03/01/2023
Nhận thấy tiềm năng phát triển của xã hội từ cung cấp cây cảnh, cây bóng mát cho các hộ gia đình, trường học, cơ quan, đơn vị, đồng thời, mong muốn góp phần cải thiện chất lượng môi trường tại địa phương, đầu năm 2015, bà Nguyễn Thị Mai - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Mai Phúc Xanh - Hội viên nông dân thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã quyết định xin nghỉ việc giáo viên mầm non, về nhà thuê đất trồng cây công trình, cây dự án. Nhờ năng động, “dám nghĩ, dám làm”, bà đã gặt hái thành công từ mô hình ươm cây giống và trồng cây bóng mát, đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm. Phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Mai xoay quanh nội dung này.
PV: Cơ duyên nào khiến bà từ bỏ công việc của một giáo viên mầm non sang ươm mầm cây xanh?
Bà Nguyễn Thị Mai: Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề ươm cây giống, từ nhỏ, tôi đã có niềm đam mê đặc biệt với cây cối, cỏ hoa. Năm 2011, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, tôi về địa phương giảng dạy tại một trường mầm non. Đây cũng là thời điểm tôi nhận thấy nhu cầu, tầm quan trọng của cây cảnh, cây bóng mát cho các gia đình cũng như trường học, cơ quan, đơn vị trồng tại khuôn viên, vỉa hè, công trình công cộng, dự án trong và ngoài tỉnh là khá lớn nên đầu năm 2015, tôi quyết định xin nghỉ việc, về nhà cùng chồng cải tại vườn, ruộng của gia đình và thuê thêm đất ruộng của những hộ dân trong thôn để ươm, trồng các loại cây xanh, cây bóng mát.
PV: Mạnh dạn rẽ ngang sang một con đường mới, bà gặp phải khó khăn, thách thức gì và bà đã giải quyết như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Mai: Những ngày đầu bắt tay thực hiện mô hình, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thiếu vốn, diện tích đất và nguồn nước... Với diện tích đất ruộng của gia đình khoảng vài sào và thuê thêm một số ruộng của bà con trong thôn, gia đình tôi trồng bằng lăng, phượng. Thời điểm ấy, cỏ mọc tràn lan, xen kẽ giữa trồng lúa, trồng màu với cây lâu năm, cộng thêm nguồn nước tưới ở xa nên cây giống sinh trưởng chậm, một vài loài bị chết đứng. Vừa làm tôi vừa lo mất trắng.
Bà Nguyễn Thị Mai nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh năm 2021
Thất bại, nhưng không bỏ cuộc, tôi đến từng hộ trong thôn vận động bà con cho thuê hoặc chung ruộng trồng cây, hứa bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Bên cạnh đó, tôi tìm đến các mô hình tương tự trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây xanh, từ ươm, tưới nước, bón phân, đến phun thuốc trừ sâu, làm sao đảm bảo đúng độ tuổi, không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Khi cây có biểu hiện sâu bệnh hại, tôi tự mua thuốc về để phun, kịp thời tránh lây lan cho những loài xung quanh. Đồng thời, tôi tính toán trồng cây vào thời điểm sau khi trời mưa vài ngày để giúp cây ổn định bộ rễ, bởi lúc đó cây rất khỏe, ra rễ non, phát triển nhanh không cần phải tưới nước. Mặt khác, tôi mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư hàng tỷ đồng để trang bị máy móc như hệ thống bơm tưới, xe nâng, xe vận chuyển... Nhờ có biện pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả, những khó khăn trên đã được giải quyết.
PV: Vượt qua những chông gai, trở ngại trong hành trình lập nghiệp tại quê hương, trái ngọt mà bà nhận được là gì?
Bà Nguyễn Thị Mai: Sau 2 năm nỗ lực, từ hơn 1 sào ban đầu, vợ chồng tôi đã mở rộng quy mô sản xuất của gia đình và vận động bà con cùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để cung ứng nguồn cây xanh cho các tỉnh từ Hà Tỉnh trở ra. Đến nay gia đình tôi đã có quy mô sản xuất, ươm trồng 10,2 ha, bà con nhân dân cũng mở rộng quy mô lên đến hơn 70 ha với nguồn cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm chủ yếu do gia đình tôi đảm nhiệm. Những gia đình thuộc hộ khó khăn, tôi giúp đỡ thêm bằng cách cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, nhờ vậy các hộ dân hoàn toàn yên tâm sản xuất, diện tích trồng cây công trình, cây dự án phát triển rộng khắp trên toàn xã Hoàng Vân, riêng 2 thôn Vạn Thạch và Vân Xuyên có 100% số hộ theo mô hình này. Đặc biệt, với hai giống cây chủ đạo ban đầu là bằng lăng, phượng, giờ đây trong các khu vườn của gia đình tôi đã có hơn 30 loại cây, gồm vú sữa, muồng Hoàng Yến, sưa đỏ, phượng, thông, sấu, sao đen, long não, hoa ban Tây Bắc trắng, hoa ban Tây Bắc hồng, bàng Đài Loan, vàng anh, sưa, muồng hoàng yến, chuông vàng... Trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường 1 vạn cây, vào mùa xuân có thể lên tới vài vạn, ngoài ra, nhiều thương lái, các cơ quan, đơn vị, trường học trong và ngoài tỉnh cũng tìm đến gia đình tôi để mua cây giống, cây xanh về trồng tại khuôn viên, vỉa hè, công trình công cộng.
