21/06/2023
Vừa qua, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã chính thức khởi động Chiến dịch truyền thông giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã (ĐVHD) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các nguy cơ liên quan tới nạn tiêu thụ thịt ĐVHD. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường đã có dịp phỏng vấn bà Nguyễn Thúy Hằng - Trưởng Hợp phần Giảm cầu tiêu thụ ĐVHD của WWF tại Việt Nam.
Xin bà cho biết, Chiến dịch “Thịt rừng kề miệng, nguy cơ chực chờ” có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Nhu cầu tiêu thụ thịt rừng và các sản phẩm từ ĐVHD thường có xu hướng gia tăng trong các dịp lễ quan trọng trong năm, đặc biệt là vào Tết Nguyên đán. Chiến dịch truyền thông của WWF được thực hiện vào thời điểm trước và xuyên suốt dịp Tết, hướng tới người tiêu dùng và công chúng. Chiến dịch chỉ ra các nguy cơ cận kề khi ăn thịt rừng, qua đó, mong muốn giảm nhu cầu tiêu dùng thịt rừng, đồng thời kêu gọi công chúng không tham gia vào mua bán và tiêu thụ thịt rừng trái phép dưới bất kỳ hình thức nào.
Các thông điệp của Chiến dịch tiếp cận người tiêu dùng và công chúng qua nhiều kênh, với nhiều hình thức khác nhau, và tập trung nhấn mạnh hành vi ăn thịt thú rừng trái phép sẽ đối mặt với nguy cơ về pháp lý; nguy cơ tiềm ẩn tới sức khỏe và lây lan mầm bệnh giữa ĐVHD, vật nuôi và con người; nguy cơ về sự suy giảm quần thể ĐVHD trong thiên nhiên, ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái, môi trường sống của ĐVHD và con người. Chiến dịch cũng góp phần vào những nỗ lực ngăn chặn và xử lý các vụ buôn bán ĐVHD mà các các cơ quan chính phủ đang thực hiện.
Chiến dịch nằm trong Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ và WWF thực hiện với mục tiêu giảm cầu tiêu thụ thịt ĐVHD thông qua thay đổi hành vi và quan niệm xã hội về thịt thú rừng như tê tê, chồn và các loài khác. Đây là một trong bốn chiến lược chủ chốt nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên. Để đạt được mục tiêu giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng, phải có một sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của từng cá nhân, và chuẩn mực/quan niệm xã hội. Hành vi tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ ĐVHD phải được coi là không thể chấp nhận được trong xã hội. Chúng ta cần tất cả người dân chấm dứt hành động trên để ngăn ngừa các nguy cơ đại dịch và rủi ro cho sức khỏe cộng đồng, đồng thời đảm bảo cơ hội sinh tồn cho quần thể các loài động vật trong tự nhiên
Bà có thể cho biết thêm về tình trạng sụt giảm về ĐVHD tại Việt Nam trong thời gian qua và những nguy cơ liên quan của tình trạng này?
Là một trong các quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao về các loài đặc biệt với nhiều loài đặc hữu với gần 10% số loài động vật (chim, thú, cá) trên thế giới và gần 40% loài thực vật đặc hữu, nhưng Việt Nam đã và đang trải qua những sụt giảm mạnh về ĐVHD. Việt Nam là một trong số các nước châu Á sử dụng thịt và các sản phẩm khác từ thú rừng làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh trong suốt nhiều thế hệ. Nhu cầu liên tục đối với các sản phẩm này dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng quần thể các loài trong tự nhiên tại Việt Nam, đồng thời tạo áp lực đến quần thể ĐVHD ở các nước láng giềng. Nhu cầu này đặc biệt tăng cao trong các dịp lễ quan trọng, trong đó có cuối năm và Tết Nguyên đán. Khảo sát về tiêu thụ thịt ĐVHD do WWF-Việt Nam thực hiện năm 2021 cho thấy điểm đến của 90% thú rừng bị săn bắt trái phép chính là các nhà hàng và các kênh tiêu thụ khác ở khu vực thành thị, và chỉ có 10% được tiêu thụ bởi những cá nhân sống gần khu vực săn, bẫy.
