Banner trang chủ

Các giải pháp tích hợp cho sự phát triển bền vững cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Đất, nước, năng lượng và khí hậu

23/11/2022

    Ngày 23/11/2022, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phối hợp Viện Khoa học Karlsruhe, Trường Đại học Witten, Cộng hòa Liên bang Đức đã tổ chức Hội thảo “Các giải pháp tích hợp cho sự phát triển bền vững cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Đất, nước, năng lượng và khí hậu”.

Toàn cảnh Hội thảo 

    Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng gần 3.9 triệu ha, 17 triệu dân cư, là khu vực có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Ngoài ra, đây còn là nơi ngành nghề nuôi trồng thủy sản đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, khu vực này cũng gặp phải nhiều vấn đề lớn như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, kết hợp hài hòa các yếu tố đất, nước, năng lượng và khí hậu… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sự phát triển kinh tế của vùng. Từ thực tiễn đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu liên bang (BMBF), Cộng hòa Liên bang Đức đã phối hợp thực hiện Dự án “Các giải pháp tích hợp cho sự phát triển bền vững cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Đất, nước, năng lượng và khí hậu” (Dự án ViWat)…

    Kết quả  bước đầu của Dự án đã được áp dụng vào lập quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long, hoạch định các chính sách, chiến lược tổng thể về quản lý tài nguyên nước, đất; lập quy hoạch chuyên ngành, cơ cấu sản xuất mùa vụ... Các giải pháp khoa học công nghệ của dự án đã áp dụng để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt... cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long,  giúp nâng cao hiệu quả khai thác nguồn nước, đảm bảo các hoạt động sản xuất, tăng năng suất cây trồng, giảm thiểu thiệt hại của hạn hán, xâm nhập mặn và thực hiện tốt nghị Quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Bên cạnh đó, Dự án ViWat - kỹ thuật được thực hiện tại tỉnh Cà Màu đã đánh giá tổng quan về tình hình sụt lún, sự nén chặt trầm tích nông gây ra hiện tượng sụt lún đất cấp khu vực do khai thác nước ngầm; tìm ra các nguyên nhân gây sụt lún để hỗ trợ giúp người dân tránh tình trạng gây thiệt hại lớn. Bên cạnh đó, dự án ViWat cũng đã hỗ trợ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thông qua các công cụ để hỗ trợ quy hoạch tài nguyên nước và sử dụng nước có hệ thống, phương pháp quan trắc lập và bản đồ dựa vào công nghệ viễn thám, bản đồ GIS về các nhu cầu sử dụng nước/nước sẵn có, bản đồ GIS chi tiết về sử dụng đất và các phân khu quản lý nước, các bản đồ GIS về các rủi ro ô nhiễm, tập bản đồ quy hoạch nước và sử dụng trên nền tảng web.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về kỹ thuật xây dựng, quy hoạch vùng về sử dựng đất và nước tại đồng bằng sông Cửu Long; dịch vụ nước và môi trường cho đồng bằng sông Cửu Long; hành trình của Dự án ViWat - Tiến tới sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long; tổng quan về đề tài ViWat; nghiên cứu triển khai thí điểm hệ thống cấp nước sạch chất lượng cao chi phí thấp cho khu vực khan hiếm nước tại đồng bằng sông Cửu Long…

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn