12/07/2022
Nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn (KTTH) cho các cán bộ, công chức, viên chức các ở các cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, từ ngày 7 - 8/7/2022, tại Hà Nội, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo tập huấn "Áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam" dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Trong phiên họp ngày 7/7/2022, báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Ánh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM cho biết, Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022. Khía cạnh “kinh tế” trong KTTH được Đề án nêu rõ, KTTH là một mô hình tổ chức hoạt động kinh tế hiện đại có tính khép kín và liên hoàn của nhiều đơn vị sản xuất gắn kết với nhau trên nguyên tắc “mọi thứ đều là đầu vào của sản phẩm khác”, tận dụng hiệu quả dịch vụ kết nối (tài chính, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông), hướng tới liên kết sản xuất có tính tuần hoàn nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và tối ưu hóa giá trị gia tăng trên cơ sở giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất, hợp lý hóa quy trình đầu vào - đầu ra của các quy trình gắn với đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và thu nhập của người lao động, sản xuất và sử dụng hợp lý các dạng năng lượng tái tạo trong sản xuất và phục hồi tài nguyên có thể tái tạo được, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giảm phát thải và góp phần chống biến đổi khí hậu BVMT.
Đánh giá về thực trạng phát triển KTTH ở Việt Nam, ông Nguyễn Ánh Dương nhận định, tính đến năm 2021, Việt Nam chưa có mô hình KTTH một cách hoàn chỉnh và đầy đủ. Tuy nhiên, hiện đã có một số mô hình tiếp cận kiểu cũ của KTTH như mô hình vườn/ao/ chuồng... Trong lĩnh vực công nghiệp, các mô hình mới, hướng gần hơn đến KTTH như "khu công nghiệp sinh thái”, “sản xuất sạch hơn”, "không phát thải”, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất đã bắt đầu được triển khai…
Chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện KTTH, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh cho biết, KTTH đã có chủ trương của Đảng, thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Luật BVMT năm 2020. Trong quá trình thực hiện, KTTH ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nhìn nhận được những thuận lợi và khó khăn để có sự thay đổi phù hợp. Khi chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi các doanh nghiệp phải thiết kế lại hoạt động sản xuất kinh doanh từ khâu đầu vào nguyên liệu đến thu hồi tái sử dụng chất thải… Hiện nay chưa có lĩnh vực đào tạo thiết kế mô hình KTTH, nên doanh nghiệp cần có những chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực này.
Để đẩy mạnh phát triển KTTH, TS. Lại Văn Mạnh - Trưởng ban kinh tế TN&MT - Viện Chiến lược Chính sách TN&MT cho biết, Nhà nước đã ban hành các công cụ chính sách thúc đẩy áp dụng KTTH, được quy định tại các Điều 72/73/79 của Luật BVMT năm 2020. Theo đó, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT cũng quy định về KTTH: Sử dụng tiết kiệm và hợp lý tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên sinh học, tài nguyên biển và hải đảo, tài nguyên khí hậu (năng lượng mặt trời, năng lượng gió); kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường: giảm chất thải, chất ô nhiễm; giảm mức độ suy thoái của hệ sinh thái; giảm phát thải khí nhà kính; bảo tồn đa dạng sinh học.
Về lộ trình, trách nhiệm thực hiện KTTH, Bộ TN&MT đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trước 31/12/2023. Theo đó, Kế hoạch sẽ đánh giá hiện trạng, bối cảnh thực hiện KTTH, với các nội dung: Xác định mục tiêu; nhiệm vụ và phân kỳ thực hiện KTTH đối với các ngành, lĩnh vực; các loại hình dự án đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản phẩm phải thực hiện thiết kế để đạt được tiêu chí KTTH; định hướng các giải pháp thực hiện KTTH.
Tại phiên họp ngày 8/7/2022, các doanh nghiệp tham gia Hội thảo đề xuất, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu các quy định, chính sách của Nhà nước về KTTH để có kế hoạch triển khai phù hợp. Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của kinh doanh tuần hoàn; có quy định riêng về KTTH. Các Bộ, ngành và địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động thực hiện KTTH; lồng ghép các tiêu chí thực hiện cụ thể; tổ chức áp dụng thí điểm mô hình KTTH đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến thông tin, dữ liệu thực hiện KTTH và tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ TN&MT.
Để các chính sách về KTTH đi vào cuộc sống, CIEM hy vọng, Hội thảo sẽ truyền tải được hiệu quả nhất các quy định pháp luật, chương trình, kinh nghiệm quốc tế, cách thức áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn vào hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Châu Loan