Banner trang chủ

Tăng cường bảo vệ rừng quốc gia Ðền Hùng

10/05/2016

   Khu di tích lịch sử (KDTLS) Đền Hùng - nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước - Tổ tiên của dân tộc Việt Nam, là KDTLS văn hóa quan trọng bậc nhất quốc gia, được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Ngoài quần thể kiến trúc, nghệ thuật tinh xảo, Khu di tích còn có một hệ sinh thái rừng nhiệt đới, có giá trị về đa dạng sinh học. Rừng quốc gia (RQG) Đền Hùng là sự kết hợp giữa rừng tự nhiên với rừng trồng, không chỉ có một số cây quý của rừng nguyên sinh mà còn có những loài cây gắn với truyền thuyết và tâm linh cũng như cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây.

Cây vạn tuế 800 năm tuổi trước cửa chùa Thiên Quang

   Viên ngọc bích giữa thành phố công nghiệp

   Ngày 12/7/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 89/2002/QĐ-TTg thành lập RQG Đền Hùng với diện tích 528 ha, trong đó có 32 ha thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt. Hệ sinh thái thực vật RQG Đền Hùng đa dạng, phong phú, chỉ tính riêng ở núi Nghĩa Lĩnh có 636 loài thực vật thuộc 429 chi của 144 họ, trong đó có 15 loài quý hiếm, có giá trị khoa học như trầm hương, kim giao, gõ đỏ, sến mật, lát hoa, chò nâu, giáng hương... Đặc biệt, có cây vạn tuế trên 800 tuổi, cây đại gần 300 tuổi, cây chò nâu cao 30 m, đường kính gốc 80 cm và hàng trăm cây có tuổi đời từ 100 - 500 năm. Ngoài ra, còn có khoảng 205 loài cho gỗ, 192 loài cho thuốc, 97 loài cây cảnh, 104 loài cho thực phẩm và 9 loài cho dầu, nhựa. Bên cạnh đó, hệ động vật có 157 loài côn trùng, thuộc 26 họ, 132 giống gồm 7 bộ, trong đó động vật có xương sống bao gồm 59 loài chim, 13 loài thú, 14 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư thuộc 81 giống; Động vật quý hiếm có 7 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam thuộc 3 lớp (lớp chim gồm bói cá lớn và ác là, lớp thú gồm tê tê, lớp bò sát gồm tắc kè, rắn giáo, hổ mang, cạp nong). Cùng với khu rừng tự nhiên, xung quanh núi Nghĩa Lĩnh còn có hàng chục núi và đồi, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình vừa hùng vỹ vừa tôn nghiêm, bốn mùa xanh ngát giống như bức tranh thủy mạc. Cây rừng trên đại ngàn Nghĩa Lĩnh gắn liền với dấu ấn lịch sử và thời gian, cùng với các di tích đền, chùa, bia mộ, tạo nên sự linh thiêng, để mỗi người khi đến với Đền Hùng, trong cõi sâu thẳm của tâm linh như được giải tỏa.

KDTLS Đền Hùng hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Bính Thân 2016

   Phục hồi và phát triển hệ sinh thái

   Cùng với các dự án phát triển RQG Đền Hùng, KDTLS Đền Hùng đã trồng bổ sung các loại cây gỗ quý, cây sinh cảnh vào diện tích rừng 30 ha thuộc núi Nghĩa Lĩnh, 18.000 cây các loại vào diện tích 45 ha khu núi Vặn. Ngoài vườn cây lưu niệm quốc gia gồm 300 cây thuộc các loại cây của ba miền Bắc, Trung, Nam, Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ đã xây dựng vườn ươm 7 ha, với mục tiêu cung cấp nguồn cây giống, bảo vệ nguồn gen, phục vụ trồng và phát triển RQG Đền Hùng theo quy hoạch. Cùng với đó, KDTLS Đền Hùng cũng phát động cán bộ, công nhân tham gia trồng trên 2.500 cây cảnh, cây bóng mát; Xây dựng 5.000 m hàng rào cây xanh tại các khu vực trong di tích; Trồng mới hàng chục ha tại khuôn viên đền thờ Lạc Long Quân, khu hồ cảnh quan và hàng nghìn cây bóng mát, cây sinh cảnh trên các trục đường vào KDTLS…

   Song song với việc phục hồi và phát triển hệ sinh thái, KDTLS Đền Hùng thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã, huyện liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục người dân có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng và di tích; Phối hợp với lực lượng kiểm lâm trực gác, tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng yếu; Ký cam kết với 34 hộ dân sinh sống trong khu vực RQG chăm sóc, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên và phòng chống cháy rừng, đảm bảo không có tình trạng chặt phá rừng cũng như săn bắt động vật trái phép. Đồng thời, hàng năm xây dựng phương án và phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy trong mùa hanh khô và trước thời gian tổ chức Lễ hội.

   Đền Hùng là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người dân Phú Thọ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Vì vậy, cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân và khách tham quan cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chung tay xây dựng môi trường di tích lành mạnh, văn minh.

                T.Hằng - Minh Tùng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn