02/11/2021
Ngày nay, du lịch cộng đồng đang được đặt ra trong Chiến lược phát triển du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới với mục tiêu mang lại lợi ích chung cho cộng đồng địa phương, đặc biệt cho cộng đồng các làng quê xa xôi ở nông thôn. Phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng là quan điểm phát triển đúng đắn ngày càng được xã hội quan tâm và khuyến khích. Tại Việt Nam, du lịch cộng đồng cũng đã đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế - xã hội cho cộng đồng dân cư địa phương. Vì thế, việc hiểu về du lịch cộng đồng, có giải pháp phát triển du lịch cộng đồng đúng đắn là hết sức quan trọng.
Du lịch cộng đồng phát triển bền vững
Khái niệm “du lịch cộng đồng” (DLCĐ) đã được đề cập rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Thái Lan, khái niệm community-based tourism - du lịch dựa vào cộng đồng được định nghĩa: “DLCĐ là loại hình du lịch được quản lý và thực hiện bởi chính cộng đồng địa phương, hướng đến mục tiêu bền vững về mặt môi trường, văn hóa và xã hội. Thông qua DLCĐ du khách có cơ hội tìm hiểu và nâng cao nhận thức về lối sống của cộng đồng địa phương” (REST, 1997).
Khái niệm này cũng được nhắc đến trong chương trình nghiên cứu của nhiều tổ chức xã hội trên thế giới. Pachamama (Tổ chức hướng đến việc giới thiệu và bảo tồn văn hóa bản địa khu vực châu Mỹ) đã đưa ra quan điểm của mình về community-based tourism như sau: “DLCĐ là loại hình du lịch mà du khách từ bên ngoài đến với cộng đồng địa phương để tìm hiểu về phong tục, lối sống, niềm tin và được thưởng thức ẩm thực địa phương. Cộng đồng địa phương kiểm soát cả những tác động và những lợi ích thông qua quá trình tham gia vào hình thức du lịch này, từ đó tăng cường khả năng tự quản, tăng cường phương thức sinh kế và phát huy giá trị truyền thống của địa phương”. Còn Istituto Oikos (Tổ chức hướng đến việc hỗ trợ các nghiên cứu, huy động nguồn lực tài chính trong công tác bảo tồn về mặt sinh thái tự nhiên và nhân văn cho các quốc gia đang phát triển trên thế giới, ra đời tại Italia, 1996) lại đề cập đến nội dung của DLCĐ theo hướng: “DLCĐ là loại hình du lịch mà du khách từ bên ngoài đến và có lưu trú qua đêm tại không gian sinh sống của cộng đồng địa phương (thường là các cộng đồng ở nông thôn hoặc các cộng đồng nghèo hoặc sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn). Thông qua đó du khách có cơ hội khám phá môi trường thiên nhiên hoang dã hoặc tìm hiểu các giá trị về văn hóa truyền thống, tôn trọng tư duy văn hóa bản địa. Cộng đồng địa phương có cơ hội thụ hưởng các lợi ích kinh tế từ việc tham gia vào các hoạt động khám phá dựa trên các giá trị về tự nhiên và văn hóa xã hội tại khu vực cộng đồng địa phương sinh sống”.
Tổ chức mạng lưới du lịch cộng đồng vì người nghèo cũng đã nêu: “DLCĐ là một loại hình du lịch bền vững thúc đẩy các chiến lược vì người nghèo trong môi trường cộng đồng. Các sáng kiến của DLCĐ nhằm vào mục tiêu thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào việc vận hành và quản lý các dự án du lịch nhỏ như một phương tiện giảm nghèo và mang lại thu nhập thay thế cho cộng đồng. Các sáng kiến của DLCĐ còn khuyến khích tôn trọng các truyền thống và văn hóa địa phương cũng như các di sản thiên nhiên”.
Ở Việt Nam, DLCĐ được định nghĩa tại Khoản 15 Điều 3 Luật Du lịch 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018). “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”. Như vậy, khái niệm DLCĐ chứa đựng các nội dung chủ yếu như sau:
Du khách là tác nhân bên ngoài, là tiền đề mang lại lợi ích kinh tế và sẽ có những tác động nhất định kèm theo việc thụ hưởng các giá trị về môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn khi đến với một cộng đồng địa phương cụ thể.
Cộng đồng địa phương là người kiểm soát các giá trị về mặt tài nguyên du lịch để hỗ trợ du khách có cơ hội tìm hiểu và nâng cao nhận thức của mình khi có cơ hội tiếp cận hệ thống tài nguyên du lịch tại không gian sinh sống của cộng đồng địa phương.
