Banner trang chủ

Vườn quốc gia Cúc Phương

10/05/2016

     Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương, có diện tích 22.200 ha, cách Hà Nội khoảng 120 km về phía Tây Nam và TP. Ninh Bình 45 km về phía Tây Bắc, được thành lập theo Quyết định số 72/TTg ngày 7/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 139/CT ngày 9/5/1998 của Chính phủ. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng thuộc địa giới hành chính của 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Hòa Bình, với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Đây cũng là VQG đầu tiên tại Việt Nam.

     Cúc Phương nằm ở phía Đông Nam của dãy núi đá vôi Tam Điệp, chạy từ tỉnh Sơn La ở hướng Tây Bắc, với ưu thế là kiểu karst tự nhiên, hình thành trong lòng đại dương cách đây khoảng 200 triệu năm. Dãy núi này nhô lên đến độ cao 636 m tạo thành một nét địa hình nổi bật giữa vùng đồng bằng. Phần dãy núi đá vôi bao quanh VQG có chiều dài khoảng 25 km và rộng 10 km, ở giữa có thung lũng chạy dọc gần hết chiều dài của dãy núi. Địa hình karst có ảnh hưởng rõ nét đến hệ thống thủy văn của Cúc Phương. Phần lớn nước trong VQG bị hệ thống các mạch nước ngầm hút rất nhanh, sau đó chảy ra những khe nhỏ ở bên hai sườn, vì vậy, không có các ao hồ tự nhiên hay các thủy vực tĩnh nằm trong VQG mà chỉ có một dòng chảy thường xuyên là sông Bưởi nằm ở phía Tây của VQG rồi đổ vào sông Mã. Rừng Cúc Phương còn đóng vai trò bảo vệ đầu nguồn hồ chứa nước Yên Quang, cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp các vùng lân cận. Khí hậu ở Cúc Phương thuộc loại khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm khoảng 24,7 °C. Địa hình phức tạp, rừng ở dạng nguyên sinh. Tại đây có rất nhiều hang động với cảnh quan kỳ thú và ẩn chứa những chứng tích văn hoá lịch sử lâu đời như động Trăng Khuyết, Chúa, Thuỷ Tiên, Người Xưa, San Hô, hang Con Moong...

 

Cây Chò nghìn năm tuổi tại VQG Cúc Phương

 

     VQG Cúc Phương được xác định là 1 trong 7 trung tâm đa dạng thực vật của Việt Nam. Hệ thực vật rất phong phú với 1.944 loài thuộc 908 chi và 229 họ. Thảm thực vật Cúc Phương với ưu thế là rừng trên núi đá vôi với nhiều loài cây gỗ lớn, đặc biệt là cây chò xanh, cây sấu cổ thụ đều trên dưới 1.000 năm tuổi, cao từ 50 - 70 m. Riêng hoa phong lan có tới 50 loài, có loài cho hoa và hương thơm quanh năm. Hiện nay, VQG Cúc Phương đã trở thành trung tâm cung cấp các loài thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho các chương trình trồng rừng trong khu vực và trên cả nước. Nơi đây đã có những khu gây giống tự nhiên đạt kết quả cho các loài chò chỉ, chò xanh, kim giao... Tuy diện tích chỉ bằng 1/700 diện tích miền Bắc và gần 1/1500 diện tích của cả nước nhưng hệ thực vật VQG Cúc Phương chiếm tỷ lệ 76% số họ, 48,6% số chi và 30% số loài của miền Bắc và chiếm 68,9% số họ, 43,6% số chi và 24,6% số loài hiện có ở Việt Nam. Các họ giàu loài nhất trong hệ thực vật Cúc Phương là đại kích, hòa thảo, đậu, thiến thảo, cúc, dâu tằm, nguyệt quế, cói, lan và ô rô. Rừng có thể hình thành nên nhiều tầng tán đến 5 tầng, trong đó tầng vượt tán đạt đến độ cao trên 40 m. Do địa hình dốc, tầng tán thường không liên tục và đôi khi sự phân tầng không rõ rang, nhiều cây rất phát triển hệ rễ bạnh vè để đáp ứng với tầng đất mặt thường mỏng. Trong tương lai vườn còn xây dựng và mở rộng thêm cơ sở thực nghiệm để cung cấp giống nhiều loài cây làm thuốc, cây cảnh quý hiếm.

     Về động vật, VQG Cúc Phương có 97 loài thú (trong đó nổi bật nhất là các loài khỉ châu Á), 313 loài chim, 76 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 11 loài cá và hàng nhìn loài côn trùng, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Cúc Phương cũng là nơi sinh sống của một số quần thể thú quan trọng về mặt bảo tồn, trong đó có loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu ở mức đe dọa cực kỳ nguy cấp là voọc quần đùi trắng; loài sẽ bị nguy cấp trên toàn cầu là cầy vằn, loài bị đe dọa ở mức quốc gia là báo hoa mai. Cúc Phương cũng có hơn 40 loài dơi đã được ghi nhận tại đây.

     Nhiều nhóm sinh vật khác cũng đã được điều tra, nghiên cứu ở Cúc Phương, với khoảng 111 loài ốc đã được ghi nhận, trong đó có 27 loài đặc hữu. Khu hệ cá trong các hang động ngầm cũng đã được nghiên cứu, ít nhất đã có một loài cá được ghi nhận là loài đặc hữu đối với vùng núi đá vôi, đó là cá niết hang Cúc Phương. Năm 1998, Cúc Phương cũng đã xác định được 280 loài bướm, 7 loài trong số đó lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam.

     Đến với Cúc Phương, ngoài việc khám phá tự nhiên, khám phá người tiền sử, du lịch mạo hiểm… du khách còn có điều kiện nghỉ ngơi, thư giãn với dịch vụ tắm ngâm nước khoáng nóng. Nước khoáng Cúc Phương tuôn ra từ các hốc đá vôi tuổi Triat (hơn 200 triệu năm) trên sườn núi, nước phun lên liên tục kèm theo các bọt khí phun lên từng đợt, cách nhau 25-30 giây với lưu lượng khoảng 10 lít/s, nhiệt độ ổn định ở 350C. Nước khoáng nóng ở đây có thành phần chủ yếu là bicacbonat magiê, có tác dụng phòng và chữa các bệnh như kháng viêm, lợi tiểu, giải mẫn cảm và điều hòa một số chức năng về dinh dưỡng, tiêu hóa, chuyển hóa… trong cơ thể.

 

Hồng Điển

Ý kiến của bạn