29/07/2021
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đứng trước những thách thức chưa từng có. Đây là lúc DN cần sự “chuyển mình” trong tư duy và cách thức kinh doanh. Do dó, lựa chọn phát triển bền vững (PTBV) đã không còn là chuyện của những DN lớn.
Với công cụ đánh giá mức độ PTBV của DN là Bộ chỉ số DN bền vững (CSI), mục tiêu của Chương trình Đánh giá, Công bố DN bền vững tại Việt Nam không chỉ là biểu dương các DN có tư duy kinh doanh nhân văn, cân bằng lợi ích kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, mà còn nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy cộng đồng DN thực hiện quản trị DN bền vững. Qua 5 năm triển khai, Chương trình đã thu hút được đông đảo DN (khoảng 1.500 DN) hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau trên toàn quốc nộp hồ sơ tham gia. Việc được bình chọn trong danh sách “DN bền vững” hàng năm của Chương trình chính là một danh hiệu đáng tự hào, là sự ghi nhận của Chính phủ, các Bộ, ban/ngành, cộng đồng DN, các tổ chức, xã hội về hoạt động của những DN tiên phong có đóng góp xuất sắc vào sự PTBV của cộng đồng DN Việt Nam. Đồng thời, danh hiệu này cũng mở ra cho các DN cơ hội nâng cao uy tín, thương hiệu, thu hút nguồn nhân lực, cơ hội kinh doanh mới thông qua việc gia tăng lòng tin của các đối tác, nhà đầu tư và cổ đông, góp phần vào việc phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện, thành công lớn nhất của Chương trìnht trước hết phải kể đến là sự chuyển biến về nhận thức, thay đổi trong tư duy kinh doanh khi DN được tiếp cận nhiều hơn đến khái niệm PTBV. DN hiểu rõ hơn về lợi ích của PTBV, đó không phải là chi phí, mà hơn hết đó chính là cơ hội sát sườn của DN. Theo báo cáo Kinh doanh tốt hơn, Thế giới tốt hơn, thực hiện thành công 17 mục tiêu PTBV có thể tạo ra thị trường trị giá ít nhất 12 nghìn tỷ USD mỗi năm và 380 triệu việc làm mới vào năm 2030.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình quan trọng như Diễn đàn DN PTBV Việt Nam (VCSF), Hội nghị toàn quốc về PTBV, Hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã góp phần không nhỏ để thúc đẩy đối thoại về PTBV ở quy mô quốc gia, qua đó đưa PTBV DN vào trong chương trình nghị sự của Chính phủ, các Bộ, ngành và đưa PTBV vào trọng tâm chiến lược kinh doanh của cộng đồng DN. Theo kết quả thu được từ Khảo sát nhanh về Thực trạng DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và Kiến nghị từ DN Hội viên VBCSD do VBCSD thực hiện đầu năm 2020, những DN có cam kết mạnh mẽ thực hiện PTBV nói chung và quản trị DN bền vững thông qua áp dụng Bộ chỉ số CSI nói riêng đã, đang chịu ít thiệt hại từ đại dịch COVID-19 hơn. Những DN tiêu biểu của cộng đồng DN Việt Nam như PAN Group, PNJ, Bảo Việt, Traphaco đều khẳng định định hướng PTBV của DN đã phát huy hiệu quả rõ ràng nhất trong “tâm bão” COVID-19, DN trụ vững và chống chịu tốt hơn trước thách thức của đại dịch. Như vậy có thể thấy, CSI là công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu của DN - điều này đã được chứng minh qua tình hình hoạt động của DN trong bối cảnh COVID-19 hiện nay.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu tại Lễ công bố DN PTBV Việt Nam năm 2020
