03/08/2022
Nắm giữ 80% GDP toàn cầu, các thành phố (TP) trên thế giới đang chịu trách nhiệm cho khoảng 70% lượng khí thải CO2 và 75% tổng lượng tài nguyên thiên nhiên tiêu thụ. Các TP đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và đổi thay, nhưng cũng là nơi khai mở, thử nghiệm cho các ý tưởng và sáng kiến mới. Báo cáo đánh giá về biến đổi khí hậu (BĐKH) 2022 của Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) chỉ ra rằng các TP là một trong những trụ cột quan trọng cho các hành động khí hậu. Báo cáo cũng cho thấy các kế hoạch tổng thể và bao trùm không chỉ giúp tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu, mà còn giúp cải thiện sức khỏe và phúc lợi của các cộng đồng yếu thế, dễ bị tổn thương.
Chương trình TP Xanh Quốc tế (OPCC)
Ngày nay, hơn một nửa dân số thế giới đang sinh sống ở các TP, nơi quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Các TP tạo ra hơn 80% GDP, nhưng cũng phát thải hơn 70% lượng khí CO2 trên toàn cầu. Chương trình OPCC là một sáng kiến do tổ chức Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) khởi xướng vào năm 2011 tại Thụy Điển, với tên gọi ban đầu là Chương trình TP Giờ Trái đất (EHCC). Sau đó, Chương trình được lan tỏa ra toàn cầu từ năm 2013 và được tổ chức hàng năm từ năm 2013 đến 2016, và tiếp tục được tổ chức 2 năm/lần từ năm 2017 đến nay. Năm 2013, Chương trình đã huy động sự tham gia của 66 TP tại 6 quốc gia (Canada, Ấn Độ, Ý, Na Uy, Thụy Điển và Hoa Kỳ); năm 2014 là 160 TP của 16 quốc gia và đến nay (năm 2021-2022) đã có hơn 280 TP tham gia đến từ hơn 50 quốc gia. Mục đích của Chương trình là kêu gọi các TP hành động và hỗ trợ họ trong quá trình chuyển đổi toàn cầu hướng đến một tương lai thân thiện với môi trường, đồng thời thúc đẩy những biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH, vì mục tiêu chung - giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5oC.
Chương trình giúp định hướng cho các TP xây dựng mục tiêu, kế hoạch, hành động khí hậu dựa trên cơ sở khoa học cụ thể, đồng nhất với mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Hồ sơ khí hậu của các TP gửi lên Diễn đàn Tổ chức Phi lợi nhuận Quốc tế về môi trường (CDP) sẽ nhận được phản hồi cụ thể của Ban Giám khảo Chương trình, nhằm giúp TP hoàn thiện kế hoạch hành động vì khí hậu của mình. Ngoài ra, các TP cũng có cơ hội tham gia vào các mạng lưới như Công ước Thị trưởng Toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng (GCoM), ICLEI, C40 và CDP. Qua đó, các nỗ lực khí hậu của TP sẽ được ghi nhận và truyền thông rộng rãi trên các nền tảng truyền thông của WWF. Năm nay, các TP lọt vào vòng Chung kết Chương trình OPCC sẽ tham gia Chiến dịch We love Cities (Tôi yêu TP) nhằm kêu gọi sự tham gia của công chúng, kêu gọi người dân trên toàn thế giới thể hiện sự ủng hộ đối với kế hoạch phát triển đô thị các-bon thấp. Người dân sẽ bình chọn cho TP họ yêu thích trong Danh sách các TP lọt vào vòng Chung kết OPCC quốc tế và đưa ra các đề xuất góp ý nhằm cải thiện BVMT cho các TP. Bên cạnh đó, các TP được hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng hành động khí hậu cụ thể, cũng như các tài liệu truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư TP vì mục tiêu khí hậu chung. Các TP còn có cơ hội tiếp cận và nhận hỗ trợ từ các chương trình dự án của WWF về xây dựng năng lực, thúc đẩy thực hiện các giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS/EbA), các dự án hỗ trợ về rác thải, thực phẩm, năng lượng, giao thông…
Trên thế giới đã có 8 TP đạt Danh hiệu Quán quân toàn cầu của Chương trình OPCC, đó là Vancouver (Canađa); Cape Town (Nam Phi); Seoul (Hàn Quốc); Paris (Pháp); Uppsala (Thụy Điển); Mexico; Bogotá (Colombia) and Lund (Thuỵ Điển). Để đạt được Danh hiệu Quán quân toàn cầu của Chương trình OPCC, các TP phải đạt được các tiêu chí đó là mức độ tham vọng, khả năng thực hiện cam kết và tạo ra những thay đổi đột phá; các hành động về khí hậu một cách toàn diện, bao quát và chặt chẽ, hướng đến sự phát triển bền vững và mục tiêu giới hạn độ tăng nhiệt độ ở mức 1,5oC; đồng thời phải đánh giá quá trình kiểm kê khí thải nhà kính có tính khoa học, phù hợp và minh bạch; các sáng kiến để giải quyết các vấn đề tập trung vào phát triển đô thị bền vững, lĩnh vực giao thông xanh, giao thông bền vững.
Trong số đó, TP Cape Town (Nam Phi) nổi bật như một hình mẫu cho toàn cầu với việc giới thiệu các chương trình và hành động xanh mà các TP khác có thể nhân rộng đã đạt Giải Quán quân toàn cầu 2014. Cape Town chứng minh các chiến lược của TP nhằm giảm phát triển cac-bon và chống lại BĐKH, đồng thời giúp giải quyết các ưu tiên phát triển khác như an ninh lương thực, năng lượng và nước. TP đã có những bước đi đột phá trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng của mình khỏi nhiên liệu hóa thạch và hướng tới năng lượng tái tạo với việc triển khai chương trình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Sự tham gia của cộng đồng vào các vấn đề bền vững và tiến bộ mạnh mẽ với hiệu quả năng lượng, đặc biệt là một chương trình trang bị thêm quy mô lớn cho các tòa nhà là những hành động tiên phong tại Cape Town.
TP. Seoul đạt Giải Quán quân toàn cầu năm 2015
Tiếp theo là TP. Seoul đã đạt Giải Quán quân toàn cầu 2015. Seoul đóng vai trò như một hình mẫu cho các TP phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng. TP đã đưa ra một sáng kiến đầy tham vọng là giảm 10 triệu tấn phát thải khí nhà kính và đạt được 20% khả năng tự lực về điện vào năm 2020. TP. Seoul đã tiếp cận toàn diện để giải quyết vấn đề BĐKH và quyết tâm tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Cách tiếp cận của TP để giảm triệt để lượng phát thải bao gồm các hành động như phân bổ ngân sách thực tế để tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời của người dân, giảm lượng khí thải giao thông thông qua các nhiên liệu xanh hơn, xây dựng nhiều làn xe buýt hơn và thông qua các chương trình chia sẻ xe hơi.
TP Mexico là TP đầu tiên của khu vực Mĩ La-tinh đạt danh hiệu Quán quân toàn cầu 2020. Là một trong những TP lớn nhất và đông dân nhất trên thế giới, TP Mexico phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng TP đã đưa ra các cam kết về khí hậu rõ ràng phù hợp với mục tiêu 1,5°C. TP chú trọng phát triển các hệ thống cảnh báo và phát hiện thiên tai sớm, phát triển hệ thống giao thông công cộng và mạng lưới xe đạp công cộng phục vụ người dân.
Việc WWF khởi xướng Chương trình OPCC đã nêu bật những giải pháp của các TP nhằm giảm lượng khí thải các-bon và tăng khả năng chống chịu với khí hậu. Đây là những thành phố đóng vai trò là hình mẫu truyền cảm hứng cho các thành phố khác trên toàn cầu.
Việt Nam tích cực tham gia Chương trình OPCC
Trong thời gian qua, WWF tại Việt Nam đã hỗ trợ một số TP của Việt Nam thực hiện các cam kết và hành động để đạt được các mục tiêu của Chương trình OPCC. Kể từ năm 2015, WWF–Việt Nam đã hỗ trợ 8 TP tham gia Chương trình OPCC, trong đó Huế là TP đầu tiên của Việt Nam tham gia Chương trình OPCC (giai đoạn 2015 – 2016); tiếp theo là Đà Nẵng, Hội An và Đông Hà (2017 – 2018); Đồng Hới và Vinh (2019 – 2020); Cần Thơ và Tam Kỳ (2021 – 2022).
TP. Huế được vào Danh sách 18 TP của vòng Chung kết và đạt danh hiệu TP Xanh Quốc gia của Chương trình OPCC giai đoạn 2015 – 2016, với những cam kết/hành động nổi bật là thúc đẩy xanh hóa đô thị, trong đó chính quyền TP cũng đã phát triển thêm nhiều công viên và tuyến đường mới dành cho người đi bộ và xe đạp; Phát triển du lịch xanh như các tuyến tour du lịch xanh sử dụng phương tiện phi cơ giới như xe đạp, xe xích lô trên địa bàn TP Huế đến các nhà vườn và các vườn rau sinh thái đang được duy trì và phát triển. Huế cũng đang xây dựng mô hình thí điểm để đầu tư 1.000 chiếc xe đạp ở các điểm công cộng để phục vụ người dân và khách du lịch; Trang bị hệ thống đèn chiếu sáng công cộng thông minh bao gồm đèn LED và hệ thống điều khiển thông minh; Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn TP.
TP. Đà Nẵng được vào Danh sách 21 TP của vòng Chung kết và đạt danh hiệu TP Xanh Quốc gia của Chương trình OPCC 2017-2018 với 5 kế hoạch hành động nổi bật là lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời, đặc biệt như dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời tại bãi rác Khánh Sơn và sân bay Đà Nẵng (2 giai đoạn) với 7,4MWp; phát triển giao thông xanh như: dự án xe buýt nhanh, đi xe chung và phát triển hệ thống xử lý nước thải trên toàn TP. Bên cạnh đó, TP cũng phát triển nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường như: động cơ hybrid sử dụng nhiên liệu xăng và điện, phát triển phần đường dành cho xe đạp, tăng cường và vận động người dân sử dụng nhiên liệu sinh học E5. Đặc biệt TP xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày, bảo đảm 85% nước thải được thu gom và xử lý trước khi thải ra môi trường, trong đó có 70% nước thải xử lý đạt yêu cầu; giám sát chặt chẽ các nguồn thải vào các lưu vực sông Hàn, sông Phú Lộc, sông Cu Đê và ven biển TP, kể cả nguồn thải từ các phương tiện giao thông đường thủy.
Mới đây, TP. Cần Thơ đã lọt vào Danh sách các TP vào vòng Chung kết Chương trình OPCC 2021 - 2022 với các cam kết của chính quyền địa phương trong ứng phó với BĐKH thông qua rất nhiều chính sách, chương trình và dự án được triển khai tại TP. TP đặt ra rất nhiều mục tiêu thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính như Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp bền vững theo từng khu vực trên địa bàn TP và quy hoạch chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, khu vực trong quy hoạch nhằm thích ứng với điều kiện nhiệt độ tăng, thiếu hụt nguồn nước, ngập lụt và xâm nhập mặn trong tương lai. Bên cạnh đó là các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính như áp dụng các giải pháp tòa nhà xanh (Hệ thống đèn LED, kính 2 lớp, bộ cách nhiệt hiệu quả cao), chương trình Chứng nhận công trình xanh và xây dựng cơ chế khuyến khích các tòa nhà sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng pin năng lượng mặt trời chiếu sáng trong khu công nghiệp và giao thông công cộng, thí điểm chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch cho các phương tiện giao thông cơ giới, xây dựng hệ thống chia sẻ xe đạp công cộng khu vực Quận Cái Răng và Quận Ninh Kiều.
Sau khi được vinh danh, các TP của Việt Nam phải tiếp tục cập nhật và hoàn thiện Báo cáo kiểm kê KNK hàng năm trong từng lĩnh vực của TP; Thúc đẩy nâng cao nhận thức và sự tham gia của người dân trong các chương trình, hoạt động về khí hậu, trước tiên là Chiến dịch Tôi yêu TP (We love Cities) do WWF triển khai; Đưa ra các cam kết chính thức và cụ thể về mức giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030, đặt mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 (Net-zero) vào năm 2050 và lồng ghép vào trong các chính sách, kế hoạch dài hạn của TP (NCCS, GGS ...); Tiếp tục hoàn thiện/đẩy mạnh các thói quen, hành vi về lối sống xanh, tiêu dùng xanh bằng cách lựa chọn và phát triển giao thông xanh, bảo tồn năng lượng…; Thí điểm và nhận rộng các giải pháp khác trong giảm thiểu phát thải khí nhà kính như trong lĩnh vực sản xuất lương thực và tạo thói quen bữa ăn xanh thân thiện với môi trường nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho cộng đồng, giảm thiểu và tránh lãng phí thực phẩm trong chế biến và tiêu thụ.
Nhằm lan tỏa tới các TP của Việt Nam thực hiện các cam kết và hành động để trở thành TP xanh quốc gia nói riêng và quốc tế nói chung, các TP cần triển khai các hoạt động cụ thể như:
Đối với lĩnh vực sử dụng năng lượng, tăng cường các chương trình, chiến dịch sử dụng điện năng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà; ưu tiên triển khai cho các tòa nhà thương mại trước vì dễ thực hiện và ít tốn kém hơn; Tổ chức các lớp tập huấn sử dụng điện năng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà, trước hết là cho khối công sở và doanh nghiệp; Ban hành quy định về sử dụng điện năng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà; Thực hiện kiểm toán năng lượng trong các tòa nhà, đánh giá tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái ở các tòa nhà thương mại…
Đối với lĩnh vực giao thông, phát triển thêm các tuyến phố đi bộ như tuyến phố đi bộ bến Ninh Kiều ở Cần Thơ, các tuyến phố đi bộ ở TP Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội; Tăng cường giao thông phi cơ giới như xe đạp; học tập mô hình phát triển xe đạp; Giải quyết tốt nạn kẹt xe trong TP; Phát triển giao thông công cộng; Phát triển xe chạy bằng điện, xe hybrid…
Đối với lĩnh vực chất thải, phát triển thêm nhà máy đốt rác phát điện để xử lý toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt; Tăng cường phân loại rác tại nguồn; Sớm giải quyết vấn đề tro bay hiện đang tồn đọng ở nhà máy điện rác; Tăng cường tái chế; Tuyên truyền/cổ động lối sống xanh, tiêu dùng xanh. Ngoài những hành động cụ thể nêu trên, các TP cũng cần đẩy mạnh hợp tác và triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ (xử lý nước thải, chất thải rắn, công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện môi trường phát triển công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, kiến trúc xanh) để giảm phát thải khí nhà kính.
Về thích ứng với BĐKH, các TP cũng cần xác định, khoanh vùng, cảnh báo các khu vực nguy cơ chịu tác động của BĐKH; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro BĐKH (ngập lụt, xâm nhập mặn, xói lở,…); Quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật để ứng phó với BĐKH, phòng tránh các nguy cơ thiên tai (sạt lở, ngập mặn, lũ lụt…) xảy ra trên địa bàn TP; Cải tạo, nạo vét, khơi thông dòng chảy; xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ; Tăng cường các hoạt động trồng cây, làm bờ kè... nhằm tăng khả năng ứng phó với sạt lở; Các công trình hồ chứa và tổ chức vận hành hồ chứa đảm bảo điều tiết, kiểm soát, hạn chế ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… nhằm đảm bảo an toàn cho các đô thị, điểm dân cư theo các kịch bản tác động của BĐKH cũng như tăng không gian mặt nước, tạo cảnh quan cho TP; Nghiên cứu đề xuất chương trình, dự án liên quan đến thoát nước và chống ngập; đặc biệt quan tâm đến các vùng chịu ảnh hưởng của nước biển dâng và thường xuyên xảy ra lũ lụt trên địa bàn TP; Nghiên cứu, xây dựng các chương trình nhà ở phòng, tránh bão, lụt; Nghiên cứu đề xuất thực hiện chương trình, dự án liên quan đến cấp nước cho các vùng thường xuyên bị hạn hán, nhiễm mặn trên địa bàn TP.
Nguyễn Hằng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2022)