Banner trang chủ

Đề án Giám sát, quản lý chất lượng nước thông qua trí tuệ nhân tạo và blockchain đoạt Giải Nhất Cuộc thi tìm kiếm tài năng khoa học dữ liệu năm 2023

01/11/2023

    Ngày 28/10/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Chung kết Cuộc thi tìm kiếm tài năng khoa học dữ liệu - Data Science Talent Competition 2023.

    Tiếp nối thành công của mùa thi đầu tiên được tổ chức năm 2022, Cuộc thi năm nay tiếp tục là sân chơi trí tuệ và chuyên nghiệp dành cho học sinh THPT và sinh viên các trường đại học, cao đẳng đam mê khoa học dữ liệu, đặc biệt là công nghệ AI và Blockchain, được ươm tạo ý tưởng, được kết nối, học hỏi từ các đồng đội, các chuyên gia, các nhà khoa học... giúp các ý tưởng dự án được phát triển, hoàn thiện; đồng thời là sân chơi bổ ích để các bạn học sinh, sinh viên khám phá năng lực, định hướng nghề nghiệp và nuôi dưỡng đam mê của bản thân trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, từng bước hiện thực hóa được ý tưởng của bản thân trong hệ sinh thái khoa học công nghệ.

    Phát biểu tại buổi Chung kết Cuộc thi, GS. TS. Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, mang trên mình sứ mệnh đem các ứng dụng Khoa học dữ liệu đến gần hơn với cuộc sống và khai phá những tài năng trẻ tiềm ẩn trong lĩnh vực này, tháng 8 vừa qua, Trường Đại học Ngoại thương và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán với sự hỗ trợ triển khai từ CLB Khoa học công nghệ trong Kinh tế và Kinh doanh đã khởi động cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Khoa học dữ liệu - Data Science Talent Competition 2023”. Cuộc thi được bảo trợ chuyên môn bởi Trung tâm DATAPOT Analytics Group. Chủ đề cuộc thi năm nay tập trung vào việc ứng dụng công nghệ AI và Blockchain, một vấn đề đang được giới trẻ quan tâm vì những tác động mạnh mẽ của những công nghệ đột phá này vào mọi khía cạnh của cuộc sống.

    Cuộc thi khởi động từ ngày 5/8/2023, thu hút sự quan tâm của học sinh, sinh viên trong và ngoài nước, với 52 đội tham gia ở hai bảng: Bảng A dành cho học sinh THPT với 23 đội tham gia đến từ 29 trường THPT như THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình), THPT Phú Nhuận (TP HCM)… , Bảng B dành cho sinh viên đại học với 29 đội tham gia đến từ 36 trường đại học như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Sydney (Australia), ĐH Quốc gia Singapore (NUS), ĐH Kinh tế quốc dân...

    Sau Vòng sơ khảo, dựa trên các tiêu chí về tính sáng tạo về mặt ý tưởng, tính khả thi về mặt kỹ thuật và tiềm năng áp dụng vào thực tiễn, Ban giám khảo đã lựa chọn 12 đội (6 đội mỗi bảng) có đề án tốt nhất từ 52 đội tham gia để đi tiếp vào vòng thuyết trình online. Top 7 đội có thể hiện xuất sắc nhất trong vòng thuyết trình online (4 đội Bảng THPT và 3 đội Bảng Đại Học) đã ghi tên mình vào Vòng chung kết để tranh giải Nhất, Nhì, Ba với tổng giải thưởng trị giá gần 300 triệu đồng.

    Trải qua 2 phần thi (Thuyết trình và Tranh biện) với các màn thể hiện đầy sáng tạo, những phút tranh tài căng thẳng giữa các đội thi, Giải Nhất bảng A đã thuộc về đội AquaEmi đến từ Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp (tỉnh Quảng Bình) với Đề án “Giám sát và quản lý chất lượng nước thông qua trí tuệ nhân tạo và blockchain”. Theo đó, Dự án của AquaEmi sẽ triển khai một hệ thống giám sát, quản lý chất lượng nước dựa trên các công nghệ tiên tiến. Nếu có sự thay đổi đột ngột hoặc vượt qua ngưỡng an toàn, hệ thống có khả năng cảnh báo tức thời cho quản lý môi trường và những người có trách nhiệm. Ngoài ra, người dân có thể báo cáo các trường hợp ô nhiễm nước qua ứng dụng công nghệ.

    Giải Nhất bảng B thuộc về đội HVN đến từ Trường Đại học Ngoại thương với Đề án “Áp dụng Trí tuệ nhân tạo vào quy trình định giá bảo hiểm thông qua phương pháp định giá linh hoạt”. Giải Triển vọng dành cho đội thi THPT có ý tưởng hay nhất đã thuộc về đội thi SuDuCo đến từ Trường THPT Phú Nhuận với Đề án “Your trash on the go”. Tính ưu việt của Đề án là sử dụng trí tuệ nhân tạo AI giúp người dùng theo dõi việc thu gom rác và các robot thu gom rác thay cho con người.

    Theo Ban Tổ chức Cuộc thi, những đề án tham gia Cuộc thi năm nay đã đưa ra những ý tưởng, sản phẩm công nghệ hữu dụng về nhiều lĩnh vực như y tế, môi trường, tài chính, giáo dục, bảo hiểm... Các đề án có chiều sâu về chuyên môn, cho thấy các đội thi đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như liên hệ rất tốt với thực tiễn để mang tới những sản phẩm hữu dụng và đột phá.

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn