13/07/2023
Ô nhiễm nhựa hiện nay là một thách thức lớn ở cả cấp độ toàn cầu cũng như với từng quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn (KTTH) ngày càng được chú trọng phát triển, việc áp dụng KTTH trong lĩnh vực nhựa có tiềm năng đem tới nhiều lợi ích, bao gồm giảm ô nhiễm trên đất liền và trên biển, giảm phát thải khí nhà kính, tạo sinh kế xanh, tiết kiệm cho ngân sách và các doanh nghiệp. Đã có nhiều mô hình KTTH trong lĩnh vực nhựa được áp dụng trên thế giới, cùng với một số mô hình tiên phong ở Việt Nam đem lại hiệu quả. Việc phát triển KTTH trong thời gian tới cần chú trọng nghiên cứu, đổi mới cách tiếp cận, công nghệ, giải pháp, trên cơ sở phân tích lộ trình phù hợp.
1. Bối cảnh
Bối cảnh toàn cầu hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức với sự phát triển bền vững. Dân số toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng nhanh, có khả năng đạt 8,5 tỷ người vào năm 2030 và 9,7 tỷ người vào năm 2050 (UNDESA, 2019). Nồng độ khí nhà kính (GHG) trong bầu khí quyển hàng năm đạt mức kỷ lục, với tổng lượng bức xạ tăng 43%, kể từ năm 1990 (WMO, 2019). Qua quá trình hợp tác và kết nối mạnh mẽ giữa các quốc gia, khu vực, các hoạt động tiêu dùng và thải bỏ hàng hóa, cùng với sử dụng năng lượng của chúng ta ngày nay có ảnh hưởng ở cấp độ toàn cầu và vì vậy cũng cần có nỗ lực trên toàn thế giới để giải quyết.
Rác thải nhựa đã và đang là vấn nạn toàn cầu, cũng như tại Việt Nam. Theo báo cáo của OECD (2022), trong năm 2021, thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000. Các ước tính cho thấy mỗi năm, có từ 4,8 đến 12,7 triệu tấn chất thải nhựa trên đất liền không được quản lý tốt đã tràn vào và tích tụ ở các đại dương (Jambeck et al., 2015).
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn (Báo cáo Bộ TN&MT). Là một ngành công nghiệp sản xuất và phụ trợ quan trọng, ngành nhựa Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhưng phải đối diện với nhiều thách thức. Đây là một trong những ngành được xác định cần ưu tiên áp dụng kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong các chính sách liên quan. Đối với ngành nhựa, Việt Nam đã có một số công cụ chính sách trong việc thúc đẩy hình thành và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn với ngành nhựa khác nhau. Năm 2019, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Quyết định số 1746/QĐ-TTg). Luật BVMT năm 2020 cũng đã có các điều khoản quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp, nhà sản xuất, nhập khẩu cũng như người tiêu dùng đối với chất thải nhựa.
2. Động lực chuyển đổi KTTH trong lĩnh vực nhựa
Vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa trên toàn cầu: Năm 2019, thế giới đã sử dụng tới 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000 là 234 triệu tấn (OECD, 2022). Cùng thời gian đó, lượng rác thải nhựa cũng đã tăng hơn gấp đôi, từ 156 triệu tấn năm 2000 lên 353 triệu tấn năm 2019. Lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ đạt 9%, trong khi 19% cho vào lò đốt, gần 50% chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn và còn khoảng 22% lượng rác thải nhựa không được quản lý một cách phù hợp. Năm 2019 có khoảng 22 triệu tấn vật liệu nhựa bị rò rỉ ra môi trường, trong đó vi nhựa (có đường kính < 5mm) chiếm khoảng 12%; với 109 triệu tấn nhựa tích tụ trong các con sông (OECD, 2022).
Ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam: Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn (WB, 2022). Chất thải nhựa là loại chất thải với số lượng lớn nhất thu gom được trong các cuộc điều tra thực địa do WB tài trợ (khoảng 94% tổng số rác thải). Trong đó, bao bì thực phẩm mang đi là loại rác thải nhựa với số lượng lớn nhất tìm được trong các cuộc điều tra thực địa (44% tổng số mặt hàng). Khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Trong số này, có 1,28 triệu tấn (33%) được tái chế (WB, 2021). Có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ mỗi năm, tức là không được tái chế, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm.
Thay đổi thói quen tiêu dùng và dòng thương mại: Sự gia tăng rác thải nhựa cùng với tác động tiêu cực tới môi trường thiên nhiên đã và đang giúp thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết “xanh” và “sạch”. Thương mại quốc tế của các sản phẩm thân thiện môi trường, các sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc thiên nhiên đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua, hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Ví dụ các khu vực, quốc gia đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có phát thải carbon lớn…
Triết lý của KTTH: Nếu kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và thải bỏ sau tiêu dùng (dẫn đến một lượng chất thải khổng lồ) thì KTTH chú trọng việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra chất thải. Áp dụng KTTH trong bối cảnh ngày nay là cơ hội để hình thành thành xu hướng tách rời giữa tăng trưởng kinh tế, phúc lợi xã hội với giảm thiểu sử dụng tài nguyên, tác động môi trường. Tuy nhiên xu thế lý tưởng về tách rời giữa phát sinh chất thải và tăng trưởng kinh tế trong thực tiễn là không dễ đạt được. Điều này đòi hỏi cần có các nhóm chính sách thúc đẩy hiệu quả tài nguyên, tiêu dùng bền vững, kéo dài vòng đời sản phẩm và quản lý chất thải tổng hợp giúp tái chế và phục hồi các nguồn tài nguyên đã qua sử dụng.
Những triển vọng áp dụng KTTH với ngành nhựa: Chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH mang lại những lợi ích trong bối cảnh khủng hoảng tài nguyên; hiện thực hóa mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững và lan tỏa tới các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) trong bối cảnh của biến đổi khí hậu (BĐKH). Tạo ra khả năng thích ứng lâu dài, cơ hội kinh doanh mới và cho cả nền kinh tế, lợi ích môi trường và xã hội: Mô hình KTTH góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất, từ đó tạo ra các lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp; và cũng tạo ra các cơ hội việc làm mới. KTTH giúp tận dụng các lợi ích của nhựa và mang lại các kết quả tốt hơn về môi trường, kinh tế và xã hội từ quan điểm vòng đời sản phẩm. Việc xây dựng chính sách KTTH sẽ giúp loại bỏ các mặt hàng nhựa không cần thiết và phát triển một hệ thống tuần hoàn vật liệu (Ellen MacArthur Foundation, 2020).
Pháp luật, chính sách khuyến khích KTTH của Việt Nam: Khung pháp lý về thúc đẩy KTTH thời gian quan đã được ban hành hoặc trong các quá trình xây dựng: Luật Bảo vệ môi trường (BVMT); Nghị định hướng dẫn thực hiện KTTH trong Luật BVMT; Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH (sắp ban hành)… Trong hệ thống chính sách đã có các chính sách, hỗ trợ cụ thể cho KTTH như: Ưu tiên đầu tư phát triển KTTH cho nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ; Cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu; Hoạt động, dự án áp dụng mô hình KTTH thuộc đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ về BVMT, dự án xanh được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn, miễn giảm thuế, phí theo quy định liên quan; Khuyến khích các hoạt động phát triển KTTH: phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ; các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm; phát triển thị trường tái sử dụng…
Các chính sách liên quan và hỗ trợ cho quá trình thực hiện KTTH cũng đã được quy định triển khai: Phát triển công nghiệp môi trường: cung cấp công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ yêu cầu về bảo vệ môi trường; Phát triển dịch vụ môi trường: Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường… Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; nhãn sinh thái; Mua sắm xanh: mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được công nhận theo quy định; Tín dụng xanh: các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung; Trái phiếu xanh: trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định để huy động vốn cho hoạt động BVMT, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.
3. Các mô hình KTTH trong lĩnh vực nhựa trên thế giới và ở Việt Nam
Nhìn chung, các mô hình kinh doanh hiện nay trong ngành nhựa vẫn bị chi phối nhiều bởi các mô hình kinh doanh truyền thống và tuyến tính mà ít hoặc không tập trung vào tính tuần hoàn. Dẫu vậy, nhiều mô hình kinh doanh mới được nhiều học giả và các tổ chức coi là động lực chính để tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang KTTH. Việc hướng tới các mô hình kinh doanh tuần hoàn và bền vững hơn trong hệ thống sản xuất và tiêu thụ nhựa - thường được hỗ trợ thông qua đổi mới xã hội và công nghệ - có tiềm năng rất lớn trong việc giảm thiểu môi trường và tác động của khí hậu. Dưới đây là một số mô hình đặc trưng về áp dụng KTTH trong lĩnh vực nhựa đang được áp dụng trên thế giới. Điểm lưu ý là giữa một số mô hình kinh doanh cụ thể trong các mô hình KTTH được tổng hợp có sự tương đồng dù tên gọi có thể khác nhau, hoặc có sự giao thoa giữa các mô hình cụ thể trong các cách phân loại.
a) Mô hình cung ứng tuần hoàn: Mô hình này thay thế các đầu vào nguyên liệu truyền thống bằng các đầu vào (nguyên liệu) tái chế, dựa trên sinh học, thu hồi và thúc đẩy hệ thống tiêu thụ và sản phẩm tuần hoàn. Ví dụ: Công ty Nippon Paper Industries đã tạo ra sản phẩm Shieldplus, một vật liệu đóng gói có thể phân hủy sinh học dựa trên giấy cho thực phẩm hoặc ống hút.
b) Mô hình kéo dài tuổi thọ sản phẩm hoặc tái sử dụng: Kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, có thể đạt được bằng nhiều cách, chẳng hạn như thiết kế các sản phẩm có khả năng bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng và tái sản xuất như các thuộc tính chính, chất lượng cao và vật liệu bền. Ví dụ: Koinpack là hệ thống bao bì có thể tái sử dụng dựa trên tiền kí gửi đầu tiên của Indonesia cho hàng hóa thông thường, nơi người tiêu dùng sử dụng và nhận tiền mặt khi trả lại các bao bì, sau đó được làm sạch và đổ đầy lại ở một trung tâm nhất định.
c) Mô hình chia sẻ: Tối đa hóa việc sử dụng hàng hóa và tài nguyên thông qua các nền tảng chủ yếu trực tuyến để thuê, bán, chia sẻ và tái sử dụng. Ví dụ: Công ty Mercari (Nhật Bản) bán ra các vật liệu đóng gói có thể tái sử dụng cho các mặt hàng nhỏ cho người dùng làm bằng tarpaulin để giảm thiểu chất thải bao bì.
d) Mô hình sản phẩm như dịch vụ: Mô hình kinh doanh này tập trung vào việc cung cấp một dịch vụ hơn là một sản phẩm. Ví dụ: Social Innovation Japan G.I.A. là một doanh nghiệp xã hội đã ra mắt ứng dụng MyMizu vào tháng 9 năm 2019, để giảm tiêu thụ chai nhựa. Bản đồ của ứng dụng cung cấp miễn phí các điểm tiếp nước ở Nhật Bản và trên toàn cầu, để mọi người có thể đổ đầy nước vào chai nước của họ thay vì phải mua mới.
e) Mô hình phục hồi tài nguyên: Trong mô hình phục hồi tài nguyên, chất thải từ các hệ thống sản xuất và tiêu thụ đều được “tái sinh” và sử dụng cho các mục đích khác. Sản xuất nguyên liệu thô thứ cấp từ chất thải, thông qua nâng cấp và tái chế. Ví dụ: Công nghệ làm sạch lòng sông sử dụng năng lượng mặt trời để thu gom các mảnh vụn nhựa đang được cung cấp bởi công ty khởi nghiệp RiverRecycle của Phần Lan và tổ chức phi lợi nhuận The Ocean Cleanup, sau đó chuyển nhựa thành dầu.
Tại Việt Nam, một số mô hình KTTH cũng đã được các doanh nghiệp nhựa áp dụng và triển khai, tiêu biểu như:
Mô hình tái chế nhựa của Công ty Tái chế nhựa Duy Tân: Mô hình thu gom rác thải nhựa của Duy Tân đảm bảo 100% các chai nhựa được thu gom theo tiêu chuẩn thông qua các trung tâm thu gom của nhà máy được liên kết với hơn 100 trạm thu gom vệ tinh tại các địa phương. Chai nhựa thu gom sẽ được phân loại, tách nhãn, nắp, sau đó được ép thành kiện. Kiện chai tiếp đó được đưa vào quy trình tái chế để tạo ra hạt nhựa thành phẩm. Các hạt thành phẩm đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng cho bao bì thực phẩm theo tiêu chuẩn FDA.
Mô hình sản phẩm nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn của Công ty Nhựa An Phát Xanh: Công ty Nhựa An Phát Xanh (An Phát Bioplastics) là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu bao bì màng mỏng chất lượng cao, đã đầu tư, nghiên cứu, phát triển thành công dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn mang nhãn hiệu AnEco (100% Compostable), gồm các sản phẩm như: Túi, găng tay, dao, nĩa, ống hút, màng nông nghiệp… Sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn của An Phát Xanh được làm từ các vật liệu, chất dẻo có khả năng phân hủy hoàn toàn như PBAT, PLA, PBS…bởi vi sinh vật thành nước, khí CO2, mùn hữu cơ trong môi trường tự nhiên hoặc công nghiệp và không gây hại đến môi trường xung quanh.
Mô hình máy bán hàng tự động CyclePacking của Công ty cổ phần VietCycle (VCC): Mô hình “CyclePacking – Tiêu dùng thông minh, không sinh rác nhựa” là máy bán hàng tự động do công ty cổ phần VietCycle (VCC) sáng chế. Doanh nghiệp đã và đang đưa ra các sản phẩm dưới máy bán hàng tự động cung cấp: Dung dịch tẩy rửa được làm đầy lại bao bì nhựa do khách hàng mang đến (refill & reuse); Bao bì từ 100% nhựa tái sinh cho khách hàng không mang theo bao bì cũ.
4. Công cụ và nguồn lực để thực hiện KTTH
Hiện nay, trên thế giới 2 công cụ phổ biến và có sự liên hệ với nhau đang được nhiều tổ chức và khu vực đề xuất để hỗ trợ cho việc chuyển đổi, thực hiện KTTH, đó là: Phân tích dòng vật chất (Material Flow Analysis - MFA): sự giám sát và phân tích dòng chảy vật lý của vật chất đi vào, đi qua hoặc đi ra khỏi một hệ thống. MFA có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang KTTH của doanh nghiệp. Thực hiện MFA giúp đưa ra bức tranh tổng thể về dòng vật chất trong toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp cũng như đưa ra các quyết định mang tính chiến lược cần thiết để triển khai KTTH; Chỉ số Chuyển tiếp sang KTTH (Circular Transition Indicators - CTI): được xây dựng trên cơ sở phân tích dòng vật chất trong phạm vi doanh nghiệp được kết hợp với các chỉ số bổ sung về hiệu quả tài nguyên cũng như giá trị gia tăng mà hoạt động KTTH mang lại. Ba điểm can thiệp chính gồm: dòng đầu vào (nguyên liệu), dòng đầu ra (tiềm năng và thực tế - sản phẩm và chất thải) và phục hồi (tái sử dụng, sửa chữa, tân trang, thay đổi mục đích, tái chế tạo, tái chế, phân hủy sinh học).
Về nguồn lực, có 3 yếu tố cần thiết cho quá trình chuyển đổi KTTH, đó là:
Đổi mới sáng tạo: Đổi mới trong KTTH không chỉ giới hạn ở “đổi mới vật chất và công nghệ” mà còn trong mô hình kinh doanh và trong hoạch định khuôn khổ chính sách, từ cả chính quyền, doanh nghiệp, cũng như các định chế tài chính.
Tài chính: đây là nguồn lực rất quan trọng nhưng đồng thời cũng được xác định là một trong các rào cản chính với quá trình chuyển đổi KTTH; bởi vậy áp dụng các mô hình KTTH cần phù hợp với điều kiện kỹ thuật, tài chính và nhân lực của từng nơi.
Công nghệ: Các công nghệ mới sẽ là yếu tố làm cho sự thay đổi mang tính mô hình trở nên khả thi, vì công nghệ giúp cung cấp và tạo ra các công cụ có thể giảm chi phí, tự động hóa và tạo ra giá trị kinh tế (IoT, XaaS, Dữ liệu lớn và Điện toán Đám mây…).
5. Kết luận
KTTH đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và tác động nặng nề của biến đổi khí hậu gia tăng. Ngành nhựa Việt Nam là ngành kinh tế năng động với sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và cũng là ngành được đánh giá có nhiều tiềm năng áp dụng kinh tế tuần hoàn vì những hiệu quả có thể mang lại không chỉ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhựa mà còn cho cả kinh tế và môi trường của đất nước.
Nguyễn Minh Khoa
Chuyên gia tư vấn môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Ellen MacArthur Foundation (2015). Growth within: A circular economy vision for a competitive Europe.
2. Ellen MacArthur Foundation (2020). Financing the Circular Economy - Capturing the Opportunity. Ellen MacArthur Foundation Publishing: Cowes, UK.
3. European Commission (2015). Closing the Loop - An EU Action Plan for the Circular Economy. Communication No. 614: European Commission Brussels, Belgium.
4. European Commission (2018). A European Strategy for plastics in a circular economy.
5. European Commission (2020). A new circular economy action plan for a cleaner and more competitive Europe. European Commission: Brussels, Belgium, 1-20.
6. European Commission (2020). New Circular Economy Action Plan The European Green Deal.
7. Hội Nhựa Việt Nam, 2021. Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nhựa năm 2021
8. Ocean Conservancy (2017). The next wave: investment strategies for plastic free seas. Ocean Conservancy: Washington, DC, USA.
9. OECD (2021). The OECD Inventory of Circular Economy Indicators.
10. OECD (2022). Global Plastics Outlook.
11. Sitra and ADBI (2022). Prospects for Transitioning from a Linear to Circular Economy in Developing Asia. Chapter 4, pp.63-78
12. UN Environment Programme (2018): Single-Use Plastics: A Roadmap for Sustainability. Kenya: UN Environment Programme.
13. UN, Department of Economic and Social Affairs, Population Division (2019): World Population Prospects 2019: Highlights. New York: UN, Department of Economic and Social Affairs.
14. WBCSD (2019). Policy enablers to accelerate the circular economy: Scaling up actions across regions and stakeholders.
15. Website của Công ty Nhựa An Phát xanh: https://anphatbioplastics.com/san-pham-sinh-hoc-phan-huy-hoan-toan
16. Website của Công ty tái chế nhựa Duy Tân: https://duytanrecycling.com/
17. World Bank (2021). Báo cáo “Nghiên cứu cho thị trường Việt Nam: Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa”.
18. World Bank (2022). Báo cáo “Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam”.