20/10/2020
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và 5 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, công tác xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã đạt nhiều kết quả nổi bật.
Bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi
Xác định phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân phải đi đôi với BVMT, ngày 26/4/2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”. Để thực hiện hiệu quả Chương trình, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban; thành lập các đoàn kiểm tra, làm việc trực tiếp với các huyện, thị xã và sở, ngành liên quan; tổ chức họp giao ban định kỳ (quý/lần) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình đề ra. UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 6/10/2016, chỉ đạo các cấp, ngành, tạo điều kiện để các địa phương thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Các Sở, ban, ngành TP theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã ban hành các văn bản hướng dẫn cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng cơ bản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn công tác quy hoạch NTM, dồn điền, đổi thửa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thiết kế điển hình về giao thông, thủy lợi, nội đồng, chấm điểm các tiêu chí đạt chuẩn NTM… tạo điều kiện cho các huyện, xã triển khai thực hiện ở cơ sở.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU Ngô Thị Thanh Hằng
kiểm tra mô hình trồng khoai tây vụ Xuân, tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất
Từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6/2020, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình là 56.512,8 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 58 tỷ đồng; ngân sách Thành phố 20.911,2 tỷ đồng; ngân sách huyện là 29.275,45 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 4.812,6 tỷ đồng; đóng góp của nhân dân (bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất làm các công trình công cộng...) là 1.976,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Thành phố đã bố trí 1.000 tỷ đồng ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Qua đánh giá, Hà Nội hiện có 355/382 xã (chiếm 92,9%) được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, 13 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến cuối năm 2020, dự kiến có 368/382 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 96,3%), 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 -18 tiêu chí; 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí. Bình quân số tiêu chí/xã đạt 18,82 tiêu chí. Với sự nỗ lực của các cấp, đến nay, Thành phố có 7 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, thị xã Sơn Tây. Các huyện Thạch Thất, Thường Tín, Phúc Thọ, Sóc Sơn đã trình Hội đồng thẩm định Trung ương, trong đó, huyện Thạch Thất, Thường Tín được Đoàn Thẩm định Trung ương tiến hành thẩm định đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Huyện Thanh Oai được Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia TP. Hà Nội bỏ phiếu đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Các huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên đã được Đoàn Thẩm tra Thành phố thẩm tra đủ điều kiện và đang hoàn thiện hồ sơ trình Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia TP. Hà Nội bỏ phiếu xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số xã NTM
Xác định cốt lõi của xây dựng NTM là phải hướng tới nâng cao đời sống cho người nông dân. Đây được xem là kim chỉ nam trong định hướng tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy trong giai đoạn 2021 - 2025. Để đạt được các mục tiêu về giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người nông dân trong năm 2020 và những năm tiếp theo, thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề; Tích cực, chủ động trong chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Trung ương và Hà Nội. Hỗ trợ, hướng dẫn người nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập… Cùng với phát triển nông nghiệp, các địa phương chú trọng mở rộng sản xuất trong các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn; Thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững.
Chú trọng giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề trong xây dựng NTM
Theo kết quả phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề (trong tổng số 1.350 làng nghề, làng có nghề của Thành phố) giai đoạn 2017 - 2020 do Sở NN&PTNT Hà Nội tiến hành, Thành phố hiện có tới 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (ÔNNT), (chiếm 47,6%); 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%); 58 làng nghề không ô nhiễm (chiếm 19,9%); tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom, xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%... Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu nước, không khí, đất tại 228 làng nghề vừa được Sở TN&MT Hà Nội công bố cho thấy: Về môi trường nước có 99 làng nghề ÔNNT, 78 làng nghề ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ÔNNT, 10 làng nghề ô nhiễm; môi trường đất có 6 làng nghề ÔNNT... Tuy nhiên, hiện chỉ một số ít làng nghề trong cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, còn lại phần lớn các làng nghề sản xuất trong khu dân cư đều xả thẳng ra môi trường. Bên cạnh đó, chất thải rắn tại một số làng nghề chưa được phân loại để tái sử dụng mà vận chuyển về bãi rác, đặc biệt, vẫn còn hiện tượng người dân làng nghề đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ rác thải, gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT).
