16/12/2020
Voọc mông trắng là một trong 25 loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, đồng thời cũng là loài bị đe dọa ở mức “cực kỳ nguy cấp” của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Tại Việt Nam, voọc mông trắng chỉ còn khoảng 300 cá thể ngoài tự nhiên, phân bố chủ yếu ở Khu bảo tồn (KBT) đất ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình và vùng rừng thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Là tỉnh nằm ở ven đồng bằng sông Hồng, Hà Nam hiện còn một khu rừng duy nhất trong quần thể khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc. Đây là nơi sinh sống của các loài động vật hoang dã (ĐVHD). Năm 2016, tại khu vực rừng Kim Bảng, Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đã tiến hành nghiên cứu hiện trạng đa dạng sinh học, qua đó, phát hiện nhiều loài động, thực vật quý hiếm như khỉ mốc, diệc núi, chim hồng hoàng, sóc bụng đỏ, chim mào vàng, chim hút mật họng tím…, đặc biệt, đã phát hiện 13 đàn voọc mông trắng với 73 cá thể. Tuy nhiên, sinh tồn của quần thể voọc này hiện đang chịu tác động trực tiếp từ hoạt động khai thác đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng với quy mô lớn trong khu vực. Ngoài ra, nạn săn bắt, đặt bẫy cùng hoạt động khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ của người dân cũng làm suy giảm chất lượng sinh cảnh vốn rất hạn chế của các đàn voọc.
Trước thực trạng đó, ngày 10/7/2020, Tổ chức FFI gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kiến nghị về việc bảo tồn khẩn cấp loài voọc mông trắng tại rừng Kim Bảng. Ngày 24/7, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6026/VPCP-KGVX gửi Bộ NN&PTNT; UBND tỉnh Hà Nam, trong đó, giao UBND tỉnh Hà Nam khẩn trương chỉ đạo, tổ chức áp dụng các biện pháp cấp bách bảo vệ quần thể voọc mông trắng tại sinh cảnh sống tự nhiên trên địa bàn theo Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017; rà soát, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác đá trên địa bàn, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của loài voọc mông trắng trong tự nhiên. Bộ NN&PTNT có trách nhiệm xem xét, hướng dẫn UBND tỉnh Hà Nam thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ loài voọc mông trắng; chỉ đạo cơ quan chức năng tại địa phương có liên quan tổ chức nghiên cứu, đề xuất lập KBT loài và sinh cảnh nhằm bảo tồn lâu dài quần thể voọc mông trắng trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật.
Vọoc mông trắng tại rừng Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
Nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này, tháng 1/2019, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức Hội nghị tham vấn, xây dựng Đề án xác lập KBT voọc mông trắng; đồng thời, xác định khu vực trùng lặp trong quy hoạch; đánh giá tác động của con người tới KBT. Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam cũng có công văn đề nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh tham mưu, kiến nghị, trình Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, xem xét về quy hoạch khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trong những khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ của tỉnh; di chuyển khu mỏ đá dự kiến phục vụ dây chuyền 3 của Nhà máy xi măng Xuân Thành sang vị trí khác. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm phối hợp với kiểm lâm tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nội trong công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền vận động nhân dân không săn bắt ĐVHD, chặt phá rừng và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT phối hợp với Tổ chức FFI, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD) xây dựng Đề án thành lập KBT voọc mông trắng Hà Nam; thành lập tổ bảo vệ rừng cộng đồng; mở lớp tuyên truyền về bảo vệ rừng, voọc mông trắng và BVMT cho khoảng 1.450 người dân.
Hiện nay, loài voọc mông trắng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, chỉ còn được ghi nhận ở khu vực Vân Long (Ninh Bình), khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Vì vậy, việc bảo tồn voọc mông trắng sẽ góp phần tạo cảnh quan Tràng An, Tam Chúc với những khu rừng được bảo vệ, kết hợp thành một vùng Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Sự kết hợp này sẽ thúc đẩy hoạt động bảo tồn loài voọc mông trắng, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo đó, để bảo tồn loài voọc mông trắng và những di sản thiên nhiên khác, cần quy hoạch toàn bộ khu rừng Kim Bảng, bao gồm vùng rừng thuộc khu vực Tam Chúc, huyện Kim Bảng và một phần huyện Thanh Liêm thành KBT (rừng đặc dụng), có ban quản lý, lực lượng kiểm lâm.
Hiện tỉnh Hà Nam đã có Công văn số 1265/UBND-NN&TNMT ngày 18/5/2017 về chủ trương xây dựng Đề án thành lập KBT loài và sinh cảnh voọc mông trắng, diện tích 3.500 ha với 2 khu: Vùng lõi hay phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (khu rừng trưởng thành/sinh cảnh sống của voọc) và phân khu phục hồi rừng (khu vực bị suy thoái do khai thác đá vôi có khả năng phục hồi). Khu vực đề xuất xác lập KBT loài sinh cảnh nằm ở phía Tây Nam thành phố Phủ Lý, trên địa bàn hành chính thị trấn Ba Sao, xã Thanh Sơn và Liên Sơn (Kim Bảng), là khu vực liền dải, có giá trị đa dạng sinh học cao, với 488 loài thực vật bậc cao có mạch, 126 loài động vật có xương sống ở cạn, trong đó, nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, đây cũng là sinh cảnh sống của voọc mông trắng. Tổng diện tích khu vực đề xuất bảo tồn khoảng 2.438,3 ha, trong đó diện tích đất có rừng 2.373,3 ha (chiếm 97,3%); diện tích đất chưa có rừng là 3,4 ha (tương ứng 0,14%); diện tích mặt nước khoảng 50 ha (chiếm 2,1%); đất khác 0,4%.
Có thể thấy, việc xây dựng KBT loài sinh cảnh voọc mông trắng ở Kim Bảng có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, đồng thời là cơ sở cho nghiên cứu khoa học và tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng. Hy vọng, những việc làm thiết thực mà chính quyền và người dân tỉnh Hà Nam đang chung tay thực hiện sẽ sớm phát huy hiệu quả, góp phần bảo tồn và phát triển loài linh trưởng quý hiếm này trên địa bàn.
Trương Huyền
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2020)
Voọc mông trắng có trọng lượng khoảng 8,1 - 9 kg; chiều dài đầu và thân từ 0,46 - 0,665 m; trên đỉnh đầu có mào lông màu đen và vệt lông trắng khá rộng, kéo dài từ hai bên má lên phía trên vành tai. Chân có bộ lông màu đen, vùng mông có lông màu trắng kéo dài tới tận gốc đuôi và đùi; chân tay dài, đuôi dài hơn thân, lông đuôi màu đen. Voọc mông trắng phân bố ở rừng già, rừng nguyên sinh trên núi đá nhiều hang động. Tuy nhiên, do sự chia cắt địa hình nên chúng sống cả trong sinh cảnh rừng nghèo, thậm chí chỉ có dây leo, bụi rậm. Thức ăn chủ yếu là chồi, lá, quả cây, vùng hoạt động kiếm ăn tương đối rộng, cả trên núi đất lẫn núi đá, phạm vi sống của mỗi đàn từ 20 - 50 ha.
|