Năm nay, VBCSD tiếp tục phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ TN&MT và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Chương trình Đánh giá, công bố DN bền vững tại Việt Nam với nhiều sự thay đổi trong tiêu chí xét chọn. Chương trình sẽ tiếp nhận hồ sơ của DN ở mọi quy mô và lĩnh vực trên toàn quốc, thông qua hình thức nộp hồ sơ bản cứng hoặc khai trực tuyến và không thu bất kỳ khoản phí nào từ DN. Theo đó, các DN tham gia Chương trình sẽ khai thông tin với 119 chỉ số ở bốn lĩnh vực: Kết quả PTBV, Quản trị; Môi trường và Lao động - Xã hội. Tuy nhiên, dấu ấn quan trọng nhất của CSI 2021 chính là ở sự phân cấp các chỉ số thành ba cấp độ dành cho các quy mô DN khác nhau. 53 chỉ số ký hiệu M dành chung cho tất cả loại hình DN và là các chỉ số tối thiểu dành cho các DN nhỏ và siêu nhỏ. 28 chỉ số ký hiệu C (chỉ số cơ bản) dành cho DN vừa và lớn, 38 chỉ số ký hiệu A (chỉ số nâng cao) thể hiện việc DN, ngoài tuân thủ pháp luật còn xây dựng được một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh, bảo đảm các lợi ích kinh doanh bền vững cho đối tác và các bên liên quan khác. Như vậy, muốn nhập cuộc, DN nhỏ và siêu nhỏ cần bảo đảm việc triển khai đầy đủ các nội dung của chỉ số M, tùy theo tình hình thực tế sản xuất - kinh doanh, có thể khai thêm thông tin theo các chỉ số C và A để nhận thêm điểm thưởng từ Ban tổ chức. Tương tự, DN vừa và lớn cần bảo đảm khai đủ thông tin theo các chỉ số M và C và có thể khai thêm thông tin theo các chỉ số A...
Thông qua việc phân cấp các chỉ số của Bộ chỉ số CSI 2021 theo các quy mô DN khác nhau, VBCSD muốn nhấn mạnh và truyền tải đi thông điệp “PTBV không phải là chuyện xa vời, to lớn chỉ dành cho các DN lớn, mà rất thiết thực và có thể được hữu hình thông qua việc thực hiện tốt các quy định pháp luật. PTBV hoàn toàn có thể được thực hiện ở tất cả các cấp độ DN. Điều này đặc biệt hữu ích cho các DN trong nước, vốn có đến hơn 95% là DN vừa và nhỏ. Giờ đây, thay vì mất nhiều công sức tự mày mò nghiên cứu “ma trận” thông tin, DN có thể hình dung ra lộ trình thực hiện PTBV theo quy mô từ nhỏ đến lớn, từ đó tự xây dựng được chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với năng lực hiện tại và định hướng tương lai. Điều này giúp DN tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nguồn lực trong quản trị DN theo định hướng PTBV. Theo cách đó, tinh thần và văn hóa PTBV đã được lan tỏa mạnh mẽ hơn, đến với cả những đối tượng DN từng có lúc cảm thấy “bị lọt khỏi tấm lưới” hỗ trợ phát triển.
Điểm mới của Chương trình CSI 2021 còn nằm ở hai giải thưởng phụ về “Bình đẳng giới tại nơi làm việc” và “Quyền trẻ em trong kinh doanh”. Đây đều là những nội dung mà cộng đồng DN thế giới rất quan tâm, thể hiện tầm nhìn “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong văn hóa DN kinh doanh bền vững. Bởi DN có thể đóng góp cho việc cải thiện cuộc sống của trẻ em thông qua những chính sách và thực hành kinh doanh có trách nhiệm của mình, đóng góp cho sự PTBV. Tôn trọng quyền của trẻ em như một phần chương trình bền vững của DN sẽ giúp xây dựng cộng đồng vững mạnh hơn, là yếu tố thiết yếu tạo dựng môi trường kinh doanh hiệu quả, hòa nhập và ổn định. Với vấn đề cải thiện bình đẳng giới tại nơi làm việc, đây là yếu tố đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, thu hút và giữ chân nhân tài, những yếu tố then chốt đối với sự PTBV của DN. Giải thưởng là cơ hội để các DN Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế về bình đẳng giới, hướng đến xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, đa dạng và bền vững.
