Banner trang chủ

Vai trò của Tín chỉ giảm phát thải trong bảo vệ môi trường

02/07/2015

   1. Tín chỉ giảm phát thải

   Tín chỉ giảm phát thải (ERCs) được tạo ra khi các cơ sở hoạt động nào đó đóng cửa hoặc tự nguyện cắt giảm lượng khí thải. Đây có thể được coi là một phần của quá trình cho phép, các cơ sở mới hoặc mở rộng phải đạt được ERCs để bù đắp lượng khí thải mới hoặc tăng lên trước khi xây dựng hoặc điều chỉnh các nguồn gây ô nhiễm không khí tại cơ sở. Như vậy, ERCs được tạo ra bởi sự đóng cửa hoặc cắt giảm tự nguyện của một cơ sở sản xuất có thể được bán cho một cơ sở mới hoặc mở rộng khác.

   ERCs là sự giảm phát thải có tính thặng dư, tính cố định, tính định lượng, có tính thi hành theo chính quyền liên bang được sử dụng để bù đắp sự gia tăng phát thải của NOx, VOCs và các chất ô nhiễm theo chỉ tiêu: CO, Pb, SOx, PM, PM-10, PM-2,5.

   ERCs là một công cụ được sử dụng trong công tác quản lý và BVMT. Theo Ủy ban chất lượng môi trường bang Texas của Mỹ, thì “ERCs là một hình thức chứng nhận rõ ràng trong việc khuyến khích giảm thiểu việc phát thải thông qua chương trình thương mại và ngân hàng về phát thải”. Một ERCs được xem xét và cấp bởi Ủy ban chất lượng môi trường bang Texas của Mỹ thông qua việc giảm phát thải thường xuyên các chất như: Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), Hydrocarbon dễ cháy (ROC), Nitrogen oxides (NOx), Bụi môi trường (PM) (bao gồm cả PM10), Carbon Oxides (COx) hoặc Sulphur Oxides (SOx) được thể hiện định lượng bằng tấn/năm. ERCs có thể được sử dụng cho mục đích thương mại.

Hội thảo “Phát triển đô thị sinh thái và ứng dụng công nghệ giảm thải cácbon do Cục Phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng tổ chức tháng 3/2015

   2. Đặc điểm của ERCs

   Thông qua khái niệm ERCs, có thể thấy ERCs có năm đặc điểm sau: Tính thực tế; định lượng; thường xuyên và lâu dài; thặng dư; khả thi.

   Tính thực tế

   Tính thực tế của ERCs có nghĩa là việc giảm phát thải vào môi trường không khí của các cơ sở sản xuất phải là thực tế. Việc tính toán với ERCs phải là đại diện cho tính hợp lý của khí thải thực tế, điều này có nghĩa là ERCs không phải là hình thức ở trên giấy, mà gắn liền với kết quả tính toán thực tế lượng giảm phát thải của cơ sở.

   Việc giảm phát thải trên thực tế có thể được chứng nhận bởi các cơ quan hữu quan. Để xác định lượng giảm thải thực tế trong kế hoạch giảm phát thải, cần thiết phải tính toán “Mức phát thải cơ sở”, chính là ngưỡng phát thải mà cơ sở phát thải ra trước khi có kế hoạch giảm phát thải. “Mức phát thải cơ sở” bao gồm mức độ hành động của cơ sở và tỷ lệ phát thải trung bình trong 2 năm liên tục trước và sau khi trình kế hoạch giảm thải hoặc bao gồm những thống kê việc phát thải những năm gần đây được sử dụng. Các hoạt động chính của cơ sở cần dựa trên thời gian hoạt động thực tế của cơ sở, tốc độ sản xuất hoặc khối lượng nguyên vật liệu chế biến, lưu kho, hoặc đốt trong khoảng thời gian 2 năm. Mức phát thải cơ sở phải có tỷ lệ phát thải nghiêm ngặt nhất (tức là nằm trong giới hạn cho phép, sử dụng công nghệ kiểm soát tối đa - MACT, công nghệ kiểm soát hợp lý hiện hành - RACT) áp dụng cho cơ sở sản xuất trong suốt thời gian 2 năm.

