17/03/2021
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tổ chức Phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng nhằm triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay dịp Tết Tân Sửu năm 2021, với mục tiêu đặt ra là cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Đặng Văn Hà - Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam xung quanh vấn đề này.
PGS. TS Đặng Văn Hà - Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam
PV: PGS. TS có ý kiến gì về Phong trào “Tết trồng cây” trong những năm gần đây?
PGS. TS Đặng Văn Hà: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gia tăng, việc trồng cây xanh không chỉ trở thành một nét đẹp truyền thống trong văn hóa Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc "Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân"...
Hơn 60 năm qua, lời phát động "Tết trồng cây" của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị và đi vào nếp sống thường nhật của nhân dân, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống. Từ đó đến nay, hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, trong không khí rộn ràng của những ngày đầu năm mới, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc lại tổ chức "Tết trồng cây". Ðây là một phong trào đầy ý nghĩa được nhân dân cả nước đồng lòng hưởng ứng và trở thành một phong tục tốt đẹp, một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa của dân tộc ta. "Tết trồng cây" không chỉ đơn thuần để có thêm cây xanh, phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải tạo môi trường sống của con người… mà "Tết trồng cây" còn góp phần giáo dục cho mỗi người, nhất là lớp trẻ lòng yêu quý, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái nói chung và cây xanh nói riêng, nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân đối với cộng đồng. Tiếp tục phát huy truyền thống đó, công tác trồng cây luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân ra sức hưởng ứng bằng hiều hoạt động cụ thể và gần đây nhất Chính phủ đã có chủ trương trồng mới 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025. Riêng năm 2021, theo kế hoạch cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh; trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020.
Nhưng thực tế cho thấy, những năm qua, việc tổ chức "Tết trồng cây" ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tránh khỏi tính hình thức, chưa chú trọng lựa chọn cây trồng phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu và dân cư từng vùng. Mặt khác, trồng cây chưa gắn với chăm sóc, bảo vệ cây cho nên ở một số nơi, tỷ lệ cây trồng sống đạt thấp, sau mỗi dịp phát động Tết trồng cây chưa có hoạt động kiểm tra, đánh giá hiệu quả đạt được.
PV: Theo PGS. TS, thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây” cũng như trồng những loại cây gì để phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng vùng sinh thái nhằm đảm bảo cây sau khi trồng đạt tỷ lệ sống cao?
PGS. TS Đặng Văn Hà: Chọn thời điểm mùa vụ rất quan trọng đối với công tác trồng cây, với điều kiện khí hậu như ở nước ta, tốt nhất là vào thời điểm mùa Xuân, các tỉnh phía Nam có thể trồng vào đầu mùa mưa. Việc phát động Tết trồng cây vào mùa xuân không những đạt tỷ lệ sống cao mà còn thêm ý nghĩa là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm. Để cây đạt tỷ lệ sống cao sau khi trồng, mỗi vùng sinh thái nên có kế hoạch chuẩn bị về nguồn giống, tốt nhất là chọn các giống cây bản địa, phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của từng vùng.
Chẳng hạn như trên đất khô hạn ven biển miền Trung, nên trồng một số cây lâm nghiệp đa tác dụng gồm: dầu lai, dầu mè, cọc rào, diezen, chà là ăn trái, trôm lấy nhựa, cây xoan chịu hạn có thể chịu khô hạn, vừa có tác dụng phòng hộ vừa cho gỗ củi, đồng thời cho trái cây, nhựa cây làm thực phẩm, thuốc trừ sâu sinh học, nhiên liệu sinh học. Trồng vào mùa mưa, với lượng mưa đủ lớn đảm bảo độ ẩm của đất. Mật độ, khoảng cách cây trồng: Tuỳ theo loài cây và mục đích trồng mà xác định mật độ và khoảng cách trồng cây phù hợp. Với các loài cây trồng phòng hộ để chắn gió, che phủ đất có thể trồng dày (1m x 0,5m), (1m x 1m), (2m x 1m); Cây trồng lấy gỗ: 3m x 2m; Cây ăn quả: (5m x 4m), (5m x 5m), (6m x 5m). Kích thước luống: Thường rộng 1 - 1,2m và dài 5 - 10m. Kích thước hố: Cây ăn quả (60 - 80cm), cây lâm nghiệp (30 - 40cm). Riêng cây trồng ở nơi có tầng cát dày cần đào hố sâu 80 - 100 cm (phi lao trồng ở cồn cát). Đặc biệt, nên đào hố trước 1 - 2 tuần. Khi đào hố để riêng lớp đất mặt, nếu có điều kiện nên trộn phân bón lót với đất. Xé bỏ túi bầu, không làm vỡ bầu cây, đặt cây thẳng và lấp dần từng lớp, cuối cùng dùng chân dẫm chặt đất quanh gốc cây. Nên tưới ngay sau khi trồng cây.
