiện tại, đơn vị công tác, số điện thoại di động, email, địa chỉ, bản giới thiệu khái quát về tác phẩm bằng tiếng Việt bao gồm loại hình, thể loại, nội dung chính, hoàn cảnh sáng tác. Đối với bản xuất mạng, tác phẩm in rõ ràng, gửi đến Ban Tổ chức hoặc gửi file qua địa chỉ email: giaibaochigonn@gmail.com hoặc website: www.giaibaochi.giamracnhua.vn. Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ lẻ, tác giả cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4 và đánh số trang rõ ràng phần tiếp nối đó và gửi kèm bản sao. Tác giả cần gửi link bài viết đã được đăng. Phương thức và thời gian nhận tác phẩm dự thi: Tác giả gửi tác phẩm theo 3 cách Cách 1: Gửi qua email: giaibaochigonn@gmail.com Cách 2: Website: www.giaibaochi.giamracnhua.vn Cách 3: Báo điện tử VTC News Tầng 12A, Tòa nhà VTC Online, 18 Tam Trinh, Hà Nội Thời gian nhận tác phẩm dự thi chậm nhất vào ngày 30/9/2022 (tính theo dấu bưu điện) 23 giờ 59 phút ngày 30/9/2022 (tính theo thư điện tử và website). Thông tin Giải báo chí có thể tìm hiểu tại địa chỉ website: http://www.giaibaochi.giamracnhua.vn |
Bùi Hằng