   Tính định lượng

   Tính định lượng của ERCs có nghĩa là lượng giảm phát thải phải được xác định chính xác và chắc chắn.

   Trong ERCs của người sử dụng, để đo lượng phát thải của 1 cơ sở trước và sau những thay đổi trong mức độ phát thải nên sử dụng cùng 1 phương pháp để tính toán. Định lượng phải dựa trên lượng khí thải thực tế phát thải từ nguồn trước khi giảm thải.

   Đối với một ERCs được chứng nhận, yếu tố định lượng được tính toán bằng cách sử dụng các phương pháp có thể nhân rộng và các nguyên tắc chuẩn mực, thông qua “mức phát thải cơ sở” hoặc lượng giảm thải theo kế hoạch. Các yếu tố ô nhiễm môi trường không khí do phát thải và nguồn năng lượng mới là 2 yếu tố được chấp nhận trong hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan BVMT. Yêu cầu đối với đơn xác nhận ERCs là phải cung cấp các số liệu chính xác nhất trong cam kết giảm thải ở mức giảm phát thải cơ bản và kế hoạch giảm phát thải. Hệ thống phân cấp dữ liệu được sử dụng để xem xét các nguồn nguyên liệu mới bao gồm các thứ tự ưu tiên, dữ liệu giám sát liên tục, dữ liệu giám sát định kỳ, dữ liệu kiểm tra, dữ liệu của nhà sản xuất và các thông tin của cơ quan quản lý về BVMT.

   Tính thường xuyên và lâu dài

   Chỉ những hoạt động giảm phát thải mang tính lâu dài và không thay đổi cho hoạt động sản xuất của cơ sở mới có thể được chứng nhận là ERCs.Các kế hoạch giảm phát thải chỉ mang tính chất tạm thời và không được khuyến khích sẽ không được chứng nhận là ERCs.

   Tính thường xuyên và lâu dài của tín chỉ giảm phát thải yêu cầu đối với cơ sở giảm phát thải phải thực hiện suốt toàn bộ thời hạn của quá trình giảm thải

   Tính thặng dư

   Đây là một trong những yếu tố để xác định lượng tín chỉ được tạo ra từ mức giảm phát thải đạt được trong việc thực hiện kế hoạch, chiến lược giảm phát thải. Mức giảm thải này không bị chi phối bởi các yêu cầu của cơ quan quản lý môi trường địa phương hay chính quyền địa phương. Do đó, mức giảm thải theo kế hoạch của các cơ sở sản xuất nên ở mức thấp hơn so với mức yêu cầu giảm phát thải của các Cơ quan BVMT hay của chính quyền địa phương hoặc thấp hơn mức giảm thải cho phép.

   Tính khả thi

   Cuối cùng, các cơ sở phát thải phải cam kết hoạt động phát thải ở mức độ chiến lược, tức là mức độ phát thải mà cơ sở cảm thấy có lợi nhất. Các cơ chế thi hành khác nhau và hiệu lực thi hành khác nhau phụ thuộc vào cơ chế hoạt động của cơ sở. Các cơ sở được phép có thể thay đổi hoặc sửa đổi giấy phép của họ để giảm giới hạn phát thải tới một mức giảm theo lộ trình kế hoạch. Đối với một cơ sở cho phép bị đóng cửa vĩnh viễn, có thể thay đổi giấy phép để loại bỏ các yếu tố tương ứng với Chỉ số cơ sở (Facility Index Number) hoặc làm mất hiệu lực toàn bộ giấy phép.

