Banner trang chủ

Giới trong biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai

27/10/2021

    Ngày 26/10/2021, tại Hà Nội, Học viện phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN), Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Giới trong biến đổi khí hậu (BĐKH) và giảm nhẹ rủi ro thiên tai”.

    Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của các nhà khoa học uy tín đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong nước, nhiều học giả từ các nước Anh, Pháp, Hà Lan, New  Zealand… đại diện các tổ chức quốc tế lớn tại Hà Nội như UNWomen, OXFAM, ActionAid, Plan International, Nafosted, đại diện các trường đại học, các tổ chức đối tác trong và ngoài nước. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án EmPower “Tăng cường quyền con người và bình đẳng giới trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và BĐKH” do Cơ quan phát triển quốc tế Thuỵ Điển - SIDA tài trợ. Hội thảo là diễn đàn học thuật để chia sẻ, trao đổi, công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thảo luận các vấn đề liên quan đến vai trò của giới trong BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; tính dễ bị tổn thương về giới trong BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai; kinh nghiệm, thực hành quốc tế và Việt Nam nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai; thúc đẩy chính sách, pháp luật có nhạy cảm giới trong BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Hội thảo cũng góp phần thúc đẩy quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế, đồng thời tăng cường cơ hội hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa các tổ chức, trường đại học trong khu vực cũng như quốc tế.

Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ  Việt Nam hoan nghênh và cảm ơn sự ủng hộ, đồng hành của UN Women và NAFOSTED trong việc phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai các chương trình, dự án, hoạt động nhằm phát huy vai trò của giới trong ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Bà cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia hàng đầu dễ bị tổn thương nhất bởi BĐKH. Chỉ tính riêng trong năm 2020, đã xảy ra rất nhiều hiện tượng thiên tai dị thường, khốc liệt, với 13 cơn bão trên biển Đông, 264 trận dông lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành; 120 trận lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt là đợt mưa lớn lịch sử từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 tại khu vực Trung bộ, làm thiệt hại nghiêm trọng đến nhân dân vùng lũ. Có thể thấy, BĐKH tác động tiêu cực và trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, mà lĩnh vực này có tới 65% là phụ nữ và họ chủ yếu trập trung canh tác quy mô nhỏ, tự cung tự cấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Tuy nhiên, trong ứng phó với BĐKH, phụ nữ và nam giới có vai trò, thế mạnh riêng. Họ cũng có nhu cầu, những mối quan tâm và khả năng riêng. Không thể xem phụ nữ chỉ là nhóm đối tượng phụ hoặc thụ động, phải thừa nhận rằng, những đóng góp của họ là đáng kể trong việc xây dựng khả năng ứng phó giảm nhẹ rủi ro, phục hồi sau thảm hoạ cùng với nam giới. Vì vậy, cần có các cách tiếp cận khác nhau để tất cả mọi cá nhân phát triển dựa trên tiềm năng, khát vọng và mối quan tâm của họ. Sự hiện diện của phụ nữ ở vị trí ra quyết định và hành động bảo vệ khí hậu là rất quan trọng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Hội thảo tập trung vào 4 chủ đề chính đăng trong Kỷ yếu khoa học được đăng ký chỉ số ISBN xuất bản với gần 40 bài nghiên cứu chất lượng bằng tiếng Việt, tiếng Anh được lựa chọn từ hơn 70 bài, gồm: Các vấn đề lý luận về giới trong BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; BĐKH, rủi ro thiên tai và các vấn đề giới; Kinh nghiệm, thực hành của quốc tế và Việt Nam về đảm bảo bình đẳng giới trong ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai; Các nội dung khác liên quan đến giới trong BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn