04/07/2022
Trong hơn 17 năm qua, Chính phủ Việt Nam cùng với cộng đồng cùng các tổ chức phi chính phủ, tổ chức - xã hội đã không ngừng nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tàn nhẫn và bất hợp pháp, hướng tới mục tiêu cuối cùng là bảo vệ quần thể gấu ít ỏi còn lại trong tự nhiên. Tuy nhiên hiện nay, tại một số địa phương của thành phố Hà Nội, việc nuôi nhốt gấu vẫn còn diễn ra, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và đưa ra các giải pháp hiệu quả để sớm chấm dứt tình trạng này...
Tại Việt Nam, từ năm 2005, hơn 4.300 cá thể gấu đã được đăng ký và gắn chíp quản lý nhằm ngăn chặn việc gấu mới phát sinh tại các cơ sở. Từ đó, các cơ quan chức năng tại nhiều địa phương trên cả nước đã không ngừng nỗ lực để chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật. Hành trình chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam đã được triển khai 17 năm qua. Cho tới thời điểm hiện nay, 40 tỉnh/thành phố trên cả nước đã không còn gấu nuôi nhốt, và cả nước chỉ còn 294 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân.
Trong bối cảnh trên cả nước đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực thể hiện nỗ lực chấm dứt nuôi nhốt gấu, Thủ đô Hà Nội lại đang là điểm nóng lớn nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 4/2022, có 149 cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt tại 27 cơ sở tại Hà Nội – chiếm hơn 50% tổng số gấu bị nuôi nhốt trên cả nước. Hà Nội hiện vẫn tiếp tục là nơi tập trung lớn nhất về tình trạng nuôi, nhốt gấu tại Việt Nam với 149 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân ở các địa phương: Mê Linh, Long Biên, Sơn Tây và Phúc Thọ, chiếm hơn một nửa số lượng gấu đang bị nuôi, nhốt trên cả nước. Trong đó, 93% số lượng gấu nuôi nhốt tại Hà Nội tập trung ở huyện Phúc Thọ. Tình trạng trích hút và buôn bán mật gấu tuy không công khai nhưng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện Phúc Thọ.
Cụ thể, ngày 27/5/2022, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp Công an huyện Đan Phượng đã phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Văn Thao (trú tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ) đang vận chuyển trái phép 350 lọ mật gấu. Đây là vụ thu giữ số lượng mật gấu lớn nhất từng được ghi nhận tại Việt Nam từ trước đến nay. Theo cơ quan chức năng, Thao khai nhận số mật gấu bị thu giữ nêu trên được chích hút trực tiếp từ các cá thể gấu ngựa đang nuôi, nhốt tại nhà của mình tại huyện Phúc Thọ. Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, Nguyễn Văn Thao hiện đang nuôi, nhốt bảy cá thể gấu tại nhà. Vụ việc đang được cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục điều tra, làm rõ và cho thấy tính chất phức tạp, quy mô lớn của hoạt động trích hút, buôn bán mật gấu tại một số cơ sở nuôi nhốt gấu trên địa bàn thành phố.
Tình trạng nuôi nhốt gấu tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ
Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Quang Hồng (Diễn Châu, Nghệ An) về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Hồng bị bắt giữ khi đang vận chuyển, tàng trữ và bán mật gấu tươi tại khu vực phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Tại cơ quan công an, Hồng khai nhận, từ tháng 8/2020, Hồng mua 130 lọ mật gấu tươi tại Nghệ An với giá 50.000 đồng cc, sau đó thông qua mạng xã hội rao bán sản phẩm với giá 100.000 đồng/cc. Qua giám định đây là mật gấu ngựa có tên trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Thực tế cũng đã có nhiều bản án nghiêm khắc đối với các hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã nói chung và loài gấu nói riêng. Đây là những nỗ lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bắt giữ, khởi tố thành công, kịp thời đối với những đối tượng có hành vi vi phạm, qua đó tuyên truyền, giáo dục, răn đe để phòng, chống loại tội phạm này. Mặt khác, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương, tổ chức kiểm tra định kỳ số lượng gấu đã gắn chíp, vận động người dân ngừng nuôi gấu, trao trả các cá thể gấu cho cơ quan chức năng để quản lý tại các cơ sở chăm sóc, bảo vệ theo quy định. Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát và thực thi các bản án nghiêm khắc đối với các đối tượng vi phạm sẽ có tác dụng cảnh tỉnh những người đang có hành vi nuôi nhốt, chích hút mật gấu trái phép, khiến họ từ bỏ hoạt động này trong thời gian sớm nhất để từ đó đóng góp vào nỗ lực chung nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
Ngày 12/1/2022, UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 105/UBND-KT gửi các Sở, ban, ngành TP; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã và Hướng dẫn số 33/HD-BTGTU ngày 30/8/2021 của Ban Tuyên giáo Thành ủy về tăng cường tuyên truyền việc thực hiện không săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Công văn cho thấy quyết tâm của chính quyền thành phố Hà Nội trong công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nói chung và chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu kéo dài suốt nhiều năm qua. Công văn cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng, công an các quận, huyện, thị xã tham gia phối hợp với các cơ quan chuyên ngành, chủ động tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật của người dân về bảo vệ động vật hoang dã; đặc biệt chỉ đạo công an huyện Phúc Thọ và Mê Linh tăng cường kiểm tra việc nuôi nhốt gấu trên địa bàn, phát hiện trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để tiến tới chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại các hộ gia đình, góp phần bảo tồn loài gấu đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Để sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật ở Thủ đô, trong thời gian tới các cơ quan chức năng của TP Hà Nội và chính quyền địa phương nơi có gấu bị nuôi nhốt cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở nuôi nhốt gấu; Kiên quyết xử lý các vi phạm về gấu và tịch thu các cá thể gấu nuôi nhốt trái phép tại các cơ sở; Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm nghiêm trọng về gấu; Nghiêm cấm tình trạng cho gấu sinh sản tại các cơ sở tư nhân; Vận động các chủ nuôi tự nguyện chuyển giao gấu lại cho Nhà nước và đảm bảo chặt chẽ chính sách “không bồi hoàn” cho chủ cơ sở nuôi trong mọi trường hợp; Khuyến khích sử dụng thảo dược và giải pháp thay thế khác nhân đạo hơn thay vì sử dụng mật gấu.
Nguyễn Hằng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2022)