20/04/2023
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân, trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh luôn vượt chỉ tiêu về trồng và phát triển rừng. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được gần 28.600 ha rừng tập trung; khoanh nuôi, xúc tiến, tái sinh 5.722 ha; làm giàu rừng tự nhiên 3.440 ha; trồng cây phân tán hơn 10.650.000 cây. Nhiều cánh rừng bị cháy, nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc đã được phủ xanh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các tổ chức, cá nhân hiện nay không chỉ là trồng mà phải có phương án bảo vệ, phát triển rừng, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại.
Cùng chung tay nhân rộng màu xanh cho rừng
Tại nhiều khu vực thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Ngàn Phố cũng đã từng chịu thiệt hại nặng nề do cháy rừng và nạn phá rừng bừa bãi, điều đó đặt ra trách nhiệm trồng mới, khoanh nuôi, tái sinh và bảo vệ phải được thực hiện một cách thường xuyên. Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Ngàn Phố hiện đang quản lý, bảo vệ trên 25.000 ha, ngoài việc thực hiện các chương trình, dự án, đơn vị đã phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân tiến hành trồng cây, gây rừng theo hình thức xã hội hóa. Mới đây nhất, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT tổ chức trồng hơn 3 ha rừng tại xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, đáp ứng được sự mong mỏi của người dân đại phương. Đây là hoạt động thuộc Chương trình "Sống khỏe, góp xanh cùng Panasonic", nhằm mục đích nâng cao ý thức bảo vệ rừng, lan tỏa lối sống xanh, khỏe mạnh tới đông đảo người dân Việt Nam nói chung, người dân Hà Tĩnh nói riêng, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, hiện thực hóa sứ mệnh đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước.
Và thể hiện cam kết sẽ quản lý, chăm sóc cây sinh trưởng, phát triển tốt
Ông Nguyễn Hữu An, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Ngàn Phố cho biết, với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên 25.000 ha, rừng phòng hộ Sông Ngàn Phố còn có chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, tạo môi trường sống cho nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Để Chương trình đạt hiệu quả cao, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Ngàn Phố định hướng chọn những loài cây trồng phù hợp, đặc biệt là lựa chọn các loài bản địa. Các loại cây trong danh sách trồng được chọn lọc kỹ lưỡng theo hệ tiêu chuẩn khoa học, nhằm tối ưu khả năng hấp thụ CO2 của cây.
Xuyên suốt Chiến dịch trồng cây, do vị trí trồng xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn, vì vậy, tranh thủ khi thời tiết thuận lợi, với lực lượng nòng cốt tham gia là Đoàn Thanh niên đã tích cực triển khai thực hiện. Sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên góp phần trồng thêm 6.000 cây xanh, phủ xanh đồi núi trọc, từ đó lan tỏa thông điệp “Sống khỏe góp xanh” đến cộng đồng, góp phần giảm lượng phát thải CO2, BVMT và Trái đất, đồng thời ruyền cảm hứng về lối sống khỏe mạnh toàn diện và trách nhiệm với môi trường tới đông đảo người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam.
Phương Linh