22/11/2022
Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) được ban hành năm 2017, thường được gọi với cái tên là Nghị quyết “thuận thiên”, theo tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt Nghị quyết. Trong những năm qua, việc ban hành và triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách và đạt nhiều kết quả trong thực tế. Riêng tại tỉnh Cà Mau, sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, chủ trương “thuận thiên” từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng.
Sở TN&MT tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thi Ý tưởng, sáng tạo - mô hình BVMT năm 2022
Theo đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các Sở, ban, ngành, cơ quan báo, đài, cổng thông tin điện tử, UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung Nghị quyết số 120/NQ-CP. Qua đó, đã đăng 1.502 tin, bài và ảnh, thực hiện lồng ghép vào chuyên đề và phát sóng 260 đề tài, phát 10.000 tờ bướm, 15.000 tờ rơi về nội dung như: xây dựng mô hình điểm trong phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai; giải pháp ứng phó với BĐKH; nâng cao ý thức BVMT, thích ứng với BĐKH; phát triển giống, sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH; phòng, chống cháy rừng; bảo vệ nguồn nước, các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn; các chính sách về khuyến khích, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, ưu đãi trong sử dụng, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và BVMT trên tất cả các lĩnh vực... Bên cạnh đó, đã cấp phát 5.000 cuốn Sổ tay hướng dẫn BVMT nông thôn cho người dân, 5.000 cuốn tài liệu tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho hộ gia đình, cá nhân thực hiện về BVMT, nguồn nước, thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức trên 55.000 cuộc tập huấn, truyền thông tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác ứng phó BĐKH; phòng chống thiên tai; phòng chống cháy, nổ; trồng và bảo vệ rừng… Đồng thời, lồng ghép các kiến thức về ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong chương trình giáo dục học đường, các phong trào thi đua yêu nước… với trên 75.000 cuộc, lớp với trên 2,3 triệu lượt người tham gia; tổ chức nhiều cuộc huấn luyện, diễn tập phòng, chống thiên tai luân phiên 2 huyện/năm và duy trì, với hàng ngàn lượt người tham gia, tham quan hàng năm; in ấn, tổ chức treo, cấp phát trên 300.000 tờ rơi, áp phích, băng rôn, tờ phướn; thực hiện 3.000 đề tài, phóng sự và nhiều tin, bài, ảnh… về công tác phòng, chống thiên tai.
Một số mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH gắn với cộng đồng tại địa phương được tuyên truyền rộng rãi trong thời gian qua có thể kể đến như: Đối với lĩnh vực thủy sản, những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm thâm canh tuần hoàn kín; mô hình nuôi tôm siêu thâm canh lót bạt... Ngoài ra, còn có nhiều mô hình mới được thí điểm thích ứng với BĐKH gồm: Mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 3 giai đoạn; mô hình xen canh lúa, tôm càng xanh luân canh tôm sú 2 giai đoạn; mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa; mô hình ứng dụng công nghệ xử lý nước đầu vào bằng tia UV; mô hình quảng canh cải tiến ít thay nước 2 giai đoạn… Trong lĩnh vực trồng trọt: Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH; mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ; mô hình sản xuất lúa an toàn chất lượng cao giảm giá thành; mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ; mô hình sản xuất lúa, tôm theo hướng hữu cơ; mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa; mô hình 3 giảm 3 tăng SRI; mô hình cánh đồng lớn… là những mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần BVMT, thích ứng với BĐKH. Hay trong lĩnh vực chăn nuôi: Mô hình nuôi chăn nuôi gà an toàn sử dụng đệm lót sinh học; mô hình nuôi vịt biển thích ứng với BĐKH; mô hình xã chăn nuôi an toàn…
Cùng với đó, để góp phần giải quyết bài toán khan hiếm nước ngọt trong điều kiện hạn hán, thiếu nước ở tỉnh Cà Mau, Sở TN&MT tỉnh Cà Mau đã giới thiệu mô hình khai thác nước mưa phục vụ sinh hoạt cụm hộ gia đình, được triển khai thực hiện tại ấp Rạch Lùm A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời. Mô hình này có tính ứng dụng cao trong thực tiễn đời sống xã hội của người dân khu vực, có tính tuyên truyền cao và gần gũi, thu hút nhiều người dân tham gia; thu hút được sự quan tâm của người dân nơi khó khăn về nguồn nước ngọt. Tuy nhiên, mô hình cần tiếp tục được hoàn thiện quy trình kỹ thuật và vận hành để từ đó triển khai tuyên truyền, nhân rộng trên diện rộng phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân trong điều kiện BĐKH hiện nay, không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau mà còn cho người dân khu vực ven biển ĐBSCL gắn công tác quản lý nhà nước với các hoạt động xã hội, cộng đồng trong ứng phó BĐKH giảm nhẹ rủi ro do thiên tai vì sự phát triển bền vững.
Mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH” tại xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình
Nhìn chung, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP đã bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức các cấp chính quyền, người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại hạn chế như: Việc hiểu về các vấn đề của BĐKH chưa thật sự đầy đủ và toàn diện; phương pháp truyền thông chưa phong phú, hấp dẫn người dân; dung lượng, thời lượng, nội dung truyền thông về BĐKH chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Ðặc biệt, tính lan tỏa, chuyên nghiệp của công tác truyền thông về BĐKH chưa cao, chưa thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền. Tại không ít địa phương, các cấp chính quyền, người dân vẫn chưa có nhận thức đầy đủ, toàn diện về BĐKH và tầm quan trọng của công tác ứng phó với BĐKH…
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị, tỉnh Cà Mau sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt, có hiệu quả thông tin, truyền thông, tuyên truyền. Trong đó, tập trung tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án truyền thông, nâng cao nhận thức về BĐKH cho cơ quan quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 để làm cơ sở, lộ trình xây dựng các nội dung hoạt động truyền thông trong thời gian tới gồm:
Một là, xây dựng nội dung và phương thức truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH. Theo đó, tập trung triển khai các hoạt động cụ thể như: Phổ biển các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai gắn với thích ứng với BĐKH; Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa, hiện đại; đẩy mạnh truyền thông trên hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và hệ thống thông tin cơ sở; truyền thông qua các hội nghị trực tiếp, trực tuyến, hội thảo, cuộc thi, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề.
Hai là, xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành của cộng đồng về phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH Theo đó, tập trung triển khai các hoạt động cụ thể như: Xây dựng sổ tay truyền thông về phòng, chống thiên tai, BĐKH theo từng chuyên đề (Từ ứng phó đến chủ động sống chung, thích ứng với BĐKH, đặc biệt là vấn đề xâm ngập mặn tại tỉnh Cà Mau; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước tại tỉnh Cà Mau - những vấn đề cấp bách và giải pháp; sổ tay hướng dẫn những giải pháp BVMT, ứng phó với BĐKH cho cộng đồng dân cư); Xây dựng tài liệu truyền thông theo từng nhóm đối tượng, gồm: Cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, người dân...
Ba là, xây dựng chương trình truyền thông về phát triển bền vững gắn phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức các ngành, cấp, tổ chức đoàn thể, trách nhiệm của cộng đồng. Theo đó, tập trung triển khai các hoạt động cụ thể: Hoạt động truyền thông trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh (Xây dựng các bản tin thời sự, xây dựng các phóng sự, xây dựng các chương trình tọa đàm về các chuyên đề liên quan đến phát triển bền vững gắn phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH xây dựng các trailer quảng bá về mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH và cập nhật trên các Cổng thông tin điện tử của tỉnh); Xây dựng các bản tin, phóng sự, bài viết, ảnh tuyên truyền trên Báo Cà Mau điện tử, Cổng Thông tin điện tử tỉnh về phát triển bền vững gắn phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH.
Bốn là, truyền thông tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức quản lý các cấp làm công tác truyền thông, cộng đồng về phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH thông qua các cuộc tọa đàm, hội nghị, tập huấn. Theo đó, tập trung triển khai các hoạt động cụ thể như: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại về truyền thông, nâng cao nhận thức cơ quan quản lý các cấp, cộng đồng về phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH; Tổ chức phổ biến hướng dẫn nâng cao năng lực về phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH; phổ biến hướng dẫn nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai, BVMT, kỹ năng thích ứng với BĐKH và thông điệp cốt lõi kế hoạch phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Trần Tân