14/12/2015
1. Đặc tính và nguy cơ tuyệt chủng loài gà lôi lam mào trắng
Gà lôi lam mào trắng là loài chim đặc hữu, thuộc họ Trĩ (Phasianidae), sống tại các khu vực rừng mưa nhiệt đới của Việt Nam, phân bố chủ yếu tại 4 tỉnh (Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế). Loài này có chiều dài 58-67 cm, chân và da mặt đỏ. Con trống có màu xanh da trời pha đen, còn con mái có màu nâu. Loài này có 2 biến chủng. Chủng danh định (L.e.edwardsi) có mào và trên đuôi trắng và chủng phía bắc (L.e.hatinhensis ) được tìm thấy với các lông bay ở đuôi màu trắng với số lượng biến thiên. Sự khác biệt này trong hai chủng có thể là do giao phối cận huyết của một quần thể bị hạn chế và phân mảnh tại khu vực phân bố và cũng đã được nhận thấy ở các cá thể bị nuôi nhốt và lai cùng dòng. Gà lôi lam mào trắng là loài quý hiếm, được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp, do bị săn bẫy tràn lan kết hợp với mất sinh cảnh sống và suy thoái.
Năm 2014, tại vùng rừng đặc dụng Bắc Hải Vân (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã phát hiện 1 cặp gà lôi lam mào trắng |
Theo các chuyên gia, cặp gà lôi lam được phát hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1924, do Cean dela Coul - nhà tự nhiên học (người Pháp) tìm thấy tại khe rừng phía Tây huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế (nay thuộc Khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên Phong Điền). Tuy nhiên, sau phát hiện này, các nhà điểu học của Việt Nam và thế giới đã đến vùng rừng trên khảo sát nhưng lại không tìm thấy thêm một con gà lôi lam nào khác. Chính vì vậy, năm 1929, các nhà bảo tồn khoa học trên thế giới đã công bố loài gà này bị tuyệt chủng.
Đến năm 1986, các cán bộ kiểm lâm Thừa Thiên - Huế phát hiện tại KBT thiên nhiên Phong Điền một cặp gà lôi lam mào trắng (một trống, một mái) và chuyển giao cho Vườn thú Hà Nội nhân giống bảo tồn trong điều kiện nuôi nhốt. Sau đó, Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Tổ chức quốc tế bảo tồn các loài chim (Birdlife Internationa) đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát cho thấy, số lượng loài gà quý này quanh khu vực rừng giáp ranh giữa Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có đến gần trăm cá thể. Tuy nhiên, do nhiều năm sau không được phát hiện thêm cá thể gà nào nên tại cuộc Hội thảo chim họ trĩ trên thế giới tại Hà Nội (năm 1994) và tại Vườn quốc gia Bạch Mã - Thừa Thiên - Huế (năm 1995), các chuyên gia về chim cảnh báo, gà lôi lam mào trắng ở Việt Nam đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng.
Năm 2014, tại vùng rừng đặc dụng Bắc Hải Vân, lực lượng kiểm lâm Thừa Thiên - Huế đã thu giữ từ một người đi rừng một con gà lôi lam mào trắng trong tình trạng chân trái bị chấn thương do mắc bẫy. Gà được gửi mẫu đi xét nghiệm và xác định là gà lôi lam mào trắng. Sau nhiều năm vắng bóng, gà lôi lam mào trắng lại xuất hiện ở vùng rừng Thừa Thiên - Huế. Việc phát hiện gà lôi lam mào trắng xuất hiện trở lại trong tình trạng bị mắc bẫy đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nạn săn bắt động vật hoang dã ngày càng mạnh đang làm tổn hại đến các loài chim, thú quý hiếm.
2. Quảng Bình thống nhất kế hoạch bảo tồn gà lôi lam mào trắng
Trước thực trạng nguy cấp của loài gà lôi lam mào trắng, để bảo vệ loài gà, một số KBT đã được thành lập trong vùng phân bố của gà lôi lam mào trắng với mục tiêu bảo vệ loài này và các loài khác sống trong cùng sinh cảnh đất thấp tại các KBT thiên nhiên: Kẻ Gỗ, Phong Điền, Đắc rông, Bắc Hướng Hóa… Sau khi thành lập, các KBT này đã có những thành công nhất định trong việc giảm tốc độ mất rừng tuy nhiên các mối nguy cơ đối với đa dạng sinh học còn hiện hữu, đặc biệt là suy thoái rừng và săn bắt động vật hoang dã vẫn tiếp diễn. Hiện tại 2 KBT thiên nhiên: Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) và Đắc Rông (Quảng Trị) đã được quy hoạch lại để bảo tồn loài gà lôi lam mào trắng.
Song song với đó, từ giữa năm 2013, nhiều tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã thành lập nhóm bảo tồn gà lôi lam mào trắng tại Việt Nam (VN-EPWG). Năm 2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam thống nhất Kế hoạch hành động 2015 - 2020 bảo vệ gà lôi lam mào trắng. Theo đó, Kế hoạch gồm 4 Chương trình chủ yếu: Tăng cường bảo vệ và quản lý sinh cảnh cho gà lôi lam mào trắng; Tập trung nhân nuôi bảo tồn gà lôi lam mào trắng theo các bước từ nuôi nhốt đến nuôi bán hoang dã và cuối cùng là nuôi hoang dã trong môi trường tự nhiên; Nghiên cứu, điều phối và huy động nguồn lực. Các chương trình này sẽ được thực hiện đồng bộ để đạt được mục tiêu bảo tồn bền vững quần thể gà lôi lam mào trắng trong tự nhiên vào năm 2030.
Để triển khai Kế hoạch, trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã đề ra các giải pháp bảo tồn gà lôi lam mào trắng, cụ thể:
Tăng cường phối hợp với các ban ngành chức năng ở các địa phương có phân bố loài gà lôi lam mào trắng; đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ rừng, BVMT tại các khu vực này nhằm tạo sinh cảnh tốt nhất để bảo tồn gà lôi lam mào trắng.
Xây dựng các chiến dịch gia tăng nhận thức và bảo tồn loài gà lôi lam mào trắng.
Đầu tư cho công tác cứu hộ loài gà, trong đó chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất cứu hộ, đào tạo nhân lực và ban hành quy định về chuyển giao loài gà quý hiếm về các trung tâm cứu hộ và khu bảo tồn.
Đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học về sinh học, sinh thái của quần thể, xu hướng biến động của loài, đặc biệt tại các vườn quốc gia, KBT thiên nhiên còn sự phân bố gà lôi lam mào trắng.
Nguyễn Hà
Tổng cục Lâm Nghiệp
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015)