Chất lượng môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện
Nhằm tạo chuyển biến căn bản về môi trường tại các làng nghề, gắn với xây dựng NTM, TP. Hà Nội luôn chú trọng thực hiện các giải pháp mang tính tổng thể và căn cơ, từ cơ chế, chính sách của Nhà nước, sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và sự chung sức của người dân. Cụ thể, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu xử lý nước thải làng nghề tập trung; kiểm tra, rà soát, nâng cấp các hệ thống xử lý môi trường cũ, không đáp ứng yêu cầu; lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi về chất lượng môi trường tại các cụm công nghiệp; đưa công nghệ mới vào xử lý chất thải rắn và nước thải của các làng nghề... Đồng thời, giao Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đối với làng nghề để giảm chất thải gây ÔNMT từ đầu nguồn sản xuất. Kết quả triển khai sẽ là cơ sở để Hà Nội thực hiện mục tiêu cải thiện ÔNMT gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trong giai đoạn 2021 - 2025”.
Trên thực tế, mỗi làng nghề đều có cách “giải bài toán” ÔNMT riêng, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Tại huyện Phúc Thọ, chính quyền đã “khâu nối” các doanh nghiệp và hộ sản xuất tại các làng nghề để thu gom rác thải theo hướng “hai bên cùng có lợi”. Cụ thể, doanh nghiệp đã thu mua mùn cưa tại xã có nghề mộc như: Hát Môn, Long Xuyên; thu mua vải vụn tại làng nghề may xã Tam Hiệp... nên hạn chế được tình trạng người dân đốt, đổ trộm phế thải nơi công cộng... Với làng nghề thu mua đồng nát xã Võng Xuyên, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động người dân không mua, bán, vứt phế liệu ra môi trường.
Làng nghề thêu Quất Động (huyện Thường Tín) luôn tuân thủ các quy định về BVMT
Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế gắn với BVMT, UBND huyện Thường Tín cũng đã xây dựng, thực hiện phương án, kế hoạch BVMT tại các làng nghề; có kế hoạch xử lý, giảm thiểu rác thải nhựa; yêu cầu 100% doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện cam kết BVMT; xây dựng vận hành 7 trạm xử lý nước thải tập trung tại 5/6 cụm công nghiệp, 2 bệnh viện... Đặc biệt, ngày 8/3/2019, Huyện uỷ Thường Tín đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp đảng uỷ đối với công tác BVMT trên địa bàn huyện giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo. UNND huyện đã ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện đồng bộ, tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, tuyên truyền, vận động toàn dân chung sức BVMT; tổ chức quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, địa điểm tập kết, trung chuyển rác, chất thải tại các xã, thị trấn, bãi chứa, xử lý chất thải xây dựng, xây dựng hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2020; xây dựng kế hoạch thực hiện phương án BVMT đối với 49 làng nghề, tổ chức cho các cơ sở sản xuất kinh doanh ký cam kết BVMT; kiểm tra, đôn đốc UNBD 14 xã có làng nghề xử lý cơ bản tình trạng đốt rác thải làng nghề; chỉ đạo 16 xã phối hợp với đơn vị dịch vụ môi trường xử lý, giải toả rác thải tập kết trái phép và tiến hành thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế hàng ngày, phấn đấu đạt tỷ lệ 100%. Đến nay, trên địa bàn huyện có 28/28 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có xã Hồng Vân đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với tiêu chí huyện NTM, huyện đã đạt 9/9 tiêu chí và được Đoàn kiểm tra của Thành phố về thẩm tra, đánh giá huyện đạt 98 điểm, đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương xem xét, thẩm định.
Với quyết tâm cao của Thành phố cùng những giải pháp căn cơ, đặc biệt là định hướng cải thiện ÔNMT gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trong giai đoạn 2021 - 2025, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương; sự chung sức của người dân, các doanh nghiệp, tin chắc rằng, Hà Nội sẽ tạo được bước chuyển mới trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Bùi Hằng
(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng điều phối nông thôn mới Thành phố Hà Nội)