12/09/2023
Để phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng (SX-TD) bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần cho phát triển tăng trưởng xanh và BVMT.
Khuyến khích tái sử dụng
Thực hiện Quyết định, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch 103 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về SX-TD bền vững giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo Kế hoạch này, UBND tỉnh đã đề ra các mục tiêu cho giai đoạn 2022 - 2025: Giảm 5% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, nhất là trong lĩnh vực chế biến thủy sản (CBTS), nuôi tôm, sản xuất lúa gạo, năng lượng tái tạo và 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường, thay thế dần cho sản phẩm bao bì từ vật liệu nhựa dùng một lần khó phân hủy.
Đối với các chợ, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tạp hóa, khuyến khích sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường, thay thế dần cho sản phẩm bao bì từ vật liệu nhựa dùng một lần khó phân hủy; 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về SX-TD bền vững. Phổ biến KTTH cho 100% doanh nghiệp CBTS và sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị tuần hoàn (chất thải CBTS trở thành đầu vào phục vụ nuôi trồng). Đồng thời, xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững và khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện với môi trường được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại; phổ biến, hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách pháp luật về SX-TD bền vững, nhân rộng các mô hình sản xuất sạch hơn, các mô hình về SX-TD bền vững. Khuyến khích lồng ghép nội dung về SX-TD bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy tại các cấp đào tạo…
Riêng giai đoạn đến năm 2030, giảm 7% mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu của các ngành sản xuất chính như CBTS, nuôi tôm, chế biến lúa gạo và một số ngành sản xuất khác. Phấn đấu 100% siêu thị, trung tâm thương mại nâng cao trách nhiệm xã hội trong sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường…
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về SX-TD bền vững của tỉnh. Trong đó, tập trung vào nhiều giải pháp nâng cao nhận thức. Điển hình như, ngành Công thương đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về SX-TD bền vững, KTTH theo hướng chuỗi giá trị tuần hoàn, dán nhãn sản phẩm sinh thái, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các doanh nghiệp; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ kỹ thuật thực hành tốt về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, mô hình về cụm công nghiệp sinh thái bền vững cho các doanh nghiệp CBTS. Nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, thực hành tốt về phân phối xanh, bền vững và khuyến khích sử dụng nguyên, vật liệu, sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường…
Cùng với đó là tổ chức tập huấn hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, kinh doanh, thương mại và dịch vụ; xây dựng mạng lưới liên kết SX-TD bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Đặc biệt, đã xây dựng Đề án Xây dựng mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn, SX-TD bền vững trong CBTS để phổ biến nhân rộng trên địa bàn tỉnh; lập Đề án “Định hướng phát triển ngành CBTS theo hướng sản xuất bền vững”; Hỗ trợ xây dựng mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn, SX-TD bền vững để phổ biến nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, còn đẩy mạnh phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng như: tham gia, tổ chức hội chợ, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, sản phẩm an toàn của địa phương; hướng dẫn, phổ biến về tiêu dùng bền vững đối với các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường; phổ biến, hướng dẫn áp dụng các thực hành tốt về tiếp cận và phát triển thị trường bền vững; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được dán nhãn sinh thái trong các hội chợ đa ngành và chuyên ngành trong, ngoài tỉnh…
Để tiếp tục phát triển KTTH, thời gian tới, các ngành và địa phương sẽ tập trung thực hiện tốt các giải pháp: Xây dựng tài liệu, phổ biến chính sách, pháp luật, các mô hình, thực hành tốt về SX-TD bền vững (quản lý chất thải, dán nhãn sinh thái, vận tải bền vững, lối sống bền vững, bảo vệ môi trường…) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; hướng dẫn, cung cấp thông tin về nhãn sinh thái cho các doanh nghiệp, tổ chức và người tiêu dùng; tổ chức phổ biến, hướng dẫn giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng chất thải; sử dụng các nguyên vật liệu, sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường; hướng dẫn và nhân rộng các mô hình, thực hành tốt về phân phối xanh, bền vững.
Bên cạnh đó, thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm. Xây dựng mạng lưới liên kết SX-TD bền vững trong chuỗi theo các ngành; hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh áp dụng các giải pháp, phương thức nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng; tập huấn nâng cao nhận thức về lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cấp và các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nam Việt