02/04/2016
Xuất phát từ ý tưởng xây dựng “Thành phố môi trường” của Thành ủy Đà Nẵng, UBND TP đã ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” đến năm 2020. Đà Nẵng là địa phương điển hình trong cả nước có định hướng xây dựng thương hiệu môi trường. Đề án đặt ra 23 tiêu chí bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường không khí, môi trường nước, quản lí chất thải rắn, cây xanh. Qua 5 năm thực hiện, đến nay Đề án đã đạt được những kết quả nhất định.
Theo mục tiêu của đề án, phấn đấu đến năm 2015, 90% chất lượng nước thải sinh hoạt, chất thải rắn của các quận nội thành, nước thải công nghiệp được thu gom và xử lí; 50% chất thải thu gom được tái chế, 50% người chết được mai táng bằng hỏa táng; 90% dân số nội thành và 70% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch. Phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng trở thành đô thị đủ năng lực để ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, xử lí và khắc phục các sự cố môi trường dựa trên nền tảng ý thức của tất cả mọi người và cả hệ thống chính trị; tạo sự an toàn về sức khỏe và văn minh, một môi trường sống tốt cho người dân, nhà đầu tư và du khách, Đà Nẵng – TP đáng sống.
Ý tưởng hay, hướng đi đúng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đồng thuận cao, đề án “TP môi trường” nhanh chóng tạo sức lan tỏa lớn, được nhiều nước trên thế giới quan tâm và Trung ương ủng hộ đánh giá cao; nhận được sự hỗ trợ từ các cấp, từ nhiều phía; được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án về môi trường. Hiện nay, có 5 dự án quốc tế đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường đã và đang triển khai dưới dạng vay ODA, ít nhất 6 dự án hỗ trợ không hoàn lại của quốc tế về môi trường từ năm 2008 đến nay và đến năm 2015. Ước tính, đến nay, tổng vốn đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường gần 12.000 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA khoảng 511,4 triệu USD, tương đương 10.733 tỉ đồng.
Với quy mô dân số khoảng 1 triệu người, Đà Nẵng chưa phải là đô thị “đất chật, người đông”, không quá ồn ào náo nhiệt, nếu không muốn nói là khá yên bình. Đường phố thoáng rộng và sạch, không quá khó để nhận ra điều này. Nỗ lực đầu tiên dễ nhìn thấy nhất là giữ gìn cảnh quan, duy trì tốt vệ sinh đô thị. Tỉ lệ thu gom rác thải của Đà Nẵng đến nay đạt 93%, tăng 8% so với thời điểm năm 2006, riêng khu vực đô thị đạt 98%. Để phù hợp với định hướng phát triển du lịch, TP thay đổi dần sang phương thức thu gom rác thải theo giờ tại khu vực nội thành từ năm 2012. Với phương thức thu gom này, thời gian đặt thùng và thu gom rác thải diễn ra từ 15 giờ đến 21 giờ hàng ngày, qua đó đã hạn chế số lượng thùng đặt trên các tuyến đường chính, đảm bảo mĩ quan đô thị, giảm thời gian đặt thùng rác trước nhà dân từ 24 giờ còn 6 giờ mỗi ngày và đảm bảo vệ sinh môi trường tại mỗi vị trí đặt thùng rác. Với mô hình này, nhiều du khách đến Đà Nẵng không khỏi bày tỏ sự ngạc nhiên:không hiểu vì sao gần như cả ngày, trên nhiều tuyến đường, không hề bắt gặp những xe chở rác, những thùng rác đặt 2 bên đường, nhưng rác thải vẫn được thu gom? Mô hình “thu gom rác theo giờ” đang được TP “ưu ái” dành kinh phí đầu tư để nhân rộng.
Ô nhiễm công nghiệp đang là thách thức, là bài toán nan giải của các đô thị lớn. Với Đà Nẵng cũng vậy. Hiện, Đà Nẵng đang trải chiếu hoa thu hút đầu tư, nhưng chỉ ưu tiên thu hút một cách có chọn lọc các dự án theo hướng có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Song ngược về quá khứ, có một thời Đà Nẵng đã trải thảm đỏ thu hút nóng các dự án, chưa đặt lên bàn cân tính toán kĩ sự được - mất giữa lợi ích kinh tế và bài toán môi trường, hệ lụy là không ít dự án công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, trong quá trình phát triển với tốc độ đô thi hóa diễn ra khá nhanh, không ít điểm đen môi trường xuất hiện. Vì vậy, Đà Nẵng đã “chạy đua thời gian” để khắc phục. Từ chỗ chỉ có 2 hệ thống xử lí nước thải tập trung của khu công nghiệp Đà Nẵng và khu công nghiệp Hòa Khánh, đến nay tất cả 6 khu công nghiệp trên địa bàn có hệ thống xử lí nước thải tập trung. 100% lượng rác thải y tế được xử lí triệt để. Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên hoàn thành việc xử lí triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTG, ngày 22/04/2003 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông thường, để thay đổi một thói quen, nếp nghĩ của một ai đó là điều không dễ, huống hồ là cả cộng đồng! Thế nên, công tác tuyên truyền luôn được đặt lên hàng đầu. Song tuyên truyền như thế nào để “đi vào lòng người” mới là quan trọng. Ngoài những hình thức tuyên truyền thường gặp như: cổ động trực quan, nói chuyện chuyên đề, mít tinh diễu hành ra quân dọn vệ sinh hướng về các ngày lễ lớn, các sự kiện môi trường, xử lí những hành vi gây ô nhiễm môi trường,… Đà Nẵng đặc biệt chú trọng đến phong trào Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp. Để tránh những cách làm hình thức, hô hào, khẩu hiệu, mang tính đối phó gây phản cảm, từ năm 2004, Chủ tịch UBND TP đã ban hành Chỉ thị 19/2004/CT-UB, ngày 20/10/2004 và mới đây là Chỉ thị 02/CT-UBND, ngày 2/3/2012 yêu cầu các ban ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị trên địa bàn TP vào cuộc trách nhiệm hơn, hiệu quả hơn phong trào Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp, cùng với đó là sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan chức năng và có đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen chê kịp thời. Điều này đã thật sự tạo ra luồng sinh khí mới cho phong trào. Từ đó, môi trường được cải thiện, song điều quan trọng là ý thức về bảo vệ môi trường của các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Những đoạn đường tự quản, đoạn đường xanh sạch đẹp, câu lạc bộ môi trường, tổ dân phố không rác và nhiều mô hình về môi trường khác lần lượt ra đời. Nếp sống văn minh cũng dần hình thành từ đó.
Không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng được công nhận là TP bền vững về môi trường ASEAN và APEC bình chọn là 1 trong 20 TP lớn đạt tiêu chí "Thành phố hàm lượng cacbon thấp" và cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều người thường nhắc đến cụm từ “TP đáng sống” khi nói về Đà Nẵng. Đó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Tin rằng, nhìn lại hành trình đã qua, người dân Đà Nẵng sẽ có thêm động lực và niềm tin để dốc sức hơn nữa xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường, một TP thân thiện và đáng sống.
Phạm Tuyên