Banner trang chủ

Động thái tích cực để bảo tồn loài voi nhà ở Đắk Lắk

05/02/2021

 

     Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra cam kết sẽ bỏ hẳn loại hình du lịch cưỡi voi, thay vào đó, những hoạt động thân thiện, gắn liền với loài động vật này như tắm voi, cho voi ăn, hay sản phẩm cà phê voi… sẽ được tập trung nghiên cứu, khai thác ở các khu du lịch. Đây được coi là động thái tích cực góp phần bảo tồn loài voi nhà, đồng thời là giải pháp vực dậy ngành du lịch của địa phương sau một năm chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

     Số lượng voi nhà ngày càng suy giảm

     Cùng với cây cà phê, voi đã tạo nên bản sắc riêng, thu hút lượng lớn du khách đến với Đắk Lắk trong thời gian qua, nhất là vào mùa lễ hội. Với mức giá từ 100 - 200.000 đồng cho mỗi lượt đi, khách du lịch sẽ được trải nghiệm cưỡi voi dưới sự hướng dẫn của người huấn luyện voi địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng voi nhà của Đắk Lắk suy giảm rất nhanh: Năm 1980 có 502 con, đến năm 1998 giảm xuống 166 con và hiện nay chỉ còn 44 con (giảm đến 90%), đang được nuôi dưỡng trong các nhà dân ở hai huyện Buôn Đôn và Lắk. Nguyên nhân dẫn đến đàn voi nhà bị suy giảm là do chúng phải hoạt động cả ngày, thời gian nghỉ ngơi ít, sức khỏe suy nhược, nhanh già, thậm chí là chết vì kiệt sức; tình trạng săn bắn trộm, mua bán, trao đổi trái phép; môi trường sống chật hẹp; nguồn thức ăn bị nhiễm độc… Đặc biệt, môi trường cho việc gặp gỡ, giao phối của voi bị hạn chế bởi chủ voi thường nhốt độc lập, không thả chúng sống cùng nhau. Theo Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, 30 năm qua, khả năng sinh sản của voi nhà tại địa phương có tỷ lệ gần như bằng không (3 con mang thai nhưng đều chết lưu trong bụng mẹ) do voi mẹ đã già (trên 38 tuổi), đường sinh sản hẹp nên voi con được sinh ra bị ngạt thở. Đây là những cảnh báo nghiêm trọng đối với việc “cưỡng bức lao động” đàn voi nhà trong hoạt động du lịch tại Đắk Lắk hiện nay. 

Du lịch cưỡi voi nhà là một trong những nguyên nhân làm suy giảm số lượng loài voi nhà ở Đắk Lắk

     Không chỉ vậy, hình thức cưỡi voi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với con người, bởi bản tính của voi là doang dã, dù được thuần dưỡng nhưng khi phải lao động quá sức hoặc tâm sinh lý bất thường, phần hoang dã trỗi dậy sẽ làm chúng phản kháng, gây ra tai nạn. Hiện nay, tình trạng xung đột giữa voi nhà và người trông coi, giữa voi với voi thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của du khách cũng như chủ voi. Cụ thể, ngày 22/5/2020, chủ voi Y Đrim Kuan (xã Yang Tao, huyện Lắk) bất ngờ bị quật tử vong khi đưa voi đi tắm; tháng 7/2020, một du khách đang cưỡi voi cũng bị ngã, chấn thương ngực. Điều đó cho thấy, du lịch cưỡi voi không còn an toàn, do đó, việc dừng hình thức du lịch cưỡi voi vừa tránh tai nạn đáng tiếc cho con người, vừa hỗ trợ công tác bảo tồn voi, tạo môi trường, điều kiện cho voi sinh sản và phát triển.

     Sẽ bỏ hẳn loại hình du lịch cưỡi voi

     Bảo tồn voi là vấn đề được Việt Nam nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đặc biệt quan tâm trong nhiều năm qua, thể hiện thông qua việc ban hành, thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch hành động bảo tồn voi từ rất sớm. Cụ thể: Năm 2010, UBND tỉnh phê duyệt Dự án Bảo tồn voi tại Đắk Lắk giai đoạn 2010 - 2015 với tổng kinh phí 61 tỷ đồng. Dự án được triển khai nhằm quản lý bền vững quần thể voi hoang dã, phát triển đàn voi nhà, bảo tồn bản sắc văn hoá bản địa, tuyên truyền giáo dục về môi trường sinh thái. Đến năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” với tổng kinh phí gần 85 tỷ đồng (thay cho Dự án trước đó). Tiếp đó, năm 2018, Tổ chức Động vật châu Á đã hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk 65.000 USD để chuyển dần mô hình du lịch cưỡi voi sang các loại hình du lịch thân thiện với voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Đồng thời, cử chuyên gia nước ngoài về chăm sóc, huấn luyện, phúc lợi, phục hồi sinh sản cho voi nhà với các hoạt động như thả voi về rừng để quan sát, học tập tập tính và bản năng của voi hoang dã. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng phương án mô hình du lịch thân thiện với voi; Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu Dự án bảo tồn nguồn gen, nhằm bảo tồn đàn voi nhà. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tham mưu tỉnh thực hiện mô hình tiêu bản voi, tức là khi voi già, chết đi hoặc bệnh tật không thể chữa khỏi thì tiêu bản, trưng bày ở Bảo tàng tỉnh, đây là hình thức giới thiệu về đa dạng sinh học và đặc thù của địa phương. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ mạnh để ngăn đà suy giảm của quần thể voi.

     Mới đây, tại Chương trình Tọa đàm “Kết nối giao thương giữa Hà Nội và Buôn Ma Thuột, phát triển du lịch an toàn, hấp dẫn giữa các doanh nghiệp du lịch ở hai địa phương”, tổ chức vào tháng 10/2020, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết, tỉnh đang xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chủ trương sẽ bỏ hẳn loại hình du lịch cưỡi voi, thay vào đó, các điểm du lịch sẽ tiến hành nghiên cứu, khai thác loại hình dịch vụ du lịch thân thiện với loài động vật này, nhằm mang lại cảm giác trải nghiệm mới lạ, an toàn cho du khách. Chủ trương chuyển đổi này được đánh giá là cần thiết và hợp lý, song cũng đòi hỏi địa phương phải có chiến lược cụ thể. Mặt khác, voi nhà ở đây chủ yếu là của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình phụ thuộc lớn vào nguồn thu nhập từ hoạt động du lịch cưỡi voi, do đó, cần xem xét hỗ trợ sinh kế cho các gia đình. Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, trước mắt, cần thay đổi nhận thức của các chủ voi và cách làm du lịch từ voi. Trong lễ hội, có thể làm hình nộm voi rồi điều khiển chúng thực hiện hành vi như voi thật; trong hoạt động du lịch, nên thả voi vào môi trường tự nhiên để chúng được tự do đi lại, kiếm ăn dưới những tán rừng, thể hiện tập tính tự nhiên. Hơn nữa, bản thân du khách khi đến với Đắk Lắk cũng cần nhận thức lại, không tiếp cận voi ở cự ly 30 m, không tự ý cưỡi voi khi chưa có người hướng dẫn; chỉ đứng ở xa quan sát hành vi, tìm hiểu cuộc sống của voi… Mô hình này vừa giúp voi nhà có môi trường sinh sống tốt hơn, có điều kiện để sinh sản, đồng thời cũng giải quyết được vấn đề thu nhập cho các chủ voi.

     Có thể thấy, ngành công nghiệp không khói tỉnh Đắk Lắk đang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát huy thế mạnh của voi trong chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương nhưng vẫn giữ được điểm nhấn của voi, bảo đảm an toàn cho du khách. Đặc biệt, cam kết sẽ bỏ hẳn loại hình du lịch cưỡi voi được xem là động thái tích cực góp phần bảo tồn bầy voi nhà và kích cầu tăng trưởng du lịch sau khi chịu nhiều biến động do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Lê Ngọc - Thu Hằng

 

Ý kiến của bạn