PV: Sau khi trồng, việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây và rừng cũng rất quan trọng, vậy chúng ta nên làm như thế nào để đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt?
PGS. TS Đặng Văn Hà: Với những diện tích đất lâm nghiệp dưới 3.000 m2 và những diện tích đất trống nhỏ lẻ của các công trình công cộng như: Khuôn viên nhà trường; nhà Văn hóa thôn; nghĩa trang, đình chùa nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng… được đưa vào tiêu chí quy hoạch cho nhân dân đăng ký trồng cây lâm nghiệp phân tán.
Đối với cây trồng phân tán nên chọn những cây có kích thước to hơn so với những cây trồng thành rừng. Cây trồng phân tán chiều cao cây khi đưa trồng nên từ 1,8 - 2,5m, còn cây trồng thành rừng chiều cao nên từ 0,6 - 1,0m, với chiều cao này sẽ hạn chế được sự xâm lấn của cỏ dại giai đoạn đầu. Việc bảo vệ, chăm sóc, quản lý những cây trồng phân tán cần được quan tâm hơn vì dễ bị tác động của gia súc cũng như tác động của con người. Cây trồng phân tán nên có cọc chống để cây đứng vững, tưới nước định kỳ giai đoạn đầu và khuyến khích các tổ chức Đoàn, Hội… tại địa phương tham gia quản lý và chăm sóc cây.
Các đại biểu trồng cây tại Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi 2019 của trường Đại học Lâm nghiệp
PV: Nhằm đạt mục tiêu cả nước trồng mới 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025, các Bộ, ngành và địa phương cần triển khai những hoạt động gì, thưa PGS. TS?
PGS. TS Đặng Văn Hà: Nước ta vừa bước qua một năm đầy khó khăn không chỉ bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mà còn do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Những hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường diễn ra với tần suất cao và ngày càng khốc liệt hơn. Do vậy, để việc tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" thiết thực, hiệu quả, góp phần BVMT sinh thái, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của "Tết trồng cây", nhất là cần thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào "Tết trồng cây" và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.
Chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 được nhân dân đánh giá cao, tuy nhiên, việc khó khăn ở đây là chuẩn bị nguồn cây giống thế nào, tiêu chuẩn cây giống ra sao, mỗi vùng sinh thái nên chọn trồng những loài cây gì cho phù hợp là điều rất quan trọng. Vì thế, để thực hiện hiệu quả chủ trương này các Bộ, ngành và địa phương cần sớm có kế hoạch tổng thể từ quy hoạch trồng cây cho đến chuẩn bị nguồn giống đủ chất lượng và phổ biến kỹ thuật về công tác trồng và chăm sóc cây. Đặc biệt, nên thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” gắn với phát triển đô thị.
Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích các cấp, ngành và người dân tích cực tham gia. Bên cạnh đó, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể trồng cây gì, nguồn cây giống thế nào, trồng ở đâu? coi trọng chất lượng, trồng cây nào chắc cây ấy. Sau khi thực hiện "Tết trồng cây", các địa phương, đơn vị cần tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm cho những dịp tết trồng cây tiếp theo; cũng cần có những biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt.
PV: Trân trọng cảm ơn PGS. TS!
Hồng Nhung
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2021)