Banner trang chủ

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển, đảo Cà Mau

08/09/2015

   Cà Mau là tỉnh nằm ở cực Nam của Tổ quốc, có ba mặt giáp biển với bờ biển dài 254 km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước. Diện tích vùng biển Cà Mau rộng khoảng 80.000 km2, là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước. Đặc biệt, vùng đất ngập nước Mũi Cà Mau đã được Chính phủ công nhận là nơi có tầm quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên, BVMT, bảo tồn di tích lịch sử và bảo vệ an ninh quốc phòng. Ngày 26/5/2009, Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngày 13/12/2012 được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam. Với lợi thế về địa hình tự nhiên, Cà Mau có thể trở thành khu vực tiềm năng thu hút đầu tư quốc tế, trong đó phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là một trong những định hướng đầu tư quan trọng.

   1. Tiềm năng du lịch sinh thái biển, đảo Cà Mau

   Du lịch sinh thái rừng ngập mặn

   VQG Mũi Cà Mau có diện tích 41.862 ha, với hệ sinh thái rừng ngập mặn điển hình của Việt Nam và khu vực. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh trùng trùng điệp điệp rừng mắm, rừng đước… và tận mắt ngắm nhìn nhiều loài động vật quý hiếm. Đây là một vùng đất ngập mặn với quần thể thực vật chiếm ưu thế, có giá trị cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Động vật nơi đây rất phong phú với nhiều loài chim nước như cò, bồ nông chân xám, giang sen, rẽ mỏ cong hông nâu, quắm trắng... và các loài bò sát như kỳ đà hoa, trăn mốc, trăn gấm, rắn lục miền Nam, rắn sọc dưa, cá sấu nước lợ, rùa hộp lưng đen, rùa ba gờ... Bên cạnh đó là các loài thú với số lượng cá thể lớn như chuột dúi bengan, cầy lỏn, rái cá họng trắng, khỉ nước, dơi đen, đặc biệt là khỉ đuôi dài (còn gọi là cà khu)... Dưới nước là một quần thể các loài động vật thủy sinh phong phú với nhiều loài tôm cá như cá đối, cá bống, cá nhụ, tôm thẻ, tôm sú, tôm càng xanh... và rất nhiều loài khác.

Biểu tượng Mũi Cà Mau

   Ngoài ra, Mũi Cà Mau còn là điểm hấp dẫn với du khách khi được tham quan cột mốc tọa độ quốc gia (cột mốc số 0, điểm cuối cùng của Tổ quốc), là một địa điểm có ý nghĩa thiêng liêng đối với người dân Việt Nam. Nơi đây có biểu tượng Mũi Cà Mau, ngắm toàn cảnh Mũi Cà Mau từ vọng lâm đài, thăm khu mô phỏng làng rừng kháng chiến...

   Du lịch trên cụm đảo Cà Mau

  Cà Mau có 3 cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn đá Bạc. Trên các cụm đảo còn nhiều nét hoang sơ, độc đáo của thiên nhiên. Các cụm đảo Cà Mau nằm ven bờ cách đất liền không xa, là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái trên đảo. Với thảm rừng nguyên sinh trên đảo xanh tươi, những dốc đá lối mòn vắt vẻo từ bãi cát vàng ven biển lên cao theo vách đá cheo leo dẫn lên đỉnh núi, các mạch nước ngầm hòa thành suối nhỏ, cung cấp nguồn nước ngọt trong lành cho những người đi biển. Đặc biệt, đảo Hòn Khoai còn là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa do nhà giáo Phan Ngọc Hiển lãnh đạo ngày 13/12/1940 trong cao trào Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 chống thực dân Pháp. Trên đỉnh Hòn Khoai còn lưu giữ ngọn hải đăng, một công trình do Pháp xây dựng vào 1902 đến nay vẫn duy trì hoạt động và đặc biệt đây là điểm để tàu biển làm điểm mốc định hướng hàng hải quốc tế. Ngọn đèn báo biển trên đảo Hòn Khoai cho những chuyến tàu “không số” vượt sóng trùng khơi, đón những chuyến tàu chuyên chở vũ khí tiếp tế cho cách mạng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến.