   3. Vai trò của ERCs trong BVMT

   ERCs là một phương thức hợp lý để kiểm soát mức độ phát thải qua việc xác định tổng số giấy phép hoặc hạn ngạch thích ứng với khả năng tiêu huỷ chất thải của môi trường. Trong những năm gần đây, việc sử dụng giấy chứng nhận ERCs có thể chuyển nhượng như là công cụ chính sách môi trường dựa trên thị trường đã được các nhà hoạch định chính sách ngày càng quan tâm. Chính sách này cũng đã nổi lên như một công cụ kiểm soát ô nhiễm hiệu quả từ những năm 2000. Chứng nhận ERCs có thể chuyển nhượng đã trở thành một phương pháp tiếp cận môi trường ngày càng được chấp nhận ở nhiều nước. Việc hình thành hạn ngạch phát thải hoặc tổng giấy phép phát thải với quyền được chuyển nhượng mua bán phù hợp với khả năng của môi trường là cách thức hiệu quả để kiểm soát ô nhiễm và đảm bảo được mục tiêu kinh tế. Công cụ này áp dụng phổ biến với nước thải và khí thải tại các nước phát triển như Mỹ, Thụy điển, Ba Lan...

   Hiện nay, việc áp dụng công cụ kinh tế có vai trò trong một số lĩnh vực: kiểm soát ô nhiễm, biến đổi khí hậu (giảm phát thải CO2) và bảo tồn đa dạng sinh học. Thông qua các đặc điểm của ERCs, có thể thấy vai trò của công cụ kinh tế này được thể hiện qua một số vai trò sau:

   Giữ gìn, nâng cao ý thức trong công tác BVMT: Thông qua ERCs, các cơ sở phát thải nói riêng và cộng đồng nói chung sẽ có ý thức hơn trong việc sử dụng các nguồn năng lượng, đặc biệt các nguồn năng lượng có khả năng xả khí thải vào môi trường: như nguồn năng lượng hóa thạch, các sản phẩm thiết bị, nguồn năng lượng gây hiệu ứng nhà kính.

   Phát triển công nghệ mới: Thông qua các cam kết thực hiện giảm phát thải, các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp sẽ nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới có tính thân thiện hơn với môi trường. Các công nghệ mới được áp dụng sẽ mang tính hiệu quả cao hơn, đồng thời giảm thiểu việc sử dụng các nguồn năng lượng phụ thuộc, các nguồn năng lượng mà gây nên sự phát thải, nguồn gốc của hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Các công nghệ mới được áp dụng sẽ khuyến khích các tổ chức, các nhà khoa học tham gia công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng các công nghệ mới hiệu quả hơn, thân thiện với môi trường hơn, đây chính là một trong những yếu tố tạo nên nền Kinh tế xanh, góp phần phát triển hài hòa và bền vững.

   Cân bằng phát triển giữa các khu vực địa lý: Mỗi tấn khí thải thải vào môi trường ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều như nhau, vì vậy thông qua ERCs của các khu vực khác nhau, sẽ tạo nên sự cân bằng trong phát triển của các khu vực địa lý. Các khu vực khác nhau sẽ có sự liên kết với nhau để phát triển hài hòa hơn. Về lý thuyết, các nước đang phát triển nhờ các dự án các bon mà có được sự đầu tư cho BVMT, tiếp nhận kỹ thuật tiên tiến (qua các dự án sử dụng cơ chế phát triển sạch hơn - CDM) và đồng thời cũng có thêm một khoản thu nhờ bán các chứng chỉ các bon cho các nước phát triển. Các nước phát triển với tư cách là người mua trên thị trường các bon cũng tiết kiệm được chi phí để giảm thải các bon bởi các dự án thực hiện ở những nước đang phát triển sẽ ít tốn kém hơn nhiều so với một dự án tương tự triển khai ở các nước phát triển.

   Thúc đẩy hợp tác quốc tế: ERCs yêu cầu các cơ sở phát thải giảm lượng phát thải ở 1 mức cho phép, tuy nhiên cơ sở này cũng có thể tăng mức phát thải vượt quá quy định nếu mua được tín chỉ giảm phát thải của các cơ sở khác không dùng hết.

