Banner trang chủ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tăng cường tập huấn về phương pháp phân loại, tiêu chí xác định, lựa chọn các dự án ưu tiên và mã hóa chi ngân sách cho thích ứng với biến đổi khí hậu

22/08/2022

    Trong hai tháng 7 và 8/2022, tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Khóa tập huấn về phương pháp phân loại, tiêu chí xác định, lựa chọn các dự án ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và mã hóa chi ngân sách cho thích ứng BĐKH trong lập kế hoạch đầu tư công. Đây là một hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch quốc gia về thích ứng với BĐKH của Việt Nam” (NAP-GCF), do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) thông qua UNDP.

Ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc     

Khóa tập huấn

    Phát biểu tại Khóa tập huấn tại khu vực miền Trung, ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, thích ứng với BĐKH là vấn đề liên ngành, liên vùng phức tạp, trong khi kinh nghiệm xây dựng thích ứng quốc gia và nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế. Do đó, cần sự hỗ trợ của quốc tế trên cả phương diện kỹ thuật, nhân lực và tài chính; đặc biệt trong các hoạt động về đánh giá tác động của BĐKH, xác định giải pháp thích ứng cho từng vùng, phân tích chi phí - lợi ích cho các nhóm ngành, tiểu ngành dễ bị tác động của BĐKH ở Việt Nam.

    Ông Lê Việt Anh cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham vấn một số Bộ, ngành liên quan liên quan đến khung tiêu chí xác định tính ưu tiên lựa chọn các dự án thích ứng với BĐKH, xác định rào cản và khó khăn để huy động đầu tư tư nhân cho hoạt động thích ứng với BĐKH cũng như các phương pháp phân loại chi tiêu, mã hóa chi ngân sách cho thích ứng với BĐKH trong lập kế hoạch đầu tư công tại các Bộ, ngành. Tuy nhiên, nhằm cập nhật tình hình thực hiện, thảo luận và thống nhất cách tiếp cận chung thông qua khoá tập huấn cho các hoạt động của Dự án, tham vấn đối với một số kết quả ban đầu và tập huấn một số nội dung về giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNDP Việt Nam tổ chức Khóa tập huấn này. Đây là sự kiện tập huấn đầu tiên trong chuỗi các tỉnh và địa phương trên toàn quốc trong thời gian tới, do đó, ông Lê Việt Anh hy vọng Khóa tập huấn sẽ ghi nhận được nhiều đóng góp quý báu của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, để giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng được các Sổ tay tham khảo với công cụ kèm theo mang tính thân thiện với người sử dụng, sát với thực tiễn hơn.

Các đại biểu chia nhóm và hướng dẫn thực hành phương pháp xác định tiêu chí, lựa chọn các dự án ưu tiên thích ứng với BĐKH theo lĩnh vực

    Trong khuôn khổ Khóa tập huấn (từ ngày 22/7 đến ngày 24/7/2022, tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam), các đại biểu đã được nghe các chuyên gia giới thiệu 5 chuyên đề chính gồm: Hiện trạng hướng dẫn lồng ghép các dự án thích ứng với BĐKH vào lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng phương pháp phân loại, khung tiêu chí, lựa chọn các dự án ưu tiên thích ứng với BĐKH; Thực hành phương pháp phân loại, khung tiêu chí, lựa chọn các dự án ưu tiên thích ứng với BĐKH; Mã hóa chi ngân sách cho thích ứng BĐKH trong lập kế hoạch đầu tư công; Thực hành mã hóa chi ngân sách cho thích ứng BĐKH trong lập kế hoạch đầu tư công. Cũng tại Khóa tập huấn, một số đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm lập kế hoạch kinh tế - xã hội có yếu tố thích ứng BĐKH của địa phương; Mã hóa chi ngân sách cho thích ứng BĐKH trong lập kế hoạch đầu tư công lĩnh vực Nông nghiệp, Y tế;. Từ đó, đề xuất giải pháp chính sách cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong mã hóa chi ngân sách cho thích ứng BĐKH trong lập kế hoạch đầu tư công tại khu vực miền Trung.

Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam phát biểu tại Khóa tập huấn

    Chia sẻ trong Khóa tập huấn khu vực miền Bắc (từ ngày 11/8 đến ngày 13/8/2022, tại TP. Hà Nội), ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, BĐKH đã tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực, các địa phương, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo của đất nước, đòi hỏi cần có các hành động để kịp thời giảm nhẹ thiệt hại và tăng cường công tác quản lý rủi ro khí hậu, phòng chống thiên tai. Việc xây dựng và triển khai thực hiện NAP sẽ giúp chúng ta sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, tránh sự chồng chéo, trùng lặp, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC), góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo như tuyên bố của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính tại COP 26 vào tháng 11/2021. Nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với BĐKH, UNDP cam kết hỗ trợ các bên liên quan tại Việt Nam đảm bảo việc lập kế hoạch thích ứng, giảm BĐKH, chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường phù hợp với các tiêu chuẩn của quyền con người. UNDP cũng ủng hộ cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tiến tới đạt được mục tiêu đó một cách bao trùm nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong ứng phó với BĐKH.

Các đại biểu tham dự Khóa tập huấn tại miền Bắc

    Trong khuôn khổ Khóa tập huấn về phương pháp phân loại, tiêu chí xác định, lựa chọn các Dự án ưu tiên thích ứng với BĐKH và mã hóa chi ngân sách cho thích ứng BĐKH trong lập kế hoạch đầu tư công khu vực miền Bắc đã diễn ra Tọa đàm chính sách về rào cản và giải pháp huy động đầu tư tư nhân trong thích ứng BĐKH. 

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng vụ KHGDTN&MT phát biểu tại Khóa tập huấn khu vực miền Nam

    Tiếp tục chuỗi sự kiện tập huấn trên toàn quốc theo văn kiện dự án, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường cũng đã triển khai thành công Khóa tập huấn tại khu vực miền Nam (từ ngày 18/8 đến ngày 20/8/2022, tại TP. Hồ Chí Minh). Tại Khóa tập huấn này, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các rào cản, khó khăn, thuận lợi cũng như cơ hội và các giải pháp cho đầu tư tư nhân trong thích ứng với BĐKH; Giới thiệu các phương pháp phân loại, tiêu chí xác định lựa chọn các dự án ưu tiên thích ứng với BĐKH và mã hóa chi ngân sách cho thích ứng BĐKH trong lập kế hoạch đầu tư công cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tại khu vực miền Nam…

Quang cảnh Khóa tập huấn khu vực miền Nam

    Sau 3 Khóa tập huấn ở 3 miền Bắc, Trung, Nam vừa qua, với sự đóng góp các bài tham luận đầy tính lý luận của các diễn giả cũng như những bài tập “cầm tay chỉ việc” đầy tỉ mỉ để thực hành những nội dung theo kế hoạch của Ban Tổ chức, các đại biêu tham dự Khóa học đã có những bước đi đầu tiên tiếp cận với những phương pháp mới dựa trên kinh nghiệm sẵn có tốt nhất của Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, với các công cụ và sổ tay hướng dẫn dự kiến của Dự án được hoàn thiện trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kỳ vọng sẽ giúp các ngành, các địa phương phần nào giải quyết được nhiều khó khăn khi tiếp cận với nghiệp vụ lập kế hoạch và mã hóa dòng ngân sách cho thích ứng BĐKH thời gian vừa qua và trong thời gian tới trong yêu cầu phải báo cáo Chính phủ về những nỗ lực và thành quả của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

   Dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch quốc gia về thích ứng với BĐKHcủa Việt Nam” (NAP-GCF), được chia làm 3 Hợp phần với những mục tiêu cụ thể:

- Hợp phần 1 (Bộ TN&MT chủ trì ): Xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; tăng cường năng lực, kỹ thuật để tích hợp dữ liệu và thông tin, thẩm định các giải pháp và thực hiện các đánh giá để lập kế hoạch thích ứng với BĐKH.

- Hợp phần 2 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì): Thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, và địa phương; dự toán ngân sách các lĩnh vực ưu tiên; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành trong quản lý và triển khai các hoạt động thích ứng với BĐKH; đẩy mạnh thu hút sự tham gia của khối tư nhân vào các hoạt động thích ứng với BĐKH.

- Hợp phần 3 (Bộ TN&MT chủ trì): Hỗ trợ xây dựng khung giám sát, báo cáo và đánh giá các hoạt động thích ứng với BĐKH, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải và y tế.

Hương Mai

Ý kiến của bạn