Banner trang chủ

Bảo vệ và phát huy giá trị “lá phổi xanh” - Khu đất ngập nước Đồng Rui

30/06/2021

    Khu đất ngập nước (ĐNN) Đồng Rui, với hệ sinh thái chính là rừng ngập mặn thuộc xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh nằm trên Quốc lộ 18, cách trung tâm TP. Hạ Long khoảng 60 km. Rừng nằm ở vị trí giáp ranh giữa TP.Cẩm Phả, huyện Tiên Yên và huyện Ba Chẽ và ở cửa sông Ba Chẽ. Những năm trở lại đây, rừng được biết đến như lá phổi xanh BVMT với hệ sinh thái đa dạng, là nơi trú ngụ nhiều loại thủy sản quý hiếm. Nhận biết rõ giá trị của nơi này, thời gian qua, chính quyền và người dân xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của rừng. Hiện Khu ĐNN Đồng Rui đang phấn đấu để được công nhận thành khu Ramsar cho vùng ĐNN tại Việt Nam.

Hệ sinh thái ngập nước đặc hữu

    Hiện nay, Đồng Rui có trên 1.800 ha rừng ngập mặn, chiếm gần 50% diện tích tự nhiên của xã với nhiều loài cây như sú, vẹt, đước, mắm, trang... Và là môi trường sống của các loại động vật như tôm, cua, cá, ngán, sá sùng... Với hệ sinh thái đa dạng, phong phú như vậy, không  chỉ mang lại nguồn lợi thủy sản vô cùng lớn, góp phần ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho người dân, mà đây còn là điều kiện để Đồng Rui đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch sinh thái. Rừng ngập mặn được đánh giá là một trong những khu vực còn giữ nguyên tính đa dạng sinh học, có hệ sinh thái đặc thù của vùng ĐNN. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, tính độc đáo về địa hình, địa mạo tại một số cánh rừng ngập mặn ở địa phương này khác biệt hẳn với các vùng rừng ngập mặn khác tại Việt Nam. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, bờ biển khu vực rừng ngập mặn Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) thuộc kiểu bờ Đanmat. Được hình thành do quá trình chia cắt, kiến tạo của vùng núi có uốn nếp, sau đó bị biển làm ngập trong thời gian biển tiến kỷ băng hà lần cuối cùng. Đường bờ phía Bắc, từ Mũi Chùa đến hết xã Hải Lạng (giáp QL18), có hướng song song với đường vĩ tuyến, gần vuông góc với QL18; đường bờ phía Tây, đúng hướng Bắc - Nam của kinh tuyến tạo nên một góc vuông.

    Đây là đặc điểm duy nhất chỉ vùng ĐNN này mới có, khác biệt hẳn với các vùng ĐNN khác trên bờ biển Việt Nam. Điểm góc vuông này tạo thế đón gió mùa Đông Nam và tạo ra vùng mưa lớn trên không gian thị trấn Tiên Yên. Chính lượng mưa này tích thủy đổ xuống vùng ĐNN Đồng Rui - Hải Lạng - Cộng Hòa. Với địa thế có đảo Cái Bầu (huyện Vân Đồn) che chắn ở phía Đông, nhờ đó, đây là một thủy vực khá tĩnh lặng so với các vùng ĐNN khác. Chính sự tĩnh lặng cơ học và nguồn nước ở đây đã hình thành nên một hệ sinh thái rất tốt cho thủy sinh vật, vừa thuận lợi cho việc cư trú, cũng như việc sinh sản, dễ tạo thế ổn định đối với việc phát triển nguồn lợi thủy sản.

    Ngoài rừng ngập mặn là hệ sinh thái chính, KHU ĐNN Đồng Rui cũng được xác định có thêm 6 hệ sinh thái, bao gồm: Hệ sinh thái cửa sông, bãi triều, đầm nuôi, hồ ao, nông nghiệp (ruộng lúa, hoa mầu), khu dân cư. Đây cũng là khu vực được xác định có mức độ đa dạng loài cao và nhiều loài có giá trị kinh tế, cũng như giá trị trong bảo tồn đa dạng sinh học. Theo kết quả nghiên cứu Dự án thành lập Khu bảo tồn ĐNN Đồng Rui, huyện Tiên Yên, trong 1.227 loài đã xác định được 67 loài quý hiếm có giá trị bảo tồn theo cấp độ khác nhau. Dự án do UBND tỉnh làm chủ đầu tư; Sở TN&MT là cơ quan chủ trì thực hiện; Trường Đại học Khoa học tự nhiên là đơn vị tư vấn... Tổng hợp các kết quả khảo sát điều tra về ĐDSH vùng ĐNN cửa sông Tiên Yên, Ba Chẽ của Hoàng Văn Thắng và cộng sự (2006 - 2007) thuộc Trung tâm Nghiên cứu TN&MT, Đại học quốc gia Hà Nội cho thấy, tại đây đã ghi nhận được 260 loài động vật đáy (ĐVĐ) thuộc 87 họ, 188 loài thực vật nổi (TVN), 49 loài động vật nổi (ĐVN), 33 loài rong biển, 4 loài cỏ biển, 15 loài thực vật ngập mặn (TVNM) và 77 loài chim và 13 loài thú. Vùng cửa sông ven biển Quảng Ninh trong đó có cửa sông Tiên Yên đã phát hiện được 195 loài cá thuộc 68 họ, 15 bộ. Vùng cửa sông Tiên Yên – Ba Chẽ có diện tích lớn bãi triều có phủ và không phủ RNM, là môi trường thuận lợi cho các loài động vật nổi sinh sống. Chiếm ưu thế về số lượng loài là ngành thân mềm với 175 loài (chiếm 67%) thuộc 56 họ, các lớp giáp xác (ngành chân khớp), lớp giun nhiều tơ (ngành giun đốt) có số loài khá cao lần lượt là 39 và 36 loài. Số loài có giá trị kinh tế là 75 loài, 1 loài bị đe dọa.