   Thông qua ERCs, các cơ sở buộc phải cam kết giảm lượng khí thải của cơ sở, vì vậy mà các cơ sở phát thải phải tính tới việc đầu tư cho các công nghệ mang tính thân thiện với môi trường, các thiết bị chất lượng với yêu cầu làm giảm khả năng phát thải. Việc hợp tác trao đổi về công nghệ, nghiên cứu về các lĩnh vực giảm thiểu mức độ phát thải sẽ có vai trò rất lớn trong việc phát triển và đẩy mạnh các công nghệ phù hợp, tiết kiệm năng lượng, các công nghệ thân thiện với môi trường sẽ được áp dụng nhiều hơn, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và BVMT.

   Hướng công tác quản lý môi trường tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước, giữ cân bằng giữa phát triển và BVMT

   ERCs cũng thúc đẩy phát triển các cơ chế quản lý môi trường một cách linh hoạt hơn. Một trong số đó là cơ chế Bù trừ tín chỉ song phương (BOCM/JCM) hay còn gọi là Cơ chế tín chỉ kết hợp (JCM), sáng kiến được đưa ra bởi Nhật Bản trong việc hợp tác song phương với các nước đang phát triển như Việt Nam để duy trì các hành động giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế bù trừ tín chỉ song phương (BOCM/JCM). Mục đích của BOCM/JCM:Tạo điều kiện nhân rộng các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ, và cơ sở vật chất, trang thiết bị tiên tiến có mức phát thải các bon thấp, cũng như thực hiện các hoạt động giảm nhẹ và góp phần phát triển bền vững ở các quốc gia đang phát triển; Đánh giá hợp lý các đóng góp vào giảm hoặc loại bỏ phát thải khí nhà kính từ các nước phát triển theo một cách thức có thể định lượng được, thông qua các hoạt động giảm nhẹ được thực hiện tại các quốc gia đang phát triển và sử dụng các kết quả đó để đạt được mục tiêu giảm phát thải của các quốc gia phát triển; Góp phần đạt được mục tiêu cao nhất của UNFCCC (Công ước khung của liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) bằng việc hỗ trợ các hoạt động toàn cầu vì mục tiêu giảm hoặc loại bỏ phát thải khí nhà kính.

   Vai trò của ERCs trong quản lý và BVMT là một trong những yếu tố mới, quan trọng trong công tác và sự nghiệp BVMT và phát triển bền vững. Điều này được thể hiện qua ý thức trong công tác BVMT; Phát triển nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới; Cân bằng phát triển giữa các khu vực địa lý; Thúc đẩy hợp tác quốc tế; Hướng công tác quản lý môi trường tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước, giữ cân bằng giữa phát triển và BVMT.

Tài liệu tham khảo

Emission Reduction Credits, Presentation to the Santa Barbara County APCD Community Advisory Council; December 14, 2005 Michael Goldman, Engineering Supervisor

Emission Reduction Credit (ERc) Determination; Cctober 19, 2012 Kylebreeze, Jimmyers

BĐKH và REDD; Hà Nội 2010 Vũ Thị Hiền - Lương Thị Trường

Instructions for Emission Reduction Credit (ERC) Registry Application; Bureau of Air Quality Department of Environmental Protection Commonwealth of Pennsylvania , June 1999;

Emission Reduction Credits (ERCs); June 2001 Robert J. Huston, R. B. “Ralph” Marquez, John M. Baker, Jeffrey A. Saitas

BĐKH, Nghị định thư kyoto - Cơ chế phát triển sạch. Thách thức và vận hội (T/c BVMT số 2/2005, Hoàng Mạnh Hòa, Bộ Tài nguyên và Môi trường)

PGS. TS. Phạm Văn Lợi, Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường; Kinh tế hóa lĩnh vực môi trường: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn; Hà Nội, 2011

Lê Thu Hoa, Khoa Môi trường và Đô thị, Đại học Kinh tế quốc dân; Công cụ kinh tế trong quản lý BVMT

     TS. Đỗ Nam Thắng, Viện Khoa học Môi trường; Áp dụng công cụ kinh tế trong quản lý môi trường: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam; Hà Nội, 2010.

 

Trần Thị Giang

Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 6/2015)

 

Ý kiến của bạn