   Cũng nằm trong cụm đảo Cà Mau, Hòn Đá Bạc, với những khối đá trơn nhẵn, những hang ngầm sát mé biển nhiều bí ẩn và thảm rừng bao phủ với những lối mòn đang được đầu tư phát triển du lịch sinh thái biển đảo. Cảnh quan thiên nhiên trên đảo Hòn Đá Bạc còn đậm nét hoang sơ với những tảng đá đặt chồng lên nhau một cách tự nhiên, đan xen giữa các khe đá là hệ thực vật phong phú với nhiều cây cổ thụ xanh mát. Đến đây, du khách có thể vào thăm bảo tàng khám phá chiến tích của kế hoạch phản gián CM12, chiến công lẫy lừng của mảnh đất nơi cuối trời Nam Tổ quốc, là di tích lịch sử cấp quốc gia và chiêm ngưỡng tượng đài “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đặc biệt, các khu Lâm ngư trường 184, Kiến Vàng… trên Hòn Đá Bạc là những khu bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với các mô hình phát triển lâm nghiệp nguyên sinh và tái sinh, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, Lâm viên Cà Mau còn có vườn chim nhân tạo và các loài chim ngập nước bay về trú ngụ ngay trong lòng thành phố, trở thành điểm vui chơi giải trí cho người dân đô thị gần gũi với thiên nhiên với các cảnh quan đặc trưng của tỉnh.

   Ngoài tài nguyên đảo, quần thể du lịch sinh thái Mũi Cà Mau - bãi Khai Long - Khu Bảo tồn thiên nhiên Ông Trang (cồn Ông Trang) cũng là địa điểm thu hút khách du lịch. Khu vực cồn Ông Trang với các cảnh quan sinh thái tự nhiên hết sức lý thú, là vùng bồi tụ tự nhiên hình thành, gồm: Cồn trong cửa sông Ông Trang đã hình thành từ lâu đời, cồn ngoài cửa sông mới hình thành gần đây và đang phát triển với diễn thế nguyên sinh rừng ngập mặn tự nhiên, là nơi có tính đa dạng sinh học điển hình của rừng ngập mặn. Cùng với quá trình bồi tụ, các khu rừng ngập mặn hình thành một cách tự nhiên, với nguồn lợi thủy hải sản vô cùng phong phú. Khu Bảo tồn thiên nhiên Ông Trang nằm trong khu Ramsar của thế giới rất thích hợp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và tìm hiểu về hệ sinh thái đất ngập nước ven biển điển hình.

   2. Mục tiêu, giải pháp phát triển du lịch sinh thái biển, đảo Cà Mau trong hội nhập quốc tế

   Ngày 7/7/2009, của UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt Chương trình phát triển bền vững tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Trong đó có nội dung về Quy hoạch phát triển du lịch Cà Mau với mục tiêu đặt ra đến năm 2015 du lịch Cà Mau là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của vùng; đến năm 2020 trở thành điểm đến quan trọng của cả nước và ngày càng được biết đến trên bản đồ du lịch quốc tế và khu vực với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với vui chơi, khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng mang nét đặc trưng riêng của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra những giải pháp đầu tư cơ bản trong phát triển du lịch sinh thái Cà Mau:

Mũi Cà Mau nhìn từ vọng lâm đài

   Tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (cả Trung ương và địa phương) theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn toàn tỉnh; Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch sinh thái bằng cách khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau; Có chính sách và giải pháp tạo nguồn vốn phát triển du lịch sinh thái, huy động mọi nguồn vốn để giải quyết về nhu cầu đầu tư, đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP du lịch.

   Phát triển hệ thống các cơ sở lưu trú và công trình dịch vụ du lịch; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí; Nghiên cứu điều chỉnh các khu du lịch theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; Tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử - cách mạng và phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch; Hình thành và phát triển mạnh cơ quan chịu trách nhiệm về xây dựng, quảng bá và phát triển hình ảnh du lịch Cà Mau thân thiện với môi trường; phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp…

   Để phát triển du lịch sinh thái biển, đảo trong hội nhập quốc tế, ngoài tiềm năng hiện có, trong thời gian tới, Cà Mau sẽ đầu tư phát triển nhiều lĩnh vực như hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống dịch vụ du lịch tạo điều kiện phát triển phù hợp với tiềm năng mà thiên nhiên đã ban tặng, đưa Cà Mau trở thành địa bàn du lịch sinh thái quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như trong cả nước.

Cao Văn Khiên

Ban quản lý Dự án Biển và Hải đảo Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8 - 2015)

Ý kiến của bạn