Banner trang chủ

Bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm ở Vườn quốc gia Ba Bể

19/11/2021

    Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể được thành lập theo Quyết định số 83/TTg ngày 10/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích 7.610 ha, trong đó có 3.226 ha là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và hơn 300 ha diện tích mặt hồ. Vườn được công nhận là Vườn di sản ASEAN vào năm 2004, Khu Ramsar thứ 1.938 của thế giới và thứ 3 của Việt Nam vào năm 2011. Vườn có hệ sinh thái điển hình rừng thường xanh trên núi đá vôi và đất thấp, với các loài động, thực vật phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của con người, hệ sinh thái Vườn bị phá vỡ, sinh cảnh rừng thay đổi. Thêm vào đó, nạn săn bắt động vật ngày càng gia tăng đã đe dọa đến đa dạng sinh học (ĐDSH), cũng như sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã (ĐVHD).

    Hiện trạng bảo tồn động, thực vật hoang dã quý hiếm ở VQG Ba Bể

    Theo thống kê, VQG Ba Bể có 1.268 loài thực vật bậc cao, thuộc 162 họ, 672 chi, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam như: Nghiến, đinh, lim, trúc dây, lát hoa… Về động vật, có 81 loài thú, 27 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 322 loài chim, 106 loài cá, 553 loài côn trùng và nhện, trong đó có 66 loài quý hiếm và đặc hữu nằm trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam ở mức nguy cấp cần bảo tồn như: Phượng hoàng đất, gà lôi, gấu ngựa, gấu chó, dơi muỗi, sóc… Tuy nhiên, do nạn săn bắn, khai thác trái phép, các loài động, thực vật ngày càng suy giảm. Ngoài việc sử dụng làm thức ăn, các loài thú còn trở thành hàng hóa mang lại lợi nhuận cao cho các đối tượng săn, bắn, buôn bán động vật hoang dã. Những loài thú thường bị săn bắn là sơn dương, nai, hoẵng, cầy giông, cầy hương và các loài linh trưởng. Mặt khác, các hoạt động lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, đường giao thông và chăn thả gia súc tự do trong rừng đặc dụng đã làm mất sinh cảnh quan trọng của các loài thú hoang dã tại VQG. Các quần thể sống trong điều kiện sinh cảnh bị chia cắt và thu hẹp ngày càng dẫn tới tình trạng giảm về số lượng. Các loài thực vật quý hiếm luôn trong tầm ngắm của các đối tượng khai thác trái phép…

    Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm động, thực vật tại VQG Ba Bể chính là con người. Nhiều đối tượng thường xuyên khai thác, săn bắt động, thực vật trái pháp luật, thu hẹp sinh cảnh, tiêu thụ, buôn bán động, thực vật và các sản phẩm từ động, thực vật có nguồn gốc bất hợp pháp. Những hành vi này có thể xuất phát từ việc thiếu thông tin, kiến thức, thiếu sự quan tâm, thiếu các giải pháp thay thế, thiếu các công cụ luật pháp hoặc việc thực thi luật pháp chưa hiệu quả…

    Nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả

    Ông Phạm Văn Nam - Phó Giám đốc VQG Ba Bể cho biết, đứng trước thực trạng trên, Ban Quản lý VQG Ba Bể nói chung và lực lượng Kiểm lâm VQG Ba Bể nói riêng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để quản lý, bảo vệ động, thực vật tại đây, nhất là đối với các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm. Theo đó, VQG đã áp dụng nhiều giải pháp như bảo tồn nguyên vị, khôi phục môi trường sống, bảo vệ và phát triển quần thể, thực thi pháp luật. Thực hiện công tác điều tra, giám sát và lập danh mục các loài động, thực vật hiện có, đánh giá được thực trạng của các loài nguy cấp, quý hiếm. Cập nhật những biến động về thông tin, dẫn liệu khoa học về tập tính, sinh thái, tình trạng, phân bố, cấu trúc, mật độ và số lượng cá thể, quần thể loài hiện có để từ đó xây dựng các kế hoạch, chương trình ưu tiên bảo vệ.

Hồ Ba Bể nằm ở trung tâm VQG Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể

    Trong công tác tuyền truyền, lực lượng Kiểm lâm VQG đã tích cực phổ biến điều 234 Luật Hình sự sửa đổi năm 2017 về vi phạm quy định quản lý, bảo vệ động vật hoang dã; khoản 3, Điều 9, Luật Lâm nghiệp năm 2017 về nghiêm cấm săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng; thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật… tại các buổi họp với cộng đồng dân cư sinh sống trong trong VQG. Phân tích cho người dân, các tổ nhận khoán bảo vệ rừng hiểu rõ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm là các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, do vậy Nhà nước nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Giáo dục nâng cao nhận thức, giúp người dân thay đổi thái độ, từ đó điều chỉnh hành vi, cùng hành động bảo vệ động, thực vật quý hiếm trong VQG.

    Cùng với đó, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với các hoạt động săn, bắn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, nuôi, trồng động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2017 đến tháng 6/2021, lực lượng Kiểm lâm VQG Ba Bể đã phát hiện và xử lý 14 vụ vi phạm liên quan đến động, thực vật rừng. Cụ thể, năm 2017 xử lý 1 vụ săn bắt động vật rừng trái phép. Năm 2018, xử lý 5 vụ, trong đó 01 vụ vận chuyển động vật rừng trái phép (vận chuyển 4,4kg gồm 2 cá thể rắn ráo và 4 cá thể rắn hổ mang); 4 vụ vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng. Năm 2019, xử lý 4 vụ, trong đó 1 vụ săn bắt động vật rừng trái phép; 3 vụ vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng. Năm 2020, xử lý 2 vụ vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng. 6 tháng đầu năm 2021, xử lý 2 vụ săn bắt động vật hoang dã trái quy định; tịch thu tang vật gồm 11 bẫy tự chế, 3 lồng bẫy chim và thả lại môi trường tự nhiên 2 cá thể chim chích choè, 10 cá thể chim cuốc. Ngoài ra, ngăn chặn nhiều vụ vi phạm về đánh bắt thủy sản mang tính chất hủy diệt trên vùng hồ Ba Bể.

    Với những nỗ lực của VQG Ba Bể, công tác quản lý, bảo tồn động, thực vật quý hiếm trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm liên quan đến động, thực vật quý hiếm giảm nhiều so với những năm trước; không còn những điểm nóng, điểm phức tạp về mua bán, chế biến, tiêu thụ động, thực vật quý hiếm. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền pháp luật; tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân sinh sống, phát triển kinh tế, từ đó nâng cao ý thức tham gia gìn giữ, bảo tồn giá trị động, thực vật của VQG.

Đức Anh

Ý kiến của bạn