30/07/2015
Việt Nam vừa ký Thỏa thuận với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ nhằm Thực hiện Chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học rừng và các dịch vụ hệ sinh thái tại Việt Nam (gọi tắt là Chương trình Đa dạng sinh học rừng), và Chương trình Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (gọi tắt là Chương trình ICMP) giai đoạn II.
Rừng ngập mặn Cần Giờ, TP.HCM
Cả hai Chương trình đều do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên Bang Đức (BMZ) và Chính phủ Việt Nam tài trợ. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) Ôxtrâylia tham gia đồng tài trợ Chương trình ICMP. Các dự án hợp tác kỹ thuật do Chính phủ Đức hỗ trợ cung cấp trực tiếp các kết quả đầu vào dưới dạng tư vấn kỹ thuật nhằm phát triển năng lực cho cá nhân, tổ chức, mạng lưới và các tổ chức dân sự xã hội.
Chương trình Đa dạng sinh học rừng có mục tiêu là thiết lập các điều kiện tiên quyết nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các hệ sinh thái rừng ở cấp Trung ương, góp phần thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh. Chương trình chủ yếu nhằm vào việc cải thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường năng lực quản lý nhà nước, và thực hiện các sáng kiến quốc tế. Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Vụ Bảo tồn Thiên nhiên thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cùng thực hiện Chương trình từ 2015 - 2018. Tổng ngân sách cho Chương trình này là 4,5 triệu Euro do Chính phủ Đức hỗ trợ không hoàn lại thông qua BMZ. Chính phủ Việt Nam cung cấp 10% vốn đối ứng là 450.000 Euro.
Chương trình ICMP giai đoạn II có mục tiêu là nâng cao năng lực thể chế, tài chính và lập kế hoạch để thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Chương trình xây dựng trên các giải pháp thực tế, thích ứng với biến đổi khí hậu do chính quyền và người dân địa phương triển khai với sự hỗ trợ của chính phủ Đức và Ôxtrâylia từ năm 2007. Những giải pháp này áp dụng cho các lĩnh vực như tái sinh rừng ngập mặn, bảo vệ rừng ven biển, gây dựng các cơ hội tạo thu nhập thông qua thực tiễn canh tác thay thế cho người dân địa phương. ICMP áp dụng phương thức tiếp cận đa ngành với sự tham gia của các tỉnh và các bộ ngành liên quan. Tổ chức GIZ, Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT thuộc UBND 5 tỉnh dự án (An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Sóc Trăng) cùng thực hiện giai đoạn II của Chương trình cho đến tháng 8/2017. Tổng ngân sách Chương trình lên đến 8,8 triệu Euro, trong đó, Chính phủ Đức tài trợ 4,5 triệu Euro), Chính phủ Ôxtrâylia tài 3,5 triệu Euro.
Sơn Tùng