Bên cạnh những nội dung trên, VBCSD đã, đang và sẽ tập trung nhiều nguồn lực để thúc đẩy DN triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vì đây không chỉ là mô hình ưu việt đang được cộng đồng DN quốc tế theo đuổi mà còn là một định hướng quan trọng đã được đưa vào các chính sách phát triển kinh tế gần đây của Chính phủ. VCCI cũng sẽ nghiên cứu để mở rộng thêm giải thưởng phụ về kinh tế tuần hoàn trong khuôn khổ Chương trình CSI trong các năm tới.
PTBV là mục tiêu phấn đấu chung của toàn cầu với 17 nhóm mục tiêu, trong đó có 169 chỉ tiêu cụ thể. Việt Nam đã có kế hoạch hành động quốc gia, lồng ghép 17 mục tiêu quốc tế và chọn ra các mục tiêu cụ thể của Việt Nam để đưa vào các văn kiện của Đảng, Bộ luật, Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Việt Nam đã về đích sớm trong việc thực hiện một số chỉ số PTBV của Liên hợp quốc và đạt thứ hạng tương đối cao trong khu vực (chỉ đứng sau Thái Lan). Nhìn dài hạn, để đạt được các mục tiêu đề ra trong mười năm tới chúng ta vẫn còn rất nhiều thách thức lớn. Tuy có nhiều tiến bộ, nhưng sức lan tỏa của PTBV ở nước ta còn chưa cao. Nước ta hiện có khoảng 800.000 DN, nhưng chỉ có khoảng 2.000 DN (chiếm hơn 2%) là thành viên của cộng đồng DN PTBV ở Việt Nam, và mới có khoảng 100.000 DN (gần 15%) tiếp cận được các thông tin về PTBV. Vậy nên, CSI sẽ là công cụ để giúp cho cộng đồng DN kiên định với mục tiêu PTBV và lan tỏa, cùng nhau đi đến cùng trên con đường này.
Trong thời gian tới, VBCSD sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động cốt lõi: Truyền thông - nâng cao nhận thức, nghiên cứu, đào tạo, hợp tác quốc tế và thúc đẩy quan hệ đối tác để thực hiện các sáng kiến mới về PTBV DN. Cùng với đó, VBCSD cũng sẽ tiếp tục tổ chức các diễn đàn thường niên đối thoại về PTBV để cộng đồng DN có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện PTBV, cũng như góp tiếng nói kiến nghị chính sách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN. Để có thể biến nguy thành cơ, hỗ trợ DN nhanh chóng bắt kịp xu thế phát triển của DN toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh để trụ vững trên sân nhà và vươn ra thế giới, VBCSD sẽ tập trung nguồn lực thực hiện tốt 2 định hướng: Thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và xây dựng một cộng đồng DN có nền tảng quản trị DN bền vững. Đó chính là những “lối tắt” để DN Việt có thể “đi tắt, đón đầu”.
Thực tiễn hoạt động của cộng đồng DN Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp cũng cho thấy, những DN nào xây dựng được cho mình mô hình quản trị theo hướng PTBV sẽ có khả năng chống chịu cao hơn, kiên cường hơn, thậm chí có DN không chỉ trụ vững mà còn tìm ra cơ hội để bứt phá, vượt lên. CSI đã không “đóng khung” sau sáu mùa bình chọn và sự thay đổi sẽ còn tiếp tục vì tầm nhìn “Không để ai bị bỏ lại phía sau” sẽ còn mang đến những thay đổi quan trọng khác trong lối tư duy chiến lược của cộng đồng DN.
Nguyễn Thị Quỳnh Nga
Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2021)