Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 21/11/2024

Phát hiện đàn bò tót quý hiếm ở Phong Nha - Kẻ Bàng

13/03/2019

     Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thông qua việc đặt bẫy ảnh, nhóm nghiên cứu khoa học của Vườn quốc gia đã ghi nhận có từ 13 - 17 cá thể bò tót sinh sống trong khu vực rừng ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

    Loài bò tót có tên trong danh mục loài thú của Vườn, nhưng trước đây các nhà khoa học chỉ ghi nhận sự tồn tại của loài này qua phân, dấu chân. Đây là lần đầu tiên nhóm nghiên cứu chụp được ảnh chúng.

 

Cá thể bò tót được nhóm nghiên cứu phát hiện thông qua đặt bẫy ảnh

 

    Do kinh phí hạn chế, Ban quản lý chỉ đặt được số lượng ít bẫy ảnh, đặt xong nơi này thì tháo ra chuyển sang nơi khác. Lần này, Vườn đặt 50 bẫy ảnh, theo các luồng tuyến có loài thú quý hiếm đi qua. Sau khi phát hiện, các nhân viên của Vườn đã tiến hành khảo sát các khu vực có xuất hiện bò tót để tháo gỡ bẫy, bảo vệ tốt sinh cảnh cho loài động vật quý hiếm này.

    Bò tót (có tên khoa học là Bos gaurus) là động vật thuộc bộ Guốc chẵn (Artiodactyla), họ Trâu bò (Bovidae) có lông màu sẫm và kích thước lớn, sinh sống chủ yếu ở vùng đồi của Ấn Độ và Đông Nam Á. Tên gọi khác của bò tót là bò rừng Mã Lai hay bò rừng bizon Ấn Độ.

    Bò tót ở Việt Nam được xếp vào nhóm bò tót Đông Dương hay bò tót Đông Nam Á (có tên khoa học là Bos gaurus laosiensis hay Bos gaurus readei) được Sách đỏ thế giới xếp vào nhóm động vật quý hiếm loại 1B, bảo tồn ở mức sắp nguy cấp.

    Đặc điểm ngoại hình và di truyền của bò tót ở rừng Việt Nam được xếp thành phân loài riêng, là loài bò tự nhiên to nhất thế giới với những con đực cao đến 2,2 m, nặng trên 2 tấn.

    Thời gian qua, việc đặt bẫy ảnh ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng ghi nhận sự xuất hiện của một số loài thú quý hiếm khác như sao la, gấu, sơn dương...

 

    Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm trên huyện Bố Trạch và Minh Hóa (Quảng Bình), từng hai lần được công nhận di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003 và hệ sinh thái đa dạng sinh học năm 2015.

    Rộng hơn 120.000 ha, Vườn quốc gia có hơn 1.390 loài động vật sinh sống, trong đó 46 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 55 loài được ghi trong Sách đỏ thế giới IUCN 2016. Một số loài rất quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, voọc chà vá chân nâu, vượn đen má trắng, sao la, mang…

     20 năm qua, Vườn đã phát hiện 28 loài mới được công bố trên toàn thế giới, trong đó có 25 loài động vật và 3 loài thực vật.

 

Bảo Bình

Ý kiến của bạn