21/12/2021
Ngày 17/12/2021, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) và Mạng lưới Một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam - Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển Bền vững (VOHUN), Công ty TNHH Tích hợp Hệ thống quản lý quốc tế (Gimasys) tổ chức Lễ Công bố thành lập Đối tác hành động về nhựa và sức khỏe (PHA).
Lễ Công bố được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế, các tổ chức NGOs, các doanh nghiệp tư nhân, Viện nghiên cứu... Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương (LSPP) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng ISPONRE phát biểu tại Lễ Công bố
Tại Việt Nam, ước tính khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi năm, trong đó, tỷ lệ nhựa chiếm từ 10 - 20% (khoảng 2,5 - 5 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh mỗi năm). Tỷ lệ rác nhựa và túi ni lông dùng 1 lần ở các đô thị Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng; chiếm từ 10 đến 20% chất thải rắn sinh hoạt. Tại Hà Nội, tỷ lệ chất thải nhựa chiếm khoảng 12-18%, trong đó riêng các loại túi ni lông chiếm tỷ lệ 10-15%.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường và quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa. Theo đó, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, như: Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Phát biểu tại Lễ Công bố, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng ISPONRE cho biết, giải quyết ô nhiễm nhựa đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan, các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các NGOs, các Viện nghiên cứu, trường đại học và đặc biệt là các doanh nghiệp. Việc thành lập PHA là cơ hội để huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan nhằm giảm tác động của chất thải nhựa đến sức khỏe con người.
PHA được thành lập với mục tiêu tăng cường kết nối với các đối tác và sáng kiến liên quan, huy động nguồn lực, hành động tập thể để giải quyết các vấn đề về chất thải nhựa và sức khỏe. Đến nay, PHA đã nhận được sự ủng hộ và cam kết tham gia, đồng hành của 18 tổ chức, đơn vị tại Việt Nam, trong đó có Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP), Liên minh Không rác thải Việt Nam (VZWA), VOHUN... Trong thời gian tới, PHA sẽ hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện các hoạt động về vận động chính sách liên quan đến rác thải nhựa và sức khỏe, xây dựng và vận hành cổng thông tin dữ liệu, thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa nhựa và sức khỏe và triển khai các mô hình thí điểm nhằm giảm ô nhiễm nhựa tại một số địa phương trong cả nước.
Sau Lễ Công bố, đã diễn ra phần tọa đàm về nhựa và sức khỏe, các đại biểu đã cùng trao đổi về các nội dung: Kiến thức, dữ liệu, bằng chứng về mối liên hệ giữa sức khỏe và nhựa; Một số những chính sách về quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam; hợp tác để giải quyết các vấn đề về sức khỏe liên quan đến nhựa.
Châu Loan