Banner trang chủ

Hà Tĩnh phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

02/11/2022

    Nông nghiệp là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu (BĐKH). Sự gia tăng thời tiết cực đoan, bão lũ, hạn hán không theo quy luật tạo ra những thách thức không nhỏ tới sản xuất, chăn nuôi của người dân. Để ứng phó với BĐKH, từ nguồn hỗ trợ của Trung tâm nghiên cứu Nông lâm quốc tế (ICRAF), trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Việt Nam Thực hiện Thỏa thuận Paris” nhiều hộ nông dân ở Hà Tĩnh đã tham gia thực hiện mô hình nông lâm thích ứng dựa vào hệ sinh thái thông qua các giải pháp nông nghiệp thông minh. Đảm bảo năng suất và giảm nhẹ mức độ ảnh hưởng của BĐKH và các hình thái thời tiết cực đoan tới cây trồng, vật nuôi. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh về kết quả của các mô hình này nhằm hướng tới hỗ trợ các cộng đồng sản xuất, phát triển sinh kế bền vững.

    PV: Những năm qua, tác động của BĐKH đã ảnh hưởng lớn sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân, trước tình đó nhiều mô hình nông nghiệp thích ứng BĐKH dựa vào hệ sinh thái ở Hà Tĩnh đã được triển khai, ông có thể cho biết kết quả bước đầu của những mô hình này?

    Ông Nguyễn Hữu Ngọc: Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Hà Tĩnh là tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của khí hậu chuyển tiếp của miền Bắc và miền Nam, với đặc trưng khí hậu nhiệt đới điển hình của miền Nam và có một mùa đông giá lạnh của miền Bắc, nên thời tiết, khí hậu ở Hà Tĩnh rất khắc nghiệt.

    Do tác động của BĐKH, hiện tượng cực đoan của thời tiết đã diễn ra thường xuyên, ngày càng tăng số ngày nắng nóng trong khi số ngày rét đậm có xu thế giảm đi; số ngày mưa lớn tăng lên; tần suất hoạt động của bão mạnh, siêu bão ngày càng gia tăng với mức độ ảnh hưởng lớn; mùa mưa bão thường kết thúc muộn hơn so với trước đây, hạn hán, nắng nóng có xu thế tăng lên…Sự xuất hiện của những cơn mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, triều cường đã gây ra nhiều tổn thất đến sản xuất nông nghiệp.

    Trước thực trạng trên, để giúp nông dân Hà Tĩnh phát triển sản xuất theo hướng thích ứng an toàn bền vững với BĐKH, từ nguồn hỗ trợ của Trung tâm nghiên cứu Nông lâm quốc tế (ICRAF), trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Việt Nam Thực hiện Thỏa thuận Paris” tại tỉnh Hà Tĩnh (SIPA), từ năm 2020 - 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai 5 mô hình nông nghiệp thông minh như: Phát triển hệ sinh thái vườn đồi tổng hợp; nuôi ong dựa vào hệ sinh thái vườn, rừng; trồng cỏ chăn nuôi chịu hạn và chất lượng; sản xuất hành tăm luân canh cây họ đậu, gắn với chuỗi sản phẩm OCOP; nuôi tôm càng xanh luân canh các nước ngọt, kết hợp phát triển hệ sinh thái vườn hồ tại 4 xã Sơn Hồng, Sơn Tiến (huyện Hương Sơn); xã Vượng Lộc, thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc).

    Bước đầu các mô hình đã mang lại hiệu quả, điển hình như mô hình “Phát triển hệ sinh thái vườn đồi tổng hợp”, với 14 hộ dân tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ giống dứa, giống lạc dại và phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để chăm sóc vườn cây ăn quả. Với đặc tính chống hạn, cây lạc dại giúp che phủ, chống xói mòn đất vào mùa mưa, hạn chế cỏ dại, đồng thời mùa nắng thì giữ độ ẩm cho đất. Cây dứa được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân trồng 2 hàng sát các đường đồng mức để tránh các hiện tượng rửa trôi đất vì cây dứa có bộ chùm bám vào đất. Tháng 6/2022 là vụ thu hoạch dứa đầu tiên của các hộ gia đình, mỗi kg dứa, thương lai thu mua tận nơi. Gia đình thu được 5 - 10 triệu đồng từ dứa. Còn đối với mô hình nuôi ong dựa vào hệ sinh thái vườn, rừng, với 36 hộ dân tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ thùng ong, thùng quay mật, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi ong. Nhờ ong thụ phấn làm tăng đa dạng sinh học, tăng tỉ lệ cây che phủ đất trên đồi. Việc này sẽ giúp hạn chế sạt lở đất, rửa trôi chất dinh dưỡng trên bề mặt. Mô hình mang lại thu nhập, giúp nâng cao ời sống người dân. Điển hình, hộ anh Nguyễn Duy Toán, thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc mỗi năm thu được từ 50 - 80 triệu tiền từ việc nuôi ong.

    Ngoài ra, để giải quyết sự thiếu hụt thức ăn cho gia súc trong mùa khô và sử dụng đất hiệu quả hơn, mô hình “Trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi” được triển khai tại thôn Ao Tròn, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn. Mục tiêu của mô hình chuyển đổi diện tích đất màu sản xuất không hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi có tính chịu hạn và có giá trị dinh dưỡng cao, phục vụ chăn nuôi. Thôn Ao Tròn, có 121 hộ dân sinh sống. Các hộ dân chủ yếu thu nhập từ chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Trung bình mỗi năm lượng gia súc trong thôn nuôi khoảng 700 - 800 con. Mỗi gia đình nuôi từ 3 - 8 con gia súc. Nhờ mô hình trồng cỏ này nên nguồn thức ăn chăn nuôi được đáp ứng đầy đủ.

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang hướng dẫn

kỹ thuật chăm sóc vườn cây ăn quả Hương Sơn, Hà Tĩnh

    Các mô hình khác như “Sản xuất hành tăm luân canh cây họ đậu”, “Nuôi tôm càng xanh luân canh các nước ngọt, kết hợp phát triển hệ sinh thái vườn hồ”, các hộ dân được hỗ trợ cây con giống, phân bón và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nhằm gia tăng giá trị kinh tế đồng thời góp phần chống BĐKH. Trước khi tham gia dự án, vùng đất sản xuất được người dân trồng lúa, hoặc trồng màu tuy nhiên do người sản xuất chủ yếu đang theo kinh nghiệm, tự phát, sử dụng phân bón và thuốc phòng trừ sâu bệnh chưa hợp lý nên năng suất cây trồng không cao, đất bị rửa trôi và thoái hóa dần; môi trường bị ô nhiễm, hệ sinh thái đồng ruộng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhờ áp dụng tốt quy trình kỹ thuật nên cây trồng cho năng suất cao, môi trường đất được cải thiện. Ao hồ được cải tạo, năng suất nuôi tôm càng xanh đạt hơn 1,5 tấn/ha, nuôi cá đạt gần 10 tấn/ha. Mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm…

     PV: Sự gia tăng thời tiết cực đoan, bão lũ, hạn hán không theo quy luật tạo ra những thách thức không nhỏ để duy trì năng suất, trong khi phần lớn người dân sản xuất nông nghiệp dựa vào kinh nghiệm, nên sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được thị trường, ông có đánh giá gì về những khó khăn, vướng mắc này?

    Ông Nguyễn Hữu Ngọc: Thời tiết cực đoan, mưa lũ, hạn hán đã gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, theo truyền thống người nông dân có thể dựa vào kinh nghiệm để chủ động các biện pháp phòng tránh, thích ứng bằng việc điều chỉnh mùa vụ nhằm giảm tác động của BĐKH. Tuy nhiên, việc người dân sản xuất theo kinh nghiệm cũng phải đối mặt với tình trạng nơi thừa sản phẩm, nơi không có. Câu chuyện giá nông sản rẻ như cho, được mùa rớt giá vẫn luôn là điệp khúc chưa tìm ra lời giải. Nguyên nhân của tình trạng trên là việc tổ chức sản xuất theo quy hoạch chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số địa phương tuy đã xác định được địa chỉ các vùng chuyên canh cho các sản phẩm thế mạnh nhưng quy mô diện tích còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đồng nhất, chưa thật sự có được vùng chuyên canh đúng nghĩa. Đặc biệt, trong liên kết chuỗi giá trị, liên kết vùng, miền hiện nay còn yếu...

    Hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đang thực hiện tái cơ cấu ngành mạnh mẽ, đặc biệt trong những năm gần đây các mô hình kinh tế tập trung, đầu tư công nghệ cao, áp dụng chuyển đổi số, mô hình nông nghiệp thông minh… được áp dụng, trở thành xu thế thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững và thích ứng với khí hậu. Cùng với đó, các công nghệ về dự báo thời tiết, phân tích chất lượng nước, phân bón, khí hậu và dự báo thời tiết; cảnh báo thiên tai, địch hại… được áp dụng vào sản xuất. Có thể nói, các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH đã giúp người nông dân cải thiện sinh kế, giảm được tác động tiêu cực từ BĐKH. Thêm vào đó, những kỹ thuật như nông lâm kết hợp, trồng xen canh, tái sử dụng phế phụ phẩm đã giúp cải thiện môi trường đất, chống ô nhiễm và thái hóa đất, nhờ đó năng xuất chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng được nâng lên.

    PV: Do cấu tạo của địa hình, nhiều dải đất ven biển của địa phương chủ yếu là những cồn cát, ông có sáng kiến gì đ hồi sinh những vùng đất thoái hóa và tạo ra sinh kế bền vững cho bà con nơi đây?

    Ông Nguyễn Hữu Ngọc: Việt Nam có 3260 km bờ biển và Hà Tĩnh có 137 km bờ biển chạy dọc 6/13 huyện gồm Thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân. Chạy dọc theo bờ biển là những cồn cát rộng lớn. Đất cát ven biển được xem là loại đất có nhiều vấn đề nhất, như kết cấu rời rạc, độ phì thấp, khả năng trữ nước kém, đất khô dễ bị thổi bay, chất dinh dưỡng kém. Địa hình chảy xuôi xuống biển nên nước nước trôi kéo theo cát chảy, đồng thời rửa trôi các chất dinh dưỡng có trong đất cát, gây bạc màu, thoát nước nhanh,… do đó, việc sản xuất trên các vùng cát này hết sức khó khăn. Để hồi sinh những vùng đất thoái hóa và tạo sinh kế cho bà con nơi đây, theo tôi cần nghiên cứu, xác định những đặc tính của các cồn cát. Mực nước ngầm nông hay sâu, bị ngập hay không ngập nước mùa mưa, địa hình thoát nước hay đọng nước, đất cát di động hay cố định… trên cơ sở đó lựa chọn loài cây, con và áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp để quy hoạch, canh tác có hiệu quả với từng dạng đất cát ven biển. Có thể trồng các rau, củ, quả tại các vùng đất cát hoang hóa bạc màu, với một số loại rau xanh như măng tây, hành tây, hành lá, cà rốt, khoai lang, củ cải trắng, cải bẹ, lạc, dưa hấu, dưa chuột, cải thảo, cà chua, đậu tứ quý, ớt Đà Lạt, bí ngòi Israel...

    PV: Trong thời gian tới, ông có đề xuất và kiến nghị gì để tiếp tục nhân rộng mô hình nông nghiệp sinh thái thích ứng với BĐKH được triển khai hiệu quả?

    Ông Nguyễn Hữu Ngọc: Trong 2 năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm quốc tế, các đơn vị thuộc Sở, các địa phương để triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh. Đến nay, có thể khẳng định các mô hình sinh kế đã mang lại hiệu quả, đời sống bà con được nâng lên. Thời gian tới, với chức năng là đơn vị ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến và thông tin tuyên truyền các chủ trương, các mô hình, cách làm hay… cho bà con nông dân, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh sẽ thực hiện một số  giải pháp như:

    Tiếp tục hướng dẫn, giám sát các hộ tham gia mô hình thực hiện đúng, đầy đủ các quy trình sản xuất đã áp dụng hiệu quả, phổ biến, giới thiệu mô hình để người dân vùng lân cận đến tham quan, học tập, nhân rộng Dự án.

    Tìm kiếm các Nhà tài trợ để triên khai các dự án nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH, các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện sản xuất của Hà Tĩnh, để tạo thêm nhiều các mô hình điểm về phát triển kinh tế vườn đồi, về các đối tượng cây, con chủ lực của tỉnh, các sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn hữu cơ nhằm thực hiện thành công đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, từng bước hướng đến xuất khẩu.

    Cần xây dựng các mô hình cây trồng giúp che phủ để chống xói mòn, rửa trôi, giữ nước cho vùng đồi cát, chống cát bay, cát nhảy. Do các địa phương ven biển thiếu hệ thống rừng vành đai chắn gió nên cát bay mù mịt, vùi lấp cây trồng, tràn lấn vào các khu dân cư… Do đó, cần xây dựng các mô hình trồng cây chắn cát như rừng phi lao, keo… Rừng cây ven biển này không chỉ chấm dứt nạn cát di động, lấn vào nhà dân mà còn giúp điều hòa nguồn nước, hạn chế quá trình hoang mạc hóa, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

    Nâng cao nhận thức của người dân về việc BVMT biển, không làm ô nhiễm nước biển, hạn chế các tác động tiêu cực. Đồng thời, đào tạo kỹ năng, trình độ sản xuất đáp ứng các công nghệ mới cho người dân. Khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế trên các vùng cồn cát ven biển.

    ​PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2022)

Ý kiến của bạn