Thị trường tiêu thụ mở rộng, tôi tiếp tục thuê đất ở các tỉnh khác để thuận tiện cho việc cung cấp, trồng cây. Ngoài 10,2 ha tại huyện Hiệp Hòa, tôi thuê hơn 20 ha đất ở các tỉnh khác; bao tiêu đầu ra cho khoảng 50 ha cây giống của nhân dân trong và ngoài xã. Cùng với đó, tôi tăng cường phổ biến, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất cho bà con; tạo điều kiện cho hàng chục hộ nghèo, hộ khó khăn được mua cây giống, phân bón trả chậm... Năm 2021, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 3,5 tỷ đồng. Đồng thời, tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương, 50 lao động thời vụ, mức lương bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Đầu năm 2022, tôi thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mai Phúc Xanh, với 9 thành viên, do tôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Những thành viên HTX thuộc diện khó khăn, tôi sẽ tạo điều kiện cung cấp cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, nhận bao tiêu sản phẩm. Tới đây, tôi dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô vườn ươm ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, đưa thêm một số giống cây mới từ nước ngoài vào ươm, trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bà Nguyễn Thị Mai đang chăm sóc cây giống trong vườn của gia đình
Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất đối với tôi chính là, những nỗ lực, cố gắng, phấn đấu của bản thân, gia đình đã được chính quyền địa phương cũng như các hội đoàn thể ghi nhận, tạo điều kiện phát triển. Mô hình ươm cây xanh, cây bóng mát của gia đình tôi đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang. Năm 2021, cá nhân tôi được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng khen do đã đạt Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI - Phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh dành cho Nhà nông trẻ tiêu biểu, xuất sắc. Tiếp đó, ngày 13/9/2022, tôi tiếp tục được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2022”. Tôi cũng vinh hạnh được bình chọn là một trong số 100 đại biểu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.
PV: Bà có thể chia sẻ đôi điều về kế hoạch phát triển trong tương lai để ngày càng tạo thêm nhiều hơn nữa những “lá phổi xanh” cho quê hương?
Bà Nguyễn Thị Mai: Trải qua nhiều khó khăn, trở ngại, để đạt được thành quả như ngày hôm nay, tôi vẫn luôn không ngừng nỗ lực và hy vọng mô hình ươm, trồng cây xanh của gia đình mình sẽ tiếp tục phát triển, nhân rộng ra nhiều nơi, vừa góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, làm giàu cho quê hương, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, vừa làm đẹp cảnh quan môi trường, vừa tạo nên những “lá phổi xanh” tại các khu dân cư, khu đô thị ở các địa phương.
Riêng với Hoàng Vân là một xã thuần nông, trước đây theo truyền thống trồng các loại cây chủ đạo là lúa, khoai lang, lạc, đậu… Khi tôi xây dựng mô hình ươm cây, con giống quy mô hộ gia đình, sau đó là một nhóm hộ xung quanh gia đình rồi lan tỏa đến thôn và cho đến ngày nay thì trên phạm vi toàn xã. Do mô hình mang lại hiệu quả nên Nghị quyết Đảng bộ xã Hoàng Vân lần thứ 24 đã nêu rõ quyết tâm mở rộng diện tích cây, con giống quy mô lớn hơn, phấn đấu đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích trong toàn xã lên 35 ha.
Tuy nhiên, thời gian trước, một phần do diện tích ruộng bị thu hẹp, việc trồng cây cho thu nhập cao nên bà con không tiếp tục cho thuê hoặc bán đất nên tôi đẩy mạnh phát triển ở Hà Nội (khoảng 15 - 20 ha). Song hiện tại, khi thị trường ở Hà Nội đã ổn định, tôi lại muốn quay về đẩy mạnh phát triển kinh tế và tạo thêm nhiều lá phổi xanh tại quê hương. Tôi đang phát triển rất nhiều ha ở huyện Hiệp Hòa, đặc biệt là 3 ha ở hạ huyện giáp với Bắc Ninh, trồng hồi tháng 3/2022. Tương lai, tôi mong muốn trung bình mỗi năm phát triển khoảng 3 ha và trong vòng 10 năm có ít nhất khoảng 30 - 50 ha ở huyện Hiệp Hòa, đồng thời là địa điểm tiên phong, dẫn đầu các giống cây mới.
Thu Hằng (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2022)