Theo IUCN (2021), Việt Nam có 348 loài thú, 869 loài chim, 384 loài bò sát, 221 loài lưỡng cư và 2.041 loài cá. Trong đó, 75 (21%) loài thú, 57 (6%) loài chim, 75 (19%) loài bò sát, 53 (24%) loài lưỡng cư và 136 (7%) loài cá được liệt kê là các loài bị đe dọa (thuộc mức Cực kỳ Nguy cấp - CR, Nguy cấp - EN hoặc Sắp Nguy cấp - VU). Trong số những loài bị đe dọa, nhiều loài đang bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng như Voi (Elephas maximus), Mèo lớn (Felidae spp.), Gấu (Ursus spp.) và Tê tê (Manis spp.). Sau khi cá thể cuối cùng ở Hồ Gươm đã chết vào đầu năm 2016, loài Giải sin-hoe (Rùa hồ gươm) (Rafetus swinhoei) hiện chỉ còn có 4 cá thể còn sống trên thế giới, trong đó có 1 cá thể ở Trung Quốc và 3 cá thể ở Việt Nam. Tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus), Cò quắm lớn (Pseudibis gigantea), Bò xám (Bos sauveli), Rùa batagơ (Batagur affinis) được coi là đã tuyệt chủng ở Việt Nam. Một số loài động vật đặc hữu của Việt Nam khác cũng được cho là đã tuyệt chủng ngoài thiên nhiên sau nhiều nỗ lực tìm kiếm không thành công như Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwarsi) và Rùa hộp zhou (Cuora zhoui). Thêm vào đó, Sao la, một loài thú đặc hữu của dãy Trường Sơn, cũng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng, các nỗ lực điều tra, giám sát cho đến nay vẫn chưa phát hiện lại quần thể nào của loài này trong tự nhiên kể từ năm 2013.
Dữ liệu của IUCN (2021) đánh giá 891 loài loài động vật bị đe dọa phân bố ở Việt Nam cho thấy tám yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến các loài là khai thác, sử dụng bất hợp lý (86,1% số lượng loài bị đe dọa); phát triển khu dân cư và xây dựng cơ sở hạ tầng (49,3%); ô nhiễm (42,3%); các hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (39,3%); xâm phạm và quấy nhiễu của con người (35%); xây dựng hạ tầng giao thông và các hành lang giao thông (34,9%); biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan (33,8%); và các loài ngoại lai, biến đổi gen, bệnh tật (30,3%). Khai thác quá mức và buôn bán bất hợp pháp có tác động nghiêm trọng nhất, đặc biệt là với các loài nguy cấp. Các tác động khác làm suy thoái, thu hẹp, phân mảnh hoặc ô nhiễm sinh cảnh sống của các loài.
Xin bà cho biết, một số hoạt động sẽ được triển khai của Chiến dịch và những giải pháp được đưa ra nhằm giảm tình trạng tiêu thụ ĐVHD tại Việt Nam?
Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, WWF thực hiện, với sự điều phối từ Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước triển khai, nhằm duy trì và tăng cường chất lượng tại 21 vùng rừng đặc dụng và phòng hộ, bảo vệ và duy trì ổn định quần thể ĐVHD tại những tỉnh có giá trị đa dạng sinh học cao Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Lâm Đồng, Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), và Vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng, Đồng Nai). Trong đó, sự tham gia của cộng đồng có vai trò sống còn cho sự thành công của công tác bảo tồn. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng tham hãy cùng chúng tôi nâng cao nhận thức về các nguy cơ của hành vi tiêu thụ thịt ĐVHD nhằm giảm nhu cầu về mua bán các sản phẩm từ ĐVHD”. Chiến dịch “Thịt rừng kề miệng, nguy cơ chực chờ” được triển khai từ trước và xuyên suốt dịp Tết Quý Mão 2023 với nhiều hoạt động truyền thông trực tuyến và tại các tỉnh dự án như Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng. Chiến dịch được thực hiện với 3 hoạt động chính đó là truyền thông, tương tác với công chúng trên các kênh mạng xã hội và báo chí. Hoạt động tương tác offline qua mô hình lưu động “Café Sơn Dã” tại một số các thành phố/khu vực thành thị; Thực hiện các sự kiện nâng cao nhận thức cộng đồng tại các khu vùng đệm; Vận động khối kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết “Không buôn bán thịt thú rừng”.
Bên cạnh sự ủng hộ của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thực thi pháp luật bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, và tạo các lựa chọn sinh kế bổ sung cho cộng đồng sống gần rừng, chúng tôi đề xuất sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của khối báo chí, truyền thông để lan tỏa thông điệp, lên án việc ăn thịt thú rừng trái phép. Hành vi tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ ĐVHD phải được coi là không thể chấp nhận được trong xã hội.
Nguyễn Hằng
(Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2023)