Banner trang chủ

Cộng đồng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

21/04/2023

    Trong khuôn khổ Dự án “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam” (3SIP2C), từ ngày 19 - 20/4/2023, tại huyện Cát Hải (Hải Phòng), Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Bà tổ chức Thảo luận nhóm cùng cộng đồng về hiện trạng sử dụng nhựa.

    Tham dự Thảo luận gồm các nhà nghiên cứu, cán bộ Vườn Quốc gia Cát Bà, đại diện cộng đồng dân cư 6 xã và thị trấn huyện Cát Hải tham gia hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, đại diện Ban Quản lý vịnh Cát Bà và Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Cát Hải – phụ trách thu gom rác trên biển và đảo.

Toàn cảnh buổi Thảo luận

    Tại các buổi Thảo luận, các nhóm đã tập trung trao đổi về rác thải nhựa và ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống hàng ngày của người dân; loại rác thải nhựa phổ biến tại nơi sinh sống; đường di chuyển của rác thải nhựa trong môi trường; giải pháp để cộng đồng giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường... Với không khí sôi nổi, các nhóm đã trao đổi và đóng góp nhiều ý kiến quý giá cho Dự án để hiểu hơn về nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ở cộng đồng ven biển Việt Nam.

Thảo luận nhóm

    Theo bà Lý Thị Dung – Phó Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Thị trấn Cát Bà, hàng năm, thị trấn đều có các hoạt động tuyên truyền, vận động về việc giảm thiểu sử dụng nhựa và đã có sự thay đổi rõ nét trong nhận thức, thói quen của cộng đồng. Theo đó, người dân đã dần thay đổi thói quen, “nói không” với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông trong cuộc sống thường ngày; sử dụng các loại sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

    Chia sẻ về các giải pháp ngăn chặn rác thải nhựa, TS. Vũ Kim Chi – Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cho rằng, để giảm thiểu phát thải rác thải nhựa, điều quan trọng là phải làm sao để tất cả các bên, bao gồm cả những người hoạch định chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng, đặc biệt là từ chính người dân và các em sinh viên, học sinh phải cùng chung tay thay đổi một cách có hệ thống từ nhận thức đến việc tiêu thụ các sản phẩm nhựa. Trong Dự án, nhóm nghiên cứu làm việc cùng với các đối tác quốc tế và địa phương để xác định các giải pháp hiệu quả, nâng cao nhận thức của cộng đồng ven biển nhằm giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa.

Thả dừa tại vịnh Lan Hạ

    Còn theo ông Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, các sản phẩm từ nhựa, ni lông ra đời mang lại những ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, ni lông đã và đang gây ô nhiễm môi trường. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu. Đồng thời, ông hy vọng, Dự án 3SIP2C sẽ góp phần làm rõ hơn về nguồn phát sinh rác thải nhựa đại dương và tác động của rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế - xã hội của các cộng động cư dân ven biển, chất lượng môi trường, sức khỏe của hệ sinh thái tự nhiên và sức khỏe con người, từ đó có những giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển tại Cát Bà nói riêng và Việt Nam nói chung.

Các chuyên gia giới thiệu hoạt động "Dừa nổi" và hỏi ý kiến người dân về rác thải nhựa

    Trước đó, trong khuôn khổ Dự án cũng đã diễn ra hoạt động Ra mắt mô hình 3D (sa bàn) khu vực quần đảo Cát Bà do các em học sinh Trường chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện và thả 52 quả dừa (do học sinh trường Tiểu học Việt Hải và Tiểu học & Trung học cơ sở Hà Sen vẽ) tại 2 vị trí thuộc khu vực vịnh Lan Hạ, gần xã Việt Hải, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng nhằm tìm hiểu cách dòng hải lưu và sóng di chuyển các hạt vật chất, dự đoán di chuyển của nhựa xung quanh đảo Cát Bà.

    Dự án 3SIP2C do Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCRF) tài trợ thông qua Hội đồng nghiên cứu Môi trường tự nhiên (NERC) thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo - Vương quốc Anh (UKRI), được thực hiện bởi Đại học Heriot-Watt (Vương quốc Anh) và các đối tác tại Việt Nam, bao gồm: Trường Đại học Phenikaa (Đơn vị đầu mối); Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nộị); Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản; Viện Kinh tế Quy hoạch Thủy sản; Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường. Mục tiêu của Dự án là nâng cao hiểu biết về các nguồn phát thải, đường di chuyển và nơi tích tụ của rác thải nhựa (mảnh nhựa lớn và vi nhựa) ở các con sông và bờ biển của Việt Nam. Dự án 3SIP2C điều tra nguồn gốc, con đường và đích đến của nhựa ở vùng ven biển Việt Nam, với 5 lĩnh vực chủ yếu (đường đi, kinh tế, sức khỏe, chính sách, cộng đồng) để liên kết với nhau nhằm giải quyết thách thức về nhựa từ nhiều góc độ.

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn