Banner trang chủ

An Giang với công tác truyền thông về phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

25/11/2022

    Cũng như các địa phương khác ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, ngày 25/12/2019, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 3110/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Qua đó, xác định nhiệm vụ và trách nhiệm thực hiện của các sở/ban, ngành và UBND cấp huyện; thực hiện đồng bộ các giải pháp và huy động tổng thể mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, người dân nhận thức đầy đủ, chính xác những thách thức đang đặt ra đối với ĐBSCL và từng địa phương trong vùng; chủ động trong thích ứng với BĐKH cũng như các tác động khác từ thượng nguồn.

    Chú trọng kế hoạch thực hiện

    Đến nay, chủ trương thuận thiên, liên kết vùng từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm 2019, 2020, 2021 của tỉnh có lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai, ngập úng do BĐKH và cảnh báo sớm vào quy hoạch. Theo đó, các sở/ban, ngành, cơ quan báo, đài, cổng thông tin điện tử của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo triển khai, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền trong nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cộng đồng về chủ động ứng phó với BĐKH. Trong đó đã lồng ghép thực hiện Dự án Worlbank 9 (WB9); tổ chức 145 lớp tập huấn kỹ thuật về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho 4.350 lượt nông dân huyện An Phú; 200 cán bộ quản lý cấp tỉnh, huyện và xã được phổ biến, giáo dục kiến thức về BĐKH; in ấn, phát 400 cuốn sổ tay “BĐKH và các giải pháp ứng phó” cho các cấp quản lý cùng 6.000 tờ bướm.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐKH cho nhân dân

    Về phía các sở/ban, ngành liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở TN&MT phối hợp với Trung tâm Truyền thông TN&MT - Bộ TN&MT tổ chức hội nghị tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP trên địa bàn tỉnh cấp vùng, thu hút 120 đại biểu đại diện các địa phương khu vực ĐBSCL tham dự. Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm tổ chức trên 40 lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai cho thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH cấp xã; 77 lớp tập huấn; 3 buổi tọa đàm tuyên truyền pháp luật về BVMT, ứng phó BĐKH; 2 mô hình thu gom rác; 1 hội thi vẽ tranh, thu hút 6.620 lượt người tham gia; 29 lớp tập huấn tuyên truyền về TN&MT cho cán bộ quản lý, người dân, doanh nghiệp với hơn 7.690 lượt người tham dự. Đồng thời, thực hiện 22 phóng sự; 18 tiết mục phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang; Cung cấp cho các đơn vị truyền thông 2 tin, bài thuộc lĩnh vực tài nguyên nước; Hưởng ứng các ngày lễ quan trọng về tài nguyên nước bằng nhiều hình thức như mít tinh, diễu hành, cuộc thi, hội thi, tổng vệ sinh thu gom rác, khơi thông dòng chảy kênh rạch... thu hút hơn 20.862 người tham gia; phát thanh 1.325 lượt tin, 30 bài viết, 8 phóng sự, in hơn 1.000 áo, 1.000 nón, treo 1.059 băng rôn, trồng 168.800 cây xanh, 5.000 tờ gấp tuyên truyền hướng dẫn thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các thiết bị trong cơ quan, gia đình đến cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn tỉnh. Mặc khác, tổ chức trưng bày, triển lãm các sản phẩm OCOP, hình ảnh xúc tiến đầu tư tại Hội nghị thường trực HĐND các tỉnh, riêng năm 2022 đã hỗ trợ 6 cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và tham gia Phiên chợ cuối tuần tại siêu thị Tứ Sơn; Tổ chức Hội nghị kết nối giao thương chủ đề “Sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền gắn với thị trường tiêu thụ và hoạt động du lịch”, với sự tham gia của gần 100 đại biểu… qua đó, tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    Tuy nhiên, công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH theo tinh thần Nghị  quyết số 120/NQ-CP trên địa bàn tỉnh An Giang vẫn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, như: Hiểu về các vấn đề liên quan đến BĐKH chưa thật sự đầy đủ và toàn diện; Phương pháp truyền thông chưa phong phú, hấp dẫn người dân; Dung lượng, thời lượng, nội dung truyền thông về BĐKH chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Ðặc biệt, tính lan tỏa, chuyên nghiệp chưa cao, chưa thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền. Tại không ít địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân vẫn chưa có nhận thức đầy đủ, toàn diện về BĐKH và tầm quan trọng của công tác ứng phó BĐKH, mới chỉ quan tâm đến các tác động tiêu cực, chưa quan tâm đến nguyên nhân gây ra BĐKH để có những hành động đúng đắn thông qua việc chuyển đổi lối sống, mô hình sản xuất tăng trưởng xanh.

    Những kết quả đáng khích lệ

    Nhận thức được những khó khăn, trở ngại, địa phương đã kịp thời tìm giải pháp khắc phục và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhiều mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH gắn với cộng đồng địa phương được xây dựng, phát huy hiệu quả, tiêu biểu như: Mô hình sinh kế dự án Tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long (WB9) trên địa bàn 3 xã: Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc và Phú Hữu (huyện An Phú).

    Vùng 1 - Hoạt động sinh kế chuyển đổi vùng lũ (Vùng dự án hỗ trợ trực tiếp): Phát triển lúa đông xuân (an toàn sinh học không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy) và nuôi thủy sản mùa lũ (luân canh), tổng diện tích triển khai là 120 ha; Phát triển lúa Đông Xuân - Sen Hè Thu và khai thác thủy sản dựa trên cộng đồng vào mùa lũ, tổng điện tích triển khai là 65 ha; Phát triển màu Đông Xuân - Màu Xuân Hè - Lúa nổi kết hợp với khai thác thủy sản dựa trên cộng đồng, tổng diện tích triển khai là 42 ha; Đăng quầng đánh bắt thủy sản dựa trên cộng đồng vào mùa lũ, tổng diện tích: 21 ha.

    Vùng 2 -  Hoạt động sinh kế chuyển đổi lúa: Chuyển đổi sang 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Tổng điện tích triển khai: 259 ha; Chuyển đổi sang cây ăn trái. Tổng điện tích triển khai: 726 ha.

    Vùng 3 - Áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tiến cho các loại cây trồng và thủy sản nhằm thích ứng với BĐKH; Áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tiến cho cây lúa nhằm thích ứng với BĐKH. Tổng diện tích triển khai: 13.319 ha; Áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tiến cho cây rau màu nhằm thích ứng với BĐKH. Tổng diện tích triển khai: 1.822 ha; Áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tiến cho cây ăn trái nhằm thích ứng với BĐKH. Tổng diện tích triển khai: 969 ha; Áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tiến cho nuôi trồng thủy sản nhằm thích ứng với BĐKH. Tổng diện tích triển khai: 92 ha.

Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc thăm cánh đồng mẫu

trồng các giống lúa mới của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời tại An Giang

    Cùng với đó phải kể đến các mô hình tưới tiết kiệm nước, xử lý phụ phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, cụ thể:

    Tại huyện Phú Tân: Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học tricodecma phân hủy rơm rạ với diện tích 1 ha tại xã Phú Thành; Mô hình sản xuất lúa hữu cơ 1 ha tại xã Phú Thành; Mô hình trồng nấm rơm trong 8 nhà, diện tích 666 m2; Mô hình tưới bán tự động trên vườn cây ăn trái (tưới nhỏ giọt 34 mô hình, tưới phun 54 mô hình); 8 mô hình nhà màng (7 nhà trồng dưa lưới, 1 nhà trồng ra thủy canh); 2 mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới…

    Huyện Thoại Sơn:

    - Mô hình So sánh giống lúa triển vọng vụ Đông xuân 2021 - 2022: Triển khai thực hiện tại hộ hộ ông Nguyễn Văn Nô, Kênh Đào A, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, quy  mô 1.000 m2, đang thực hiện cuối năm 2022.

- Mô hình trồng dưa leo theo hướng hữu cơ: Thực hiện tại hộ ông Bùi
Tấn Tài, ấp Kiên Hảo, xã Bình Thành, quy mô 600 m2; đã thu hoạch dứt điểm, hạn chế sử dụng phân hóa học, góp phần BVMT.

    - Mô hình trồng măng tây xanh kết hợp bón phân hữu cơ: Triển khai tại hộ ông Nguyễn Văn Thật, ấp Bình Thành, xã Bình Thành, quy mô 500 m2, số lượng 450 cây. Đang triển khai thực hiện năm 2022.

    - Mô hình trồng gừng trong bao lưới dưới tán cây ăn trái: Tại hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Nhân, ấp Mỹ Thới, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, quy mô 1.000 m2.

    Thành phố Châu Đốc: Mô hình trồng nấm trong nhà: Nông dân sử dụng hệ thống tưới phun sương, mô hình giảm lượng nước tưới từ 70 - 75% so với trồng ngoài trời, đạt năng suất cao, sản phẩm đạt chất lượng, đem lại lợi nhuận cao và giảm công lao động cho nông dân; Mô hình trồng sen lấy củ trên nền đất lúa tổng diện tích chuyển đổi 10 ha, năng suất khoảng 24 tấn/ha, giá bán từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng gấp 4 - 5 lần so trồng lúa nước.

    Huyện Chợ Mới: Dự án ứng dụng tưới nhỏ giọt trên cây ăn trái (xoài) ở 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, tổng diện tích 540 ha và tưới phun trên rau màu xã Kiến An, tổng diện tích 80 ha. Mô hình giúp tiết kiệm được 20 - 30% lượng nước tưới, giảm công chăm sóc nhằm giảm chi phí sản xuất cho người dân. Có 69 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ xây dựng nông thôn mới.

    Thành phố Long Xuyên: 40 mô hình sản xuất có hiệu quả, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Điển hình như mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật với Công ty Angimex KitoKu, Công ty Phú Sĩ, đồng bộ từ sản xuất giống, gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch, được các doanh nghiệp trực tiếp bao tiêu đã thực hiện tại phường Mỹ Hòa, Mỹ Thới, Mỹ Quý, Bình Khánh; Mô hình trồng xoài kết hợp hệ thống tưới và cấp mã số vùng trồng.

    Ngoài ra còn phải kể dến các chương trình, dự án khoa học, công nghệ cao, tiêu biểu như Chương trình dự án VnSAT (sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững): tổ chức 11 lớp tập huấn tuyên truyền hướng dẫn nông dân áp dụng  khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp huyện Thoại Sơn; Dự án BRIA II - MSVC: Dự án các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh thuộc tổ chức GIZ, thông qua việc tổ chức 4 lớp tập huấn năm 2022 ở các xã: Mỹ Phú Đông, Vĩnh Chánh, Bình Thành, Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn. Mỗi lớp có 30 học viên, góp phần giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, ít phát thải khí CH4, BVMT. Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL” năm 2022: Đang triển khai thực hiện dự án tại xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn với diện tích 50 ha. Dự án Thử nghiệm chế phẩm sinh học phân hủy rơm rạ tại hộ ông Trương Văn Hùng, ấp Trung Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn. Diện tích thực hiện mô hình 1 ha.

    Tiếp tục phát huy hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững

    Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Sở TN&MT tỉnh An Giang sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở/ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt, hiệu quả thông tin, truyền thông, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Trong đó, tập trung tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án truyền thông, nâng cao năng lực, nhận thức về BĐKH cho cơ quan quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025 để làm cơ sở, lộ trình xây dựng các nội dung hoạt động truyền thông trong thời gian tới, như sau:

    Xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông về BĐKH, thực hiện truyền thông qua các phương tiện: Xây dựng tài liệu truyền thông theo từng nhóm đối tượng gồm cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị -  xã hội, cộng đồng, người dân; Xây dựng, in ấn tờ gấp tuyên truyền ngắn gọn nội dung các tài liệu nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành của cộng đồng đối với phát triển bền vững tỉnh An Giang thích ứng với BĐKH; Xây dựng chương trình truyền thông: Bản tin thời sự, phóng sự, tọa đàm; trailer về mô hình sinh kế, hoạt động thích ứng với BĐKH, phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Báo An Giang, trang thông tin điện tử, kênh quảng bá về An Giang trên mạng xã hội, fanpage của các cơ quan, đơn vị.

    Đẩy mạnh truyền thông qua các cuộc tọa đàm, hội nghị, tập huấn: Tập huấn chuyên sâu nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách lĩnh vực BĐKH cấp tỉnh, huyện, xã; Tổ chức hội thảo, hội nghị tập huấn, tọa đàm đánh giá các mô hình tiêu biểu phát triển bền vững tỉnh An Giang thích ứng với BĐKH; Phát hiện, phổ biến nhân rộng các mô hình phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH gắn với cộng đồng.

    Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 2400/SKHĐT-THQH ngày 22/9/2022, trình Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh về Dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong đó có quan điểm phát triển tỉnh An Giang phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, chủ động thích ứng với BĐKH; lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên; phù hợp với điều kiện thực tế của vùng; chú trọng bảo vệ, tôn tạo, phát triển văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên; tăng cường hợp tác, liên kết vùng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Sau khi Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp các sở/ban, ngành tỉnh và địa phương tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện.

Bảo Bình

Ý kiến của bạn