21/11/2022
Năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tuy nhiên Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vẫn tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quán triệt nội dung và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương được phân công tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động tổng thể ban hành kèm theo Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 13/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các ngành, đoàn thể chính trị, xã hội và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đẩy mạnh truyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng và người dân về các tác động thách thức của BĐKH đến tỉnh Đồng Tháp và ĐBSCL. Trong đó, để cùng với người dân chủ động trong thích ứng với BĐKH và các tác động khác từ thượng nguồn, tỉnh thường xuyên quan tâm đề ra các giải pháp nhằm định hướng chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân theo lộ trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khuyến khích sản xuất tập trung và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ban hành chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh kết nối hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa người nông dân và doanh nghiệp. Theo đó, áp dụng liên kết cho các ngành hàng: lúa, xoài, nhãn, cây có múi (quýt, cam, chanh, bưởi), rau sạch chuyên canh, sen, hoa kiểng, vịt, heo, bò, nấm rơm sạch, thủy sản (cá tra giống, cá sặc rằn, cá điêu hồng, cá lóc). Tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất để sản xuất theo hướng an toàn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, khoa học - công nghệ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để dẫn dắt sản xuất theo tín hiệu thị trường. Một số dự án điển hình như: Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thanh Bình của Công ty TNHH MTV Nông trại sinh thái Đồng Tháp; dự án trang trại xanh, canh tác và chế biến các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Thành của Công ty TNHH MTV Cỏ May Essential; dự án Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương; dự án xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP) trên địa bàn huyện Thanh Bình và Lấp Vò của Tập đoàn Lộc Trời và Tập đoàn Phoenix…
Lễ cắt băng khánh thành Trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và Nông sản tại Đồng Tháp năm 2019
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp còn phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và kỹ năng thích ứng với BĐKH cho đối tượng là lực lượng thanh niên”, với sự tham gia của 120 cán bộ, công chức ngành tài nguyên môi trường và đoàn viên thanh niên.
Thực hiện các nhiệm vụ, dự án về bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH
Tỉnh có 7 dự án về ứng phó, thích ứng với BĐKH được triển khai thực hiện gồm: Dự án Hệ thống đê bao nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ đời sống của người dân thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông; Tiểu dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười; Dự án Nâng cấp tuyến đê bao, kè chống sạt lở, xây dựng hệ thống cống dọc sông Tiền, thành phố Cao Lãnh (giai đoạn 1); Kè Hổ Cứ, xã Hoà An, TP. Cao Lãnh; Dự án Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông Tiền khu vực xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh; Kè bờ từ đoạn Kè Bình Thành đến Vàm Phong Mỹ và dự án Phòng chống sạt lở bờ sông để bảo vệ dân cư tại các khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (xã Long Thuận và Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự). Dự kiến các dự án trên sẽ hoàn thành trong năm 2022 và 2023.
Thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh giao, Sở TN&MT cũng đã xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện Kế hoạch hành động đang trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự kiến công bố và ban hành vào cuối năm 2022.
Xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất theo hướng phát triển bền vững, thích ứng trong điều kiện BĐKH
Đồng Tháp là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển mô hình Hội quán. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 109 hội quán được thành lập với 5.911 thành viên, thông qua mô hình đã góp phần vào phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở; nổi bật là mô hình trở thành nền tảng hình thành và phát triển các hợp tác xã mới, đến nay đã có 26 Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập từ 27 mô hình Hội quán.
Bên cạnh đó, mô hình “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp thực hiện cũng đạt được nhiều kết quả tốt, đến cuối năm 2021 có 120 câu lạc bộ, mô hình với khoảng 8.051 thành viên tham gia.
Vườn bưởi của anh Đỗ Văn Lộc ở ấp Bình Hòa, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, thành viên Minh Tân Hội quán xã Mỹ Hội đem lại hiệu quả kinh tế cao
Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý phục vụ nền kinh tế nông nghiệp đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường và thích ứng với BĐKH
Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Văn phòng Điều phối Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chính là tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, chuyển mạnh từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp", phát triển kinh tế nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Tập trung phát triển và xây dựng các chuỗi ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, thế mạnh. Phát triển nông nghiệp giúp cho nông dân giàu có, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bảo đảm thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, có trách nhiệm với cộng đồng; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyên môn hóa nông dân, tạo việc làm ổn định, chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới là nơi yên bình, văn minh, kinh tế ổn định và là nơi đáng sống.
Có thể khẳng định, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự hướng dẫn, phối hợp của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành Trung ương có liên quan và các địa phương vùng ĐBSCL, công tác triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 120/NQ-CP của tỉnh Đồng Tháp thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Việc thực hiện Nghị quyết đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành của tỉnh trong xây dựng và thực hiện các chương trình, chiến lược, kế hoạch, dự án cấp bách về thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và bùng nổ công nghệ thông tin, ĐBSCL có nhiều vận hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất chịu ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc từ BĐKH. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn sông Mê Công, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản… gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển kinh tế trong thời gian qua tuy nhanh nhưng cũng đi kèm với các tác động tiêu cực: Ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, nhiều diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng nhà cửa và hạ tầng bố trí thiếu tầm nhìn chiến lược, sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Nguồn nhân lực cho công tác thích ứng với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế… Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch chuyên đề 5 năm và hàng năm, tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung thực hiện thêm một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất phù hợp với tình trạng BĐKH, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hai là, triển khai thực hiện đồng bộ và sâu rộng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Ba là, hoàn chỉnh cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đánh giá khí hậu tỉnh Đồng Tháp trong năm 2021.
Bốn là, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường phối hợp với Bộ TN&MT nhiệm vụ, đề án, dự án công trình và phi công trình để ưu tiên cân đối, bổ sung từ nguồn dự phòng của Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, vốn ODA…
Phương Linh