Banner trang chủ

Dấu ấn về một nhiệm kỳ 2015 - 2020

20/01/2021

     Đại hội IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Cao Bằng tổ chức cuối tháng 12/2015 đã thông qua Nghị quyết tâp trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng động về bảo vệ TN&MT; vinh danh Cây Di sản Việt Nam; tư vấn, phản biện, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và BVMT, hướng đến phát triển bền vững của địa phương.

     Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, Hội đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ gắn với thực hiện các chương trình lớn của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, có thể nói là dấu mốc quan trọng trong hơn 20 năm năm kể từ thành lập đến nay.

     Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

     Nhận thấy công tác BVMT xuất phát từ nhận thức đến thay đổi ý thức, hành vi của con người, nhận thức đúng sẽ có ý thức và hành động đúng. Vì vậy, Hội bảo vệ TN&MT đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên và cộng đồng, trong đó, đối tượng tập trung vào lãnh đạo chủ chốt các xã, xóm, tổ dân phố, tổ chức đoàn thể thôn, bản. Địa bàn tổ chức là các xã, thị trấn có dân cư tập trung, giao lưu thương mại, du lịch, đặc biệt là những xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020 và có tuyến công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng đi qua, với nhiều nội dung phong phú, đa dạng như: Giới thiệu các văn bản phát luật về BVMT như Luật BVMT năm 2014, Luật Đa dạng sinh học; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2012 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; các văn bản của tỉnh về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM… Đồng thời, giới thiệu về môi trường văn hóa, lịch sử của từng địa phương để người dân có thêm kiến thức mới, từ đó có ý thức gìn giữ, bảo vệ, khai thác giá trị văn hóa lịch sử địa phương. Tại đây, nhiều mô hình, cách làm hay về BVMT cũng được đưa ra thảo luận, trao đổi, liên hệ thực tiễn với địa phương. Trong nhiệm kỳ 5 năm, Hội đã tổ chức 28 lớp tập huấn tại 25 xã/phường/thị trấn thuộc 12 huyện/thành phố; 23 xã đạt chuẩn NTM đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các chi hội cơ sở thuộc các tổ chức chính trị - xã hội như Tỉnh đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh… đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền về BVMT, xây dựng các mô hình Xanh - Sạch - Đẹp, tuyến đường tự quản, hỗ trợ di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường tại 25 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh.

     Thêm 6 cây và 2 quần thể Cây Di sản Việt Nam được công nhận

     Công tác Vinh danh Cây Di sản Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 có nhiều đổi mới về cách tổ chức thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực, tính lan tỏa cao trong cộng đồng. Trong 5 năm qua đã tổ chức vinh danh thêm 6 cây và 2 quần thể Cây Di sản Việt Nam, nâng tổng số Cây Di sản Việt Nam được công nhận lên 12 cây và 3 quần thể, đóng góp tích cực tham gia sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam phát động từ năm 2010 đến nay. Hầu hết các Cây Di sản Việt Nam được công nhận tại địa phương đều nằm trên các địa danh có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, có giá trị về du lịch, tạo sinh kế cho cộng đồng. Tiêu biểu như cây nghiến ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, nơi cội nguồn Cách mạng Việt Nam; cây sấu rừng Trần Hưng Đạo, gắn liền với sự kiện đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời; cây sấu ở xã Sóc Hà, biểu tượng cột mốc xanh biên giới Việt - Trung; cụm 3 cây (Gạo, Dã hương, Muỗm) tại Khu Di tích đền Kỳ Sầm tôn thêm vẻ tâm linh của ngôi đền gắn với tên tuổi vị anh hùng dân tộc có công lớn chống giặc phương Bắc. Cây Dẻ ở xóm bản Khấy, xã Chí Viễn; cây Sung (xóm Cọt Phó, xã Tổng Cọt); cây Đa (xóm Bản Nà, xã Thành Công); cây Gạo (xóm Lũng Luông, xã Hạnh Phúc); cây đa (thị trấn Thôn Nông; rừng nghiến (xóm Bó Dường, xã Vân Trình); cây nhội (xóm Hoài Khao, xã Quang Thành)… nằm trên tuyến công viên địa chất non nươc Cao Bằng, tạo thành tuyến du lịch liên vùng… Cây Di sản Việt Nam sẽ tạo thêm điểm đến tham quan du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước, con người của quê hương Cao Bằng với du khách trong và ngoài nước, góp phần tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương.

Vinh danh Cây Di sản tại tỉnh Cao Bằng năm 2018

     Điều đáng nói ở đây là công tác vinh danh Cây Di sản Việt Nam trong giai đoạn này đã được đổi mới, xã hội hóa về cách tổ chức. Việc phối hợp tổ chức Lễ công nhận giữa Hội với các địa phương trong thực hiện có tính khoa học cao. Lãnh đạo địa phương quyết tâm cao trong điều kiện tổ chức Lễ vinh danh Cây Di sản vừa chống dịch covid-19, vừa tiến hành Đại hội Đảng các cấp, huy động các nguồn lực tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân, được Lãnh đạo Trung ương Hội Việt Nam, Lãnh đạo Tỉnh đánh giá cao, bạn bè các tỉnh, nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.  

     Công tác vinh danh các tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong bảo vệ TN&MT tại địa phương

     Nhiệm kỳ 2015 - 2020, việc biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp lớn cho công tác bảo vệ TN&MT được quan tâm đặc biệt. Hội đã đề xuất và được UBND tỉnh tôn vinh, tặng Bằng khen cho 2 nhà khoa học là Lãnh đạo TW Hội Việt Nam: TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam và GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN vì đã có đóng xuất sắc trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu về đa dạng sinh học Phia Oắc, Phia Đén, huyện Nguyên Bình, tạo cơ sở lý luận và thực tiễn để nâng hạng từ rừng đặc dụng thành Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt (năm 2017); Hội Bảo vệ TN&MT được Bộ TN&MT tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam cho 1 tập thể (năm 2017) và 1 cá nhân (năm 2019); được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc (năm 2016) cùng nhiều bằng khen của Hội bảo vệ TN&MT Việt Nam, UBND tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2015 - 2020.

     Nhìn lại 5 năm một nhiệm kỳ 2015 - 2020, với những kết quả đạt được, Hội bảo vệ TN&MT tỉnh trân trọng biết ơn sự quan tâm lãnh đạo, tạo điêu kiện, giúp đỡ của TW Hội Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng, Sở TN&MT cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố đã đồng hành, phối hợp hiệu quả trong công tác bảo vệ TN&MT tại địa phương. Bên cạnh đó, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của Hội, trong đó, vai trò dẫn dắt, tập hợp, đoàn kết nội bộ, mở rộng quan hệ giao lưu, học hỏi, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trọng tham mưu và tầm nhìn của người đứng đầu giữ vai trò quyết định. Với tất cả sự khiêm tốn của mình, tự hào về những gì đã đạt được trong 5 năm qua, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với BVMT và phát triển bền vững. Đó thực sự là dấu ấn quan trọng để các nhiệm kỳ tiếp theo, Hội phấn đấu đạt những thành tích cao hơn, đóng góp tích cực hơn cho công tác BVTN&MT tại địa phương.

Nông Ích Thượng

Phó chủ tịch Hội bảo vệ TN&MT tỉnh Cao Bằng

Chí Viễn

 

Ý kiến của bạn