Xã Đồng Rui phối hợp với các tổ chức quốc tế trồng cây phủ xanh các bãi triều rừng ngập mặn

Bảo vệ và khai thác bền vững giá trị của rừng ngập mặn

    Nhằm giữ gìn và bảo vệ rừng ngập mặn Đồng Rui, xác định chúng có vai trò lớn trong tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm của huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp. Xã đã thành lập các tổ tự quản bảo vệ rừng ở các thôn nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ hệ sinh thái rừng; thường xuyên tuần tra, kịp thời phát hiện những vụ việc xâm hại, chặt phá cây rừng, đánh bắt thủy sản bằng phương pháp tận diệt. Nhờ đó, người dân trong xã luôn có ý thức BVMT sinh thái rừng ngập mặn. Đến nay, hầu như không còn hiện tượng người dân chặt cây, phá rừng. Hàng năm, xã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tổ chức trồng rừng ngập mặn tại những bãi triều hoang hóa, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Từ năm 2015 đến nay, trồng thêm được 300 ha rừng ngập mặn tại các bãi triều. Trong thu hút đầu tư, chính quyền xã cũng ưu tiên các ngành nghề, dự án thân thiện với môi trường.

    Bên cạnh vai trò quan trọng trong bảo vệ tuyến đê biển, BVMT, rừng ngập mặn Đồng Rui còn là nơi sinh sống của nhiều nguồn hải sản quý như ngán, sá sùng, tôm, cua... Từ khi được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, nguồn lợi hải sản ở rừng ngập mặn Đồng Rui ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Nhờ đó, người dân xã đã phát triển nhiều mô hình kinh tế, như nuôi trồng thủy sản, nuôi vịt biển lấy trứng, nuôi ong. Đồng Rui hiện có trên 300 ha nuôi trồng thủy sản, với 60 doanh nghiệp, hộ nuôi, chủ yếu là nuôi tôm. Năm 2018 được đánh giá là một năm khởi sắc của xã trong phát triển kinh tế thủy sản, với tổng sản lượng đạt 819,8 tấn; trong đó khai thác 462,8 tấn, nuôi trồng 357 tấn; tổng giá trị sản xuất ngư nghiệp đạt hơn 30 tỷ đồng, tăng mạnh so với những năm trước.

    Để bảo vệ và khai thác bền vững giá trị của rừng ngập mặn, trong định hướng phát triển, huyện Tiên Yên đã và đang thu hút các nhà đầu tư để xây dựng Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Đồng Rui. Trong đó, huyện sẽ phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng - Những sản phẩm hứa hẹn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Cùng sự chung tay gìn giữ, bảo vệ của người dân và chính quyền địa phương, diện tích rừng ngập mặn Đồng Rui ngày càng được mở rộng để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn hiện nay; trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách đối với các sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế xanh, bền vững của huyện.

    Với các tính chất đặc thù trên, Khu ĐNN Đồng Rui được đánh giá là có đủ điều kiện đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của một vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế đã quy định trong Công ước Ramsar. Tháng 8/2020, Sở TN&MT đã lập hồ sơ đề nghị công nhận khu Ramsar cho Khu ĐNN Đồng Rui. Dự án đã tiến hành nghiên cứu điều tra bổ sung, phân tích, đánh giá các số liệu về tự nhiên, môi trường, đa dạng sinh học, kinh tế - xã hội tại khu vực ĐNN Đồng Rui… theo hướng dẫn của Ban Thư ký Công ước Ramsar. Việc sớm được công nhận là khu Ramsar trong thời gian tới sẽ giúp nâng cao vị thế của vùng ĐNN Đồng Rui nói chung và rừng ngập mặn Đồng Rui nói riêng đối với các quốc gia trên thế giới. Từ đó, tỉnh sẽ có những biện pháp kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển tài nguyên sinh vật của vùng. Việc được công nhận khu Ramsar cũng là cơ sở khoa học để quảng bá hình ảnh về đa dạng sinh học của vùng ĐNN Đồng Rui đối với cộng đồng các nhà khoa học trong và ngoài nước; tăng cường sự hấp dẫn để thu hút đầu tư về nghiên cứu khoa học cũng như phát triển kinh tế nói chung và du lịch sinh thái nói riêng.

Nguyễn Thị Hạnh

UBND huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi truwòng số 6/2021)

Ý kiến của bạn