Cộng đồng địa phương sẽ nhận được lợi ích về mặt kinh tế, mở rộng tầm hiểu biết về đặc điểm tính cách của du khách cũng như có cơ hội nắm bắt các thông tin bên ngoài từ du khách. Cộng đồng địa phương ngày càng được tăng cường về khả năng tổ chức, vận hành và thực hiện các hoạt động, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách. Từ đó, cộng đồng ngày càng phát huy vai trò làm chủ của mình. Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Ở nước ta có rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng phát triển khá thành công. Vùng miền núi Tây Bắc có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như ở Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh; một số tỉnh Trung Bộ như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định; các tỉnh Tây Nguyên như Ðắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum; các tỉnh Nam Bộ như CầnThơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và nhiều địa phương khác đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng tốt và mang lại hiệu quả cao. Những mô hình này không chỉ phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa của các cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương.
Tuy vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng ở nhiều nơi vẫn còn có những hạn chế nhất định, như: còn mang tính tự phát, làm theo phong trào, chưa đảm bảo giữ gìn môi trường tự nhiên và văn hóa, việc qui hoạch cũng như các chính sách chưa rõ ràng và đồng bộ… Vì vậy, du lịch cộng đồng chưa thực sự phát triển một cách bền vững.
Những bài học kinh nghiệm
Từ thực tế về phát triển du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương trong cả nước, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Giáo dục nhận thức và nâng cao hiểu biết cho cán bộ, nhân viên ngành Du lịch, nhất là cho cộng đồng dân cư về du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng, trong đó đặc biệt chú ý những vấn đề về môi trường, về ý nghĩa của phát triển du lịch cộng đồng.
Huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương cùng phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt cần huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức như Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên… Chú ý huy động sức dân tự nguyện làm du lịch để tăng thu nhập của mình, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.
Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phải là người đứng ra tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho dân cư về cách làm du lịch cộng đồng, về các kỹ năng nghiệp vụ phục vụ khách du lịch như lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, hướng dẫn du lịch... kể cả vấn đề quản lý, phân chia lợi ích kinh tế trong phát triển du lịch cộng đồng.
Nhà nước (ngành Du lịch và chính quyền địa phương) cần có hướng dẫn và có các qui định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để tránh tình trạng lai căng, du nhập văn hóa không lành mạnh, bảo vệ và giữ gìn môi trường xã hội - nhân văn, văn hóa bản địa, bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên, vệ sinh nhà ở, thôn xóm, vệ sinh an toàn thực phẩm; tránh tình trạng bê tông hóa. Đồng thời có những quy định và hướng dẫn để khách du lịch hiểu và tôn trọng luật pháp Việt Nam, phong tục, tập quán địa phương.
Nhà nước có các chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng như chính sách thuế, chính sách cho vay, chính sách đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhà nước cần chủ động giúp cộng đồng quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.
Nhà nước (các cơ quan quản lý du lịch) giúp cộng đồng dân cư kết nối với các hãng lữ hành trong và ngoài nước và kết nối với nhau để có nguồn khách và để cùng phát triển du lịch. Đồng thời giúp các tổ chức du lịch cộng đồng quảng bá sản phẩm, hình ảnh du lịch cộng đồng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Việc phát triển du lịch cộng đồng không nên làm ồ ạt, làm theo phong trào mà cần có sự chuẩn bị bài bản, nhất là công tác tìm hiểu thị trường khách, quảng bá và các điều kiện phục vụ khách. Không tính đầy đủ các yếu tố này thì dễ đi đến thất bại.
Nhà nước cần có sự khen thưởng, động viên khuyến khích các hộ dân, các doanh nghiệp làm tốt du lịch cộng đồng, có sự đóng góp tích cực cho xã hội. Đồng thời nhân rộng điển hình trong tỉnh, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ngoài tỉnh để làm tốt hơn du lịch cộng đồng.
Cơ quản quản lý nhà nước về du lịch (Tổng cục Du lịch) nên nghiên cứu và cung cấp cuốn “Sổ tay hướng dẫn du lịch cộng đồng” làm tài liệu tham khảo cho các địa phương, cho cộng đồng dân cư trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng.
Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch đang có xu hướng phát triển mạnh hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Để phát triển du lịch cộng đồng đúng cách, có hiệu quả và bền vững thì việc nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước, thực hiện những giải pháp đồng bộ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam ngày càng phát triển.
GS.TS Nguyễn Văn Đính
Hiệp hội